Đất hóa lỏng khi động đất ở Indonesia là hiện tượng gì?

Minh Anh |

Giới chuyên gia gọi đây là hiện tượng "đất hóa lỏng", xảy ra trong các trận động đất khi các tầng đất bị tác động bởi lực lớn tới mức chúng bị vỡ ra, hòa cùng với nước và tạo thành lớp đất mềm như bùn lỏng, tương tự như hố tử thần.

Theo Dailymail, một đoạn video được chia sẻ trên mạng xã hội Twitter hôm 30/9 cho thấy, nhiều gia đình ở thành phố Palu hoảng loạn bỏ chạy khi nhìn thấy những ngôi nhà xung quanh họ lần lượt bị đổ sập và sụt lún dưới lớp bùn mềm. Nền đất lúc này mất đi sức chịu lực và độ cứng, thể hiện đặc tính giống như nước.

Theo định nghĩa của trang web Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, đất hóa lỏng là một hiện tượng mà cát và bùn bão hòa và mang các đặc tính của chất lỏng trong quá trình rung lắc dữ dội của một trận động đất.

Đất hóa lỏng khi động đất ở Indonesia là hiện tượng gì? - Ảnh 1.

Nó xảy ra khi một trận động đất làm tăng áp lực nước trong đất bão hòa (đất có quá nhiều nước và không thể chứa thêm nước được nữa) và làm cho các hạt trong đất mất tiếp xúc với nhau, khiến đất - đặc biệt là đất cát - hoạt động như chất lỏng.

Để hiện tượng đất hóa lỏng xảy ra, đất phải tương đối lỏng lẻo (thường là khi trong đất có nhiều cát) và đất phải bị ngập úng (thường là trường hợp ở vùng nhiệt đới, mưa nhiều như Indonesia); và nó phải rung lắc dữ dội (như trong trận động đất 7,5 độ vừa xảy ra ở Indonesia).

Trong đất ngập nước, các không gian vi mô xung quanh các hạt trầm tích chứa đầy nước. Động đất khiến các hạt này bị ép vào với nhau và làm tăng áp lực của nước. Mặt đất trở nên không ổn định và có thể chìm không đều. Nó mất khả năng hỗ trợ các cấu trúc được xây dựng trên mặt đất hoặc bên trong lòng đất, trong đó bao gồm nhà cửa, trụ cầu và móng cầu.

Đất hóa lỏng khi động đất ở Indonesia là hiện tượng gì? - Ảnh 2.

Hiện tượng đất hóa lỏng có khả năng xảy ra nhiều ở những vùng đất khai hoang. Các khu vực có mặt nước cạn và gần biển hoặc sông cũng dễ bị hóa lỏng.

Trước đây, trong trận động đất ở San Francisco năm 1906, phần lớn thiệt hại xảy ra ở vùng đất bị khai hoang chứa đầy trầm tích từ Vịnh San Francisco. Sự hóa lỏng khiến các tòa nhà sụp đổ.

Thành phố Urayasu phía đông của Nhật Bản, nơi phần lớn đất được hình thành bằng cách khai hoang, đã thấy 86% đất bị ảnh hưởng bởi sự hóa lỏng sau trận động đất lớn năm 2011. Phải mất sáu năm để thành phố sửa chữa tất cả các hệ thống thoát nước ngầm, hệ thống dẫn nước và khí gas bị hư hại.

Đất không ổn định và chứa nhiều nước cũng có thể chảy dưới dạng bùn. Ngay cả đất dốc nhẹ cũng có thể sụp đổ và sạt lở. Video được ghi lại sau hậu quả của trận động đất hôm thứ Sáu cho thấy những hình ảnh sạt lở đất như vậy, và trong một số cảnh, toàn bộ cảnh quan dường như đang chuyển động chậm vì đất hóa lỏng.

Trong những trận động đất mạnh, áp lực có thể khiến nước bị ép ra khỏi các trầm tích. Trong trận động đất 9,9 độ richter năm 1964 ở Alaska, cư dân của Valdez - một thị trấn được xây dựng trên trầm tích băng trôi - đã nhìn thấy những lớp nước phun ra cao đến 6m khi đất rung chuyển. Đôi khi cát ngậm nước có thể bị đẩy ra ngoài, tạo nên hiện tượng gọi là cát sôi.

Số người chết vì thảm họa kép động đất, sóng thần ở đảo Sulawesi (Indonesia) liên tục tăng, tính đến ngày 1/10 là 1.203 người, Express dẫn số liệu từ nhà chức trách Indonesia. Đây chỉ là con số tạm thời vì còn rất nhiều người kẹt trong các đống đổ nát, chưa kể còn nhiều địa phương chưa được tiếp cận, thống kê.

Ngoài Palu, hai thành phố Donggala - gần tâm chấn nhất, chỉ 27 km - và Mamuju vẫn chưa được tiếp cận vì đường sá bị phong tỏa, điện và viễn thông bị cắt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại