Tại xứ sở kim chi, mọi người làm việc rất nhiều và giải trí với tần suất cao không kém.
Người trưởng thành ở Hàn Quốc làm việc hàng giờ dài nhưng lại nhận về mức lương thấp hơn so với trung bình các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Nhưng không phải đợi đến khi đi làm người Hàn Quốc mới trải nghiệm làm việc trong nhiều giờ mà từ nhỏ, họ đã phải dành ra 14 tiếng trong ngày để học ở trường và các trung tâm bồi dưỡng gọi là hagwon.
Học sinh phổ thông ở Hàn Quốc chỉ có trung bình 5 tiếng 27 phút để ngủ vào buổi tối, một khảo sát năm 2014 cho hay. Hàn Quốc cũng là quốc gia có tỉ lệ người trẻ và trưởng thành tự tử nhiều nhất trong số các quốc gia OECD.
"Đối với trẻ nhỏ, mục tiêu cuộc đời chúng là đậu kì thi đại học. Đó là một ván bài được ăn cả ngả về không. Những đứa trẻ sẽ cố gắng hướng đến các trường đại học hàng đầu, rồi đến hạng 2, hạng 3.
Kết quả kỳ thi này sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng đến cơ hội cuộc sống và hôn nhân sau này của chúng" - Timothy Vandergast, giáo sư tư vấn và giáo dục đặc biệt tại Đại học William Paterson sống ở Hàn Quốc được 8 năm tính đến năm 2017, cho biết.
Áp lực phải thành công ở Hàn Quốc đã góp phần hình thành các hình thức giải trí mà thoạt nhìn trông chúng vô cùng vui nhộn.
Cuộc sống về đêm ở Seoul không thiếu sự lựa chọn cho tất cả mọi người muốn chơi thâu đêm suốt sáng. Đó là những phòng game, quán bar và cà phê mở 24/7 sẵn sàng phục vụ mọi lúc.
Một khu vui chơi nhộn nhịp ở Sinchon, Seoul.
Ở thủ đô Seoul, những con đường tiệc tùng thường tọa lạc ở gần những trường đại học danh tiếng và rất đông đúc về đêm.
Không khó bắt gặp những người trẻ thuộc độ tuổi 20 đứng lại tham gia các trò chơi đường phố như phóng phi tiêu thắng gấu bông.
"Xã hội Hàn Quốc hình thành dựa trên thứ tự trên dưới, cấp bậc rõ ràng và yêu cầu con người phải nỗ lực để đáp ứng mong đợi.
Những chuẩn mực này góp phần xây dựng xã hội nhưng mặt khác, nó cũng dần khiến con người muốn buông thả.
Với tư cách là một nhà sử học, tôi tin rằng sự vận hành của xã hội Hàn Quốc hiện tại hoàn toàn phù hợp với lịch sử nơi đây" - C. Harrison Kim, trợ lý giáo sư tại Khoa Lịch sử của Đại học Hawaii Mānoa, nói.
Những khu vực giải trí như trên phát triển bắt nguồn từ sự bùng nổ của Hàn Quốc trở thành một trong những cường quốc kinh tế trên thế giới.
Hàn Quốc từng là một quốc gia nông nghiệp và nghèo khổ sau chiến tranh Triều Tiên đầu những năm 1950. Thế nhưng, chỉ sau một vài thập kỷ, giữa những năm 1960 đến 1980, kinh tế tại đây phát triển vượt bậc đến nỗi được gọi là "phép màu sông Hàn".
Ở Hàn Quốc đột nhiên xuất hiện ngày càng nhiều những người thuộc tầng lớp trung lưu lắm tiền nhiều của và ngược lại, điều này làm tăng dần những áp lực phải thành công trong một chế độ nhân tài tư bản.
"Đó là một xã hội thay đổi một cách chóng mặt, nơi mà những người đến từ vùng quê nông thôn bất ngờ trở thành một người quan trọng trong một tổ chức nghiên cứu hoặc tập đoàn kinh doanh.
Đó là sự dịch chuyển xã hội và cuộc sống của con người cũng phải thay đổi theo" - ông Arnold Kendall, chủ tịch Bảo tàng Tự nhiên Hoa Kỳ Phòng Nhân chủng học của Lịch sử, cho biết.
"Thế nhưng, vào những năm 1980, có cảm giác như mọi thứ bị siết chặt lại và con đường đi đến thành công trở nên khó khăn hơn.
Dù vậy, mọi người vẫn không ngừng khao khát bước vào tầng lớp trung lưu" - ông Arnold nói thêm.
Trong thời gian đó, những phòng karaoke trở nên thịnh hành hơn ở Seoul những năm 1990.
Theo quan điểm của C. Harrison Kim, làm việc và ăn chơi là "2 phạm trù tồn tại đan xen nhau và đóng vai trò quan trọng như nhau trong văn hóa Hàn Quốc".
Nói cách khác, chúng tương trợ lẫn nhau, khi công việc quá mệt mỏi thì con người cần tìm nơi để giải tỏa căng thẳng.
Tại Hàn Quốc, con người cần xả stress liên tục song song với quá trình xây dựng sự nghiệp.
Những người trưởng thành luôn tham gia vào những hoạt động ăn uống được gọi là "hwe-sik" với sự tham gia của đồng nghiệp và sếp cùng dùng bữa và nhậu nhẹt.
Thỉnh thoảng, mọi người còn chơi "tăng 2" với hoạt động phổ biến là đi hát karaoke.
"Hầu hết các công ty đều có văn hóa hwe-sik. Đến cuối ngày, mọi ranh giới giữa các thứ bậc được phá vỡ và mọi người cùng nhậu nhẹt, trò chuyện cùng nhau.
Văn hóa doanh nghiệp Hàn Quốc rất căng thẳng và phân cấp nhưng tôi luôn cảm thấy bất ngờ trước việc các công ty chịu chi rất nhiều tiền để nhân viên của họ có thể giải tỏa căng thẳng thông qua việc ăn uống và nhậu nhẹt cùng nhau" - Kim nói.
Dù vậy, người Hàn Quốc vẫn bày tỏ sự lo lắng cho sức khỏe của bản thân bởi vì hoạt động xả stress ấy khiến họ thỉnh thoảng phải uống rất nhiều rượu.
Trong một bài báo với tiêu đề "sự thích nghi của nhân viên mới" xuất bản năm 2013, một nhân viên 36 tuổi kể anh từng bị sếp ở công ty xuất bản sách yêu cầu uống thật nhiều rượu bia để kiểm tra tửu lượng của anh.
"Họ nói rằng đó là một trong những điều kiện để có thể trở thành một nhân viên bán hàng giỏi" - người nói này với Korea Times.
Người Hàn Quốc uống trung bình 13,7 ly rượu mỗi tuần, con số này gấp đôi ở Nga và gấp 4 lần ở Mỹ.
Thế nhưng, khác với một vài quốc gia, uống rượu bia được chấp nhận như một nét văn hóa ở Hàn Quốc, thậm chí cả khi mọi người không đi hwe-sik.
"Có những người đàn ông và phụ nữ ở tuổi 40-50 vẫn phải làm những công việc áp lực nhưng sau giờ làm, họ có thể bung xõa hết mức ở các phòng karaoke, nhảy và hát như thể không có ngày mai.
Đó là một cách giải tỏa căng thẳng tuyệt vời" - Kim nói.
Thật khó để đánh giá điều này là tốt hay xấu. Đối với vài người, văn hóa tiệc tùng kia là nghiện rượu nơi làm việc hay một cách giải tỏa căng thẳng kì lạ thay vì tìm tới bác sĩ tâm lí.
Thế nhưng, Hàn Quốc đang cho thế giới thấy tầm quan trọng của các hoạt động giải trí và chúng đáp ứng nhiều nhu cầu của con người, dẫu cho nhu cầu đó là tiêu cực hay tích cực.