Dấu ấn sau cơn địa chấn của Tổng thống Pháp

Hoàng Sơn |

Bất chấp các cuộc biểu tình phản đối của người dân vẫn thường xuyên diễn ra, nhưng có thể nói Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã vượt qua thử thách của năm cầm quyền đầu tiên khá suôn sẻ.

Bất ngờ lật đổ thế lưỡng cực tả-hữu từng tồn tại nửa thế kỷ qua trên chính trường Pháp, vượt qua tất cả các đối thủ nặng ký, ông Emmanuel Macron bước vào điện Elysee (Dinh Tổng thống Pháp) khi mới 39 tuổi, trở thành vị Tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Pháp. Đây có thể coi là cơn địa chấn chính trị lớn nhất tại Pháp trong nhiều thập kỷ qua.

Những gì ông Emmanuel Macron thực hiện trong năm qua chưa đến mức tạo tiếp cơn địa chấn nhưng cũng đủ phá tan mọi nghi ngờ về năng lực của một chính trị gia mà 2 năm trước còn là nhân vật vô danh trên chính trường.

Khác với những người tiền nhiệm Jacques Chirac và Nicolas Sarkozy luôn phải dừng lại giữa chừng các tham vọng cải cách của mình, ông Emmanuel Macron luôn làm đúng như những gì đã hứa khi tranh cử, đó là cải cách một cách quyết liệt.

Để đạt mục đích, ông sẵn sàng vượt qua ranh giới đảng phái, thậm chí phá bỏ cả những điều vốn từng coi là cấm kị trước đây trong mô hình xã hội Pháp.

Để đưa nước Pháp thoát khỏi tình trạng trì trệ kéo dài, ông Emmanuel Macron cải tổ Luật Lao động, sẵn sàng cho phép chủ sử dụng lao động dễ dàng hơn trong việc sa thải và tuyển dụng nhân công, cùng những quy định về các mức trần bồi thường trong trường hợp chủ lao động sa thải người lao động mà không có lý do chính đáng.

Những cải cách mà giới phân tích nhận định là rất táo bạo và gần như sẽ thay đổi tận gốc rễ mối quan hệ giữa giới chủ và người lao động Pháp trong nhiều năm qua tất nhiên làm mất lòng nhiều người, nhưng kết quả là sự trỗi dậy của nền kinh tế Pháp thì không ai có thể phủ nhận.

Theo số liệu thống kê chính thức, kinh tế Pháp tiếp tục tăng trưởng khá trong quý đầu năm nay, sau khi có kết quả tốt hơn mong đợi cuối năm 2017.

Dự kiến năm nay, tăng trưởng sẽ đạt trên 2%. Tỷ lệ thất nghiệp giảm liên tục từ cuối năm ngoái, hiện nay còn 8,8% so với mức 9,5% cách đây một năm. Lòng tin của giới doanh nghiệp đã quay trở lại, điều đó nhờ nỗ lực rất lớn của Chính phủ.

Trong lĩnh vực đối ngoại, tuy là một chính trị gia trẻ và hoàn toàn chưa có kinh nghiệm ngoại giao quốc tế nhưng ông Emmanuel Macron đã thể hiện vai trò người đứng đầu nước Pháp một cách ấn tượng.

Từ việc đón tiếp và thắt chặt quan hệ với nguyên thủ các cường quốc như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel… cho đến việc đứng ra làm trung gian hòa giải cho các xung đột quốc tế lớn, từ Lybia, vùng Vịnh, chống khủng bố ở Nam Sahara cho đến xung đột Israel-Palestine, ông Emmanuel Macron đều để lại dấu ấn.

Trên phạm vi Liên minh châu Âu, ông Emmanuel Macron cũng đang nổi lên như lá cờ đầu dẫn dắt công cuộc cải tổ sâu rộng khối này, khi đưa ra bản kế hoạch cải cách cuối tháng 9-2017, đồng thời thúc đẩy để châu Âu tiến bước dài đến việc thành lập quân đội chung thông qua cơ chế Hợp tác quốc phòng thường xuyên PESCO.

Trong bối cảnh nước Đức lún vào cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài, ông Emmanuel Macron đã tranh thủ thế mạnh của mình để chủ động thúc đẩy các biện pháp táo bạo cho tiến trình hội nhập EU.

Đã đến lúc nước Pháp phải thay đổi để thoát ra khỏi tình trạng trì trệ. Đây là tâm lý chung của đa số người dân Pháp và ông Emmanuel Macron đã đánh trúng tâm lý đó trong cải cách của mình để trụ vững một cách đĩnh đạc ngay trong năm cầm quyền đầu tiên. 4 năm phía trước còn nhiều thử thách nhưng mọi chuyện dường như đang tạo điều kiện để ông Emmanuel Macron có thể tạo những cơn địa chấn mới trong cải cách.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại