Đạt mục tiêu dành 2% GDP cho ngân sách quốc phòng sớm 3 năm, thành viên NATO vẫn bị chỉ trích vì không biết 'tận dụng' cơ hội từ COVID-19

Minh Đức |

Đài truyền hình quốc gia Na Uy đưa tin, theo kế hoạch quốc phòng mới được Bộ trưởng Quốc phòng Frank Bakke-Jensen và Thủ tướng Erna Solberg công bố, tới năm 2028 Na Uy sẽ mở rộng ngân sách quốc phòng lên 16,5 tỷ NOK (tương đương 1,6 tỷ USD).

Trong kế hoạch mới, lực lượng tinh nhuệ của Na Uy sẽ có thêm 2 tiểu đoàn và một số máy bay trực thăng. Lực lượng Tự vệ sẽ được củng cố với 11 quân khu và 37.000 binh lính "được huấn luyện và trang bị vũ khí".

Bộ trưởng Bakke-Jensen cho hay, chính phủ dành ưu tiên cao cho quốc phòng, đồng thời các hoạt động quân sự sẽ mang tính thực chất hơn nhiều so với trước đây. Ông nhấn mạnh, kế hoạch mới sẽ thúc đẩy năng lực phòng không của Na Uy và chiêu mộ thêm khoảng 2.500 binh lính trong vòng 8 năm tới.

Tới đầu năm sau, Na Uy sẽ hoàn thành việc đáp ứng mục tiêu của NATO là dành ít nhất 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng – sớm hơn nhiều so với thời hạn năm 2024. Hiện ngân sách quốc phòng của Na Uy chiếm khoảng 1,8% GDP toàn quốc.

Tuy nhiên, mặc dù giúp thực hiện được một mục tiêu quan trọng, kế hoạch ngân sách mới vẫn phải đối mặt với nhiều chỉ trích từ các bên. Nó được đánh giá là vẫn thấp hơn nhiều so với những gì mà Tổng tham mưu trưởng quân đội Na Uy Haakon Bruun-Hanssen khuyến nghị vào năm ngoái. Theo ông Bruun-Hassen, việc Na Uy tham gia vào lực lượng phản ứng nhanh của NATO hoặc các chiến dịch quốc tế "sẽ phải kèm theo chi phí từ các yêu cầu trong công tác chuẩn bị của đất nước".

Người đứng đầu Văn phòng Liên bang Na Uy Torbjørn Bongo đánh giá, kế hoạch đòi hỏi một "mức độ cắt giảm hiệu quả cao" tới mức "phi thực tế". Ông lo ngại, kế hoạch có thể sẽ đem lại tác động trái ngược, đó là làm yếu đi nền quốc phòng.

"Quân đội không thể thực hiện được nó", ông Bongo nói với đài NRK.

Bên cạnh đó, các đảng đối lập của Na Uy cũng bày tỏ sự không hài lòng. Đảng Xã hội cánh Tả và Đảng Lao động kêu gọi củng cố lực lượng trên bộ, đặc biệt là tại miền bắc Na Uy – khu vực chiến lược do gần với Nga.

"Các nhu cầu quan trọng nhất là nhân lực tại tất cả các bộ phận [của quân đội]", phát ngôn viên Đảng Lao động Anniken Huitfeld nói.

Đảng Tiến bộ - từng rút khỏi chính phủ liên minh do bất đồng xung quanh chính sách nhập cư, lại chỉ trích rằng, các quyết định chủ chốt trong lĩnh vực quốc phòng đang bị trì hoãn. Phát ngôn viên Christian Tybring-Gjedde tuyên bố, Na Uy phải tận dụng những cơ hội mà cuộc khủng hoảng COVID-19 đem tới.

Cuối cùng, hiện vẫn không có kế hoạch thay thế tàu khu trục Helge Ingstad của Na Uy đã bị chìm trong một cuộc đụng độ kịch tính với một tàu chở dầu sau khi NATO tập trận vào cuối năm 2018. Điều này có nghĩa là hải quân Na Uy sẽ phải hoạt động với đội ngũ tàu hiện có trong ít nhất là vài năm nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại