Mỗi mùa bế giảng về, ngoài những câu chuyện chia tay của lứa học trò cuối cấp, chúng ta lại bắt đầu nghe bàn tán xôn xao về câu chuyện thành tích học tập và danh hiệu. Nhiều người tự hỏi thế nào mới là đủ cho những kỳ vọng của ông bố bà mẹ vào việc học của con?
Người thì mong bế giảng, trên tay con sẽ ôm về tấm bằng khen quý giá, người thì mong con sẽ phải thật xuất sắc với bảng điểm thật đẹp để có dịp khoe với người xung quanh. Những điều này vô tình tạo áp lực không nhỏ cho học sinh, cái tuổi đáng lẽ không phải chịu lắng nghe phán xét.
Câu chuyện về một học sinh lớp 7 gần đây đang thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Theo đó, người bạn này đã hoàn thành chương trình năm học vừa rồi với số điểm trung bình rất cao là 9.6, con số nhiều học sinh mong ước và xếp hạng 3 toàn lớp. Tưởng rằng, vì thành tích này, em sẽ được phụ huynh khen ngợi, động viên, nhưng ngược lại em chỉ nhận được sự dò xét rằng vì sao bảng điểm không phải toàn 10.
Nguyên văn lời chia sẻ của học sinh này như sau:
Khi em vừa lên lớp 6 em không chú trọng về việc điểm số lắm đâu nhưng em khá bất ngờ khi cuối năm em hạng 3, em có điểm cũng khá cao là 9.3.
Khi ba mẹ , ông bà nội hay mọi người xung quanh hỏi em học hạng bao nhiêu , thì em khá tự tin bảo là hạng 3 thì ai cũng bảo "học càng ngày càng dở, hồi cấp 1 hạng 1 thế mà giờ hạng 3, ôm điện thoại tối ngày". Và từ khi lên lớp 7 em quyết tâm để bản thân mình học thật giỏi nhưng kì 1 không như mong muốn.
Học kì 2 do nghỉ dịch, thầy cô cũng bớt phần kiểm tra, nhưng thi chấm điểm khá gắt. Tuy vậy do cẩn thận nên em toàn trên 9, em rất vui vì điều đó. Để đạt được nó, em đã phải thức đến 1h khuya, 4h30 phải thức để ôn lại.
Khi nhận được kết quả là HK2 9.8, và cả năm 9.6, em thật sự rất vui và em cũng hạng 3, em rất hài lòng về điều đó vì bạn hạng 1, hạng 2 học rất giỏi. Em cứ cho là ba mẹ sẽ khen nhưng em đưa bảng điểm thì ba lại soi ra những con điểm 9, điểm 8. Ba nói:"Có gì đâu mà giỏi, chỉ giỏi với những đứa học khá và dở thôi chứ kết quả không được 10 hết thì con cũng không có giỏi giang gì!"
Lúc đó em cầm bảng điểm chạy vào phòng khóc rất nhiều. Tại sao ba mẹ nghĩ lấy được điểm 10 ở cấp 2 lại rất dễ nhỉ? Em đã phải học rất nhiều nhưng dòng họ, gia đình chỉ 1 quan niệm là "Chỉ có 10 mới giỏi". Em hụt hẫng, không còn một chút niềm hy vọng gì cho năm học lớp 8 sắp tới, kiểu như công sức của em bấy lâu nay chẳng có ý nghĩa gì cả..."
Ảnh minh họa
Đúng thật, dù câu chuyện được chia sẻ tưởng chừng rất đỗi bình thường nhưng khiến nhiều người không khỏi sốc trước thái độ của phụ huynh với thành tích của cô bé. Dù thực sự muốn tốt cho con, muốn con không dậm chân tại chỗ với kết quả đã đạt được nhưng lần này có lẽ sự nghiêm khắc đã phản tác dụng.
Với những đứa trẻ đang trong độ tuổi vị thành niên, đối mặt với những áp lực như cô gái không phải là điều dễ dàng. Những cố gắng và nỗ lực như trên cần nhận được nhiều hơn những chia sẻ, động viên từ người thân.
Câu chuyện sau khi đăng tải đã nhận được sự tương tác cực khủng và từ đây mới thấy, chuyện cha mẹ tạo áp lực học hành lên con cái không phải chuyện hiếm. Nhiều bạn đã đồng cảm và chia sẻ với cô bé:
Bạn T.N tâm sự: "Nhà tớ cũng thế này này. Có cố gắng bao nhiêu đi nữa thì mọi người vẫn không công nhận. Nên từ lúc lên cấp 3, tớ không khoe điểm nữa, vẫn cố gắng hết khả năng của mình, ai nói gì thì nói. Mình học cho mình, ai góp ý đúng, tử tế thì nghe, rút kinh nghiệm. Đừng để sự tiêu cực từ người khác làm ảnh hưởng xấu tới tâm trạng và khả năng của mình!"
Bạn Tr.Ng thì động viên: "Học là để trau dồi kiến thức để sau này có thành đạt để sống vui vẻ cho bản thân. Chứ không phải học để giữ sĩ diện cho ba mẹ và làm hài lòng họ mà stress bản thân mình. Người hiếu học như em rất đáng ngưỡng mộ!"
Bạn N.K.T thì nghĩ theo hướng khác: "Có thể do ba mẹ nói vậy thôi chứ sau lưng vẫn rất thương em. Có một số người rất ít khen con họ nhưng rất thương con họ, em còn bé từ từ lớn sẽ hiểu!"