Đặt nhầm niềm tin vào các cơ sở thẩm mỹ ''3 xu'', nhiều người trẻ ngậm ngùi nếm trái đắng khi tự biến mình thành những ''cỗ máy rút tiền'' trên bàn mổ

NGUYÊN DŨNG TT |

Nỗi ám ảnh sợ xấu cùng tư tưởng "trăm ngàn nết tốt cũng không bằng 1 khuôn mặt đẹp" đang biến nhiều người thành "cỗ máy rút tiền" nằm trên bàn mổ. Thị trường ngành làm đẹp nói chung và phẫu thuật thẩm mỹ nói riêng chưa bao giờ là hết sôi động.

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ có xu hướng trẻ hóa đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thể chất và tinh thần của giới trẻ, đồng thời nó cũng mang đến thách thức đối với các giá trị về vẻ đẹp tâm hồn.

"Nếu mà mặt cậu không có mụn chắc phải xinh đẹp lắm đấy!" - Dư Bối, 1 cô gái sinh năm 2000 thuật lại câu cửa miệng của nhiều người khi lần đầu nhìn thấy cô.

Từ khi học cấp 2, Dư Bối đã năn nỉ mẹ cho đến viện thẩm mỹ để chữa mụn. Sau khi vào đại học, cô đã trải nghiệm dịch vụ ở hầu hết các cơ sở y tế làm đẹp được đánh giá cao ở địa phương, bao gồm điều trị mụn bằng lăn kim hay laser. Về sau, cô gái muốn tham gia kỳ thi nghệ thuật do đài truyền hình tổ chức nên đã phẫu thuật thẩm mỹ, mặc cho bố mẹ kiên quyết phản đối.

"Tôi thử làm mũi đầu tiên, quá trình phẫu thuật không đau đớn vì có thuốc gây mê, khó khăn duy nhất là phải thở bằng miệng trong vài ngày sau khi phẫu thuật, và sống cùng khuôn mặt sưng tấy. Nhưng nhiều người có kinh nghiệm đã cho tôi lời khuyên rằng xấu trước đẹp sau, chỉ cần vượt qua giai đoạn phù nề là sẽ lột xác thành thiên nga xinh đẹp." - Dư Bối nói.

Đặt nhầm niềm tin vào các cơ sở thẩm mỹ 3 xu, nhiều người trẻ ngậm ngùi nếm trái đắng khi tự biến mình thành những cỗ máy rút tiền trên bàn mổ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tại Trung Quốc, nghiên cứu mới nhất chỉ ra rằng khách hàng tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ có xu hướng trẻ hóa trong những năm gần đây, những người trong nhóm thế hệ Y (năm sinh trong khoảng 1980-1996) và thế hệ Z (năm sinh trong khoảng 1997-2012) đã trở thành đối tượng quan trọng để các cơ sở thẩm mỹ y tế khai thác.

Tuy nhiên, không phải ai muốn là cũng đẹp được, thậm chí còn phản tác dụng, đặc biệt là với những người luôn mang theo chấp niệm "còn thở còn thẩm mỹ". Chẳng hạn như nạn nhân Trương Mỗ Mỗ, sinh năm 1998. Cô gái trẻ cùng mẹ đi cắt mí mắt khi chưa đủ 18 tuổi, về sau gặp biến chứng khiến 1 mắt bị tật vĩnh viễn.

"Bất kể ca phẫu thuật thành công hay không, tác hại lên cơ thể đều rất lớn. Nếu thành công, nó sẽ gây nghiện; nếu thất bại, hậu quả sẽ rất khó lường." - Người phụ trách phẫu thuật thẩm mỹ tại 1 bệnh viện ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc cho biết.

Ngoài ra, cách các bác sĩ phẫu thuật "tẩy não" khách hàng cũng rất phong phú, dễ lừa nhất chính là sinh viên. Nhiều sinh viên sau khi rời bàn mổ, đẹp đâu chưa thấy, chỉ thấy để lại 1 đống nợ phải trả khi vay tín dụng để thanh toán phí phẫu thuật.

Khúc Yến, giám đốc trung tâm thẩm mỹ da và laser của bệnh viện trực thuộc Trường Cao đẳng Y tế Sơn Đông, Trung Quốc nói rằng, hiện nay trên thị trường còn có cả phương thức "thẩm mỹ chung".

"Sau khi vấn nạn 'cho vay tiền làm đẹp' được các cơ quan chức năng chấn chỉnh, thì lại xuất hiện các chiêu trò mới như giới thiệu nhiều người tới cùng phẫu thuật sẽ được giảm chi phí." - Giám đốc Khúc Yến nói.

Đặt nhầm niềm tin vào các cơ sở thẩm mỹ 3 xu, nhiều người trẻ ngậm ngùi nếm trái đắng khi tự biến mình thành những cỗ máy rút tiền trên bàn mổ - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Nhiều chuyên gia cho rằng hiện nay các bạn trẻ có nhận thức thẩm mỹ chưa đúng đắn, đó là đi ngược lại với việc nâng cao giá trị vẻ đẹp tiềm ẩn, coi trọng "tốt nước sơn hơn tốt gỗ".

"Từ nhỏ tôi đã nghe đủ những lời chê bai về ngoại hình của mình, nếu không phẫu thuật làm mặt thì sau này kiếm việc còn khó chứ chưa nói đến tìm người yêu." - 1 cô gái sinh năm 2002 vừa làm phẫu thuật cắt mí mắt, độn cằm và làm thon cánh mũi chia sẻ.

Diêu Diêu là 1 người hướng ngoại và đam mê làm đẹp. Trên mạng cứ nổi lên trào lưu gì hay ho là cô gái lại nhiệt tình làm theo, cho đến 1 ngày cô quyết định sửa mũi. Cô gái háo hức đi làm sống mũi "thẳng tưng" như ước nguyện. Nhưng nào ngờ sau khi mặt hết sưng, sống mũi của cô lại lộ ra "trơn tuột" và rất mất tự nhiên, trong chốc lát khuôn mặt của cô gái mới chỉ 25 tuổi xuống sắc không phanh.

"Những clip quảng cáo trên mạng chỉ là những đánh giá chủ quan cá nhân, mục đích chính là để thu hút những người tiêu dùng bốc đồng." - Bác sĩ Ôn Dương ở khoa phẫu thuật chỉnh hình của 1 bệnh viện ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc cho ý kiến.

Đặt nhầm niềm tin vào các cơ sở thẩm mỹ 3 xu, nhiều người trẻ ngậm ngùi nếm trái đắng khi tự biến mình thành những cỗ máy rút tiền trên bàn mổ - Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Bản thân phẫu thuật thẩm mỹ nói riêng cũng như các loại phẫu thuật khác nói chung đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ như dị ứng thuốc, chảy máu, nhiễm trùng... Nhưng thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở đã được cấp phép, có đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, cùng nhân viên y tế có chứng chỉ hành nghề và kinh nghiệm phong phú thì nguy cơ sẽ ít đi. Ngoài ra, việc tìm kiếm thông tin về làm đẹp hiện nay vô cùng đơn giản, trong khi đó tình trạng mạo nhận thương hiệu các bệnh viện lớn có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ của nhiều cơ sở làm đẹp tại Trung Quốc đang diễn ra khá phổ biến.

Có thể nói, thẩm mỹ làm đẹp là nhu cầu của không ít chị em phụ nữ hiện đại. Tuy nhiên không phải ai cũng thông thái và may mắn lựa chọn được những địa chỉ thẩm mỹ uy tín, an toàn và phù hợp. Do vậy, để tránh "tiền mất tật mang", mọi người cũng cần cân nhắc và tìm hiểu kĩ trước khi áp dụng bất cứ dịch vụ làm đẹp nào lên cơ thể.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại