Theo báo cáo được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố vào tháng 10, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến sẽ ở mức 4,7% trong năm nay trước khi phục hồi lên 5,5% vào năm 2024 và 6,0% vào năm 2025.
Trước đó, báo cáo tại phiên khai mạc Kỳ họp 6 - Quốc hội khóa 15, sáng 23/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tăng trưởng GDP quý 3/2024 đạt 5,33%, tính chung 9 tháng đạt 4,24%.
Theo đánh giá của Chính phủ, tăng trưởng kinh tế năm 2023 mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (6,5%), nhưng là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực, thế giới. Báo cáo mới nhất của IMF dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của toàn thế giới là 3%.
Khi đó, Thủ tướng nêu quyết tâm: "Chính phủ nỗ lực phấn đấu, đưa ra nhiều giải pháp để tăng trưởng GDP năm nay đạt trên 5%. Lạm phát khoảng 3,5-4%".
Và năm 2023, quy mô GDP của nước ta ước đạt khoảng 435 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Tổng cục Thống kê hiện chưa công bố tăng trưởng GDP quý cuối của năm 2023. Trước đó, các quý 1, 2 và 3 của năm 2023, Việt Nam tăng trưởng lần lượt 3,32%, 4,14% và 5,33%. Các tăng trưởng luôn dương cao hơn nhiều nước trong khu vực và thế giới.
Phát biểu với báo chí mới đây, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Andrea Coppola đã mô tả Việt Nam vào năm 2023 là "kiên cường", đồng thời cho rằng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, quốc gia Đông Nam Á này vẫn có thể duy trì tốc độ tăng trưởng mà nhiều quốc gia khác trên thế giới kỳ vọng.
Theo ông Coppola, Việt Nam được coi là một trong những nền kinh tế cởi mở nhất thế giới. Mối quan hệ thương mại mạnh mẽ của nước này với phần còn lại của thế giới là nguồn sức mạnh và thành công. Hiệu quả kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 là tích cực khi xét đến bối cảnh toàn cầu đầy thách thức.
Ông cho biết tăng trưởng kinh tế ở Mỹ là khoảng 2,5% vào năm 2023 và nói thêm rằng ở khu vực châu Âu, tăng trưởng kinh tế thậm chí còn yếu hơn ở mức khoảng 0,5%. Bất chấp những thách thức toàn cầu, Việt Nam vẫn có thể tiếp tục tăng trưởng với tốc độ tương đối nhanh.
Ông cho biết, giai đoạn cuối năm 2023 có dấu hiệu phục hồi kinh tế trong nước, đồng thời lưu ý rằng sự phục hồi này được thúc đẩy bởi ba yếu tố chính: nhu cầu bên ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam phục hồi dần dần, đầu tư công tăng lên và tiêu dùng tư nhân vững vàng.
Theo chuyên gia kinh tế, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế vì sự ổn định về kinh tế, chính trị và khả năng hội nhập nền kinh tế toàn cầu.
Ông nhấn mạnh rằng trong bối cảnh như vậy, điều quan trọng là đất nước phải tiếp tục củng cố môi trường kinh doanh và thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư tư nhân để tận dụng tối đa tác động của diễn biến địa chính trị toàn cầu đối với đầu tư và thương mại quốc tế.
Trong báo cáo mới đây của Nhà Trắng, tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ đã đạt được tốc độ đáng kể trong suốt năm 2023. Dự báo mới nhất về mức tăng trưởng năm 2023, kết hợp tất cả dữ liệu có sẵn cho đến nay, là 2,6%, nhờ sức mạnh chi tiêu của người tiêu dùng, sự hồi sinh trong đầu tư cơ cấu sản xuất và hoạt động mua hàng của chính quyền tiểu bang và địa phương tăng lên.
Còn theo báo cáo công bố giữa tháng 12 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) được ADB dẫn lại thì triển vọng 2023 của các tiểu vùng không đồng đều.
Trong đó Đông Á được dự đoán sẽ tăng trưởng nhanh hơn ở mức 4,7% trong năm nay so với dự báo 4,4% của ADB vào tháng 9, trong khi Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 4,3%, chậm hơn so với dự báo trước đó là 4,6%.
Nam Á cũng được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng mạnh hơn ở mức 5,7% trong năm nay so với mức 5,4% trước đó, trong đó nền kinh tế Ấn Độ được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn là 6,7% trong năm nay.
Lạm phát tại khu vực châu Á đang phát triển được dự báo sẽ giảm xuống mức 3,5% trong năm nay, giảm nhẹ so với kỳ vọng trước đó của ADB, trước khi tăng nhẹ lên 3,6% vào năm 2024.
ADB cũng điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc lên 5,2% từ mức 4,9% trước đó, nhưng vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ở mức 4,5% trong năm tới.
Hồi cuối tháng 11, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Pan Gongsheng nói tại một hội nghị rằng GDP của Trung Quốc dự kiến sẽ "đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% cho cả năm", tờ Caixin Global trích dẫn và nhấn mạnh vào đà phục hồi kinh tế của nước này.
Thông cáo báo chí của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về nền kinh tế Trung Quốc cũng nhấn mạnh quốc gia này "đang trên đà đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2023 do chính phủ đặt ra, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid. GDP thực tế được dự đoán sẽ tăng 5,4% vào năm 2023 và giảm xuống còn 4,6% vào năm 2024 trong bối cảnh lĩnh vực bất động sản tiếp tục suy yếu và nhu cầu bên ngoài giảm sút".