Đất hiếm: Lơ là với TQ 5 năm trước, Mỹ lộ gót chân Achilles, mất hàng thập kỷ mới đuổi kịp

Minh Khôi |

Ở thời điểm quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục xuống dốc, Washington đang nỗ lực giải quyết một "gót chân Achilles", là sự phụ thuộc vào Bắc Kinh đối với nguồn cung đất hiếm.

Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc đối với đất hiếm

Đất hiếm là một vật liệu quan trọng đối với các sản phẩm công nghệ cao, từ điện thoại di động đến pin cho xe điện, tên lửa Javelin hay máy bay chiến đấu F-35.

Nghị sĩ Đảng Cộng hoà Ted Cruz, người có quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc, đã đề xuất một đạo luật thúc đẩy việc sản xuất các khoáng sản trọng yếu. Đây chỉ là một trong nhiều bước đi của các giới cầm quyền Mỹ trong bối cảnh lo ngại Trung Quốc có thể sử dụng lợi thế này trong các cuộc đàm phán về kinh tế và chính trị.

"Đây là lời cảnh tỉnh đối với Washington để họ thấy rằng không thể kéo dài mãi tình hình hiện nay", Martijn Rasser, chuyên gia tại Trung tâm An ninh Mỹ, nhận định. "Nếu Trung Quốc sẵn sàng giới hạn xuất khẩu đất hiếm, Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn trong những năm tới".

Tuy nhiên, sự kiểm soát của Trung Quốc đối với các loại kim loại chiến lược lớn đến nỗi nhiều chuyên gia ước tính Mỹ sẽ cần nhiều hơn 1 thập kỷ để thiết lập một chuỗi cung ứng ổn định, đó là chưa kể một số bước đi sai lầm từ phía Mỹ trong quá khứ.

Cho dù việc thông qua một dự luật về vấn đề này tại quốc hội sẽ khá khó khăn trong bối cảnh Mỹ đang phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn như đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế, hay sự chia rẽ trong xã hội về vấn nạn phân biệt chủng tộc, vấn đề đất hiếm đã được đưa vào trong dự luật ngân sách quốc phòng hàng năm của cả Thượng viện và Hạ viện, một đạo luật gần như sẽ chắc chắn được thông qua do tầm quan trọng của nó.

"Chúng ta cần đưa ra một thông điệp kinh tế đối với Trung Quốc, và đất hiếm là một điểm chính trong đó", một quan chức Mỹ giấu tên cho biết.

Sự lơ là của Mỹ từ cách đây 5 năm

Đất hiếm - 17 nguyên tố với những tên gọi như gadolinium và praseodymium - không phải đặc biệt hiếm hay có giá trị lớn, nhưng để trở thành sản phẩm hoàn thiện đưa vào sản xuất các sản phẩm công nghệ cao sẽ đòi hỏi quy trình phức tạp và chi phí tốn kém.

Một trong những hoạt động khai thác đá hiếm quy mô lớn nhất tại Mỹ là ở Mountain Pass, California, đây cũng là mỏ lớn nhất thế giới cho đến khi Trung Quốc bắt đầu nổi lên ở lĩnh vực này vào cuối những năm 80. Sau khi mỏ Moutain Pass phá sản vào 2015, Washington đã mở cửa cho các nhà đầu tư Trung Quốc.

Vào năm 2017, một Uỷ ban của Chính phủ Mỹ có trách nhiệm đánh giá an ninh quốc gia đã thông qua thương vụ bán mỏ trị giá 20,5 triệu USD cho MP Materials, một liên doanh bao gồm các nhà đầu tư từ New York và công ty quốc doanh Trung Quốc về đất hiếm Shenghe, nắm gần 10% cổ phần tại MP Materials.

"Điều này đáng lẽ đã không nên xảy ra", Thomas Kruemmer, giám đốc công ty Thương mại và Đầu tư Ginger International có trụ sở ở Singapore, phân tích.

Trên trang web của MP Materials có công bố hợp đồng hợp tác với Lầu Năm Góc được ký vào tháng 4, mặc dù quyết định này đã vấp phải sự phản đối từ nhiều nghị sĩ Mỹ khi công ty có sự liên hệ nhất định với Trung Quốc. Và kể cả không tính đến cổ phần của Trung Quốc trong MP Materials, Mỹ vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc đối với khoảng 78% nguồn cung đất hiếm. Ngoài ra, Trung Quốc cũng là quốc gia dẫn đầu về việc xử lý đất hiếm, trong đó tính cả sản lượng từ Mountain Pass được bán cho Trung Quốc để hoàn thiện.

"Dù người Trung Quốc chỉ chiếm 10% cổ phần tại MP Materials, 100% doanh thhu của họ đến từ Trung Quốc", Daniel McGroarty, cố vấn của USA Rare Earth, công ty quản lý khu mỏ Round Top Mountain ở cực Tây Texas.

Thị trường toàn cầu của đất hiếm dự kiến sẽ còn tăng trưởng mạnh khi nhu cầu tăng cao cho các sản phẩm năng lượng tái tạo như xe điện.

Đối với các chính trị gia hay chuyên gia quân sự, họ nhìn nhận nguy cơ Trung Quốc thắt chặt xuất khẩu đất hiếm có thể sẽ sớm xảy ra. Khoảng gần 10 năm trước, Trung Quốc đã dừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản trong vài tuần sau khi xảy ra tranh chấp về lãnh thổ.

Bắc Kinh sau đó cho rằng việc giới hạn xuất khẩu đất hiếm là nhằm đảm bảo ổn định thị trường và bảo vệ môi trường. Vào năm ngoái, khi cuộc chiến thương mại với Mỹ leo thang, truyền thông Trung Quốc đã liên tiếp đưa ra các tín hiệu như "đừng nói rằng chúng tôi không cảnh báo trước", trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc đe doạ cắt giảm xuất khẩu đất hiếm, đồng thời nói thêm rằng "Mỹ không nên đánh giá thấp khả năng trả đũa của Trugn Quốc".

Cùng thời điểm đó, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến thăm một cơ sở sản xử lý đất hiếm ở tỉnh Giang Tây.

Sau việc Trung Quốc cắt giảm sản lượng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản, một số chuyên gia ở phương Tây đã đưa ra cảnh báo, nhưng rồi tất cả lại dần lắng lại dưới sức hấp dẫn từ các yếu tố kinh tế và nguồn cung mạnh từ Trung Quốc.

Phải mất hàng thập kỷ để "đuổi kịp" Trung Quốc

Trong khi đó, các tập đoàn khai thác mỏ, dù dưới sự ủng hộ về mặt chính trị và cả kinh tế, vẫn vấp phải nhiều khó khăn để có thể hình thành chuỗi cung ứng đất hiếm mới. Althaus cho rằng Mỹ sẽ mất hàng thập kỷ để có thể đạt được quy mô của Trung Quốc như hiện nay.

USA Rare Earth vào tháng trước công bố họ đã đạt được sự chấp thuận của chính phủ về việc xây dựng thí điểm nhà máy xử lý đất hiếm tại Colorado. Trong khi đó, Mountain Pass đang dự kiến sẽ nối lại hoạt động sau nhiều năm gặp khó khăn về tài chính.

Một liên doanh Mỹ - Úc đã đề xuất một nhà máy tương tự ở Texas, cũng như nhắm tới các khu vực tiềm năng khác tại Alaska hay Wyoming.

Tuy nhiên, nguồn trợ cấp từ chính phủ để có thể thiết lập một nguồn cung bền vững đất hiếm là vô cùng lớn, một chuyên gia nói.

Các đạo luật được sự hậu thuẫn từ Lầu Năm Góc, vốn chỉ tiêu thụ một lượng nhỏ đất hiếm tại Mỹ, có thể phân bổ 1,75 tỷ đô cho việc sản xuất các kim loại chiến lược cần thiết để phát triển tên lửa và đạn dược, 350 triệu đô cho vi điện tử, và con số không giới hạn cho vũ khí siêu thanh.

"Sẽ không có nhà đầu tư tư nhân nào có lý trí tham gia vào lĩnh vực này, trừ khi họ được sự cam kết bảo lãnh từ chính phủ. Không có giải pháp thị trường nào cho vấn đề này", Kruemmer nói.

Bên cạnh đó, các chuyên gia còn chỉ ra những thách thức về nguồn vốn lớn, và rủi ro nhiều năm không có lãi.

Quá trình xử lý và hoàn thiện đất hiếm cũng vô cùng phức tạp và độc hại, ngoài ra, sản lượng khai thác đất hiếm ở Mỹ cũng được cho không đạt chất lượng như ở Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại