Loài cá tầm khổng lồ sống ở sông Dương Tử có thể phát triển tương đương cá mập.
Hai nghiên cứu gần đây đưa ra kết luận về sự thoái hóa tuyến sinh dục ở cá tầm Trung Quốc, một loài cá săn mồi nước ngọt có thể phát triển to lớn tương đương cá mập, theo SCMP.
Một nghiên cứu do Bộ Thủy lợi Trung Quốc thực hiện. Nghiên cứu còn lại của nhóm các nhà nghiên cứu từ Học viện Khoa học Trung Quốc.
Đối tượng nghiên cứu là loài cá tầm có tên khoa học là Acipenser sinensis, có thể phát triển chiều dài tới 5 mét, xuất hiện từ thời khủng long, theo các mẫu hóa thạch.
Vào đầu thế kỷ 20, cá tầm Trung Quốc có thể dễ dàng tìm thấy trên khắp Đông Á, từ đồng bằng Châu Giang ở miền Nam Trung Quốc đến bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản.
Nhưng trong vài thập kỷ gần đây, bất chấp những nỗ lực giải cứu, cá tầm Trung Quốc đang dần biến mất.
Một nhóm nghiên cứu do giáo sư Huang Zhenli thuộc Viện Nghiên cứu Nguồn nước và Thủy điện của Bộ Thủy lợi Trung Quốc, đặt ra nghi vấn liệu những thay đổi trong tuyến sinh dục của cá tầm có phải là một yếu tố dẫn đến sự suy giảm số lượng hay không.
Các nhà nghiên cứu sử dụng một mô hình mới để ước tính sự trưởng thành của tuyến sinh dục trong các mẫu cá tầm Trung Quốc, được thu thập từ đầu những năm 1980 cho đến nay.
Trong số đó, hơn 70% mẫu cho thấy các mức độ thoái hóa khác nhau. Những con cá này không thể sản xuất trứng hoặc tinh trùng khi đến tuổi trưởng thành vì tuyến sinh dục kém phát triển.
Trong một bài báo đăng trên Tạp chí Khoa học về Sông hồ đầu tháng 12.2020, giáo sư Huang và các đồng nghiệp nói vấn đề bắt đầu từ khi Gezhouba, đập thủy điện đầu tiên được xây dựng trên sông Dương Tử vào những năm 1980.
Ở thời điểm đó, vấn đề này "đã bị bỏ qua hoặc ít được chú ý đến", theo các nhà nghiên cứu. Cứ vào mùa hè, những con cá tầm sống ở cuối nguồn sẽ bơi về sông Dương Tử. Chúng di chuyển quãng đường gần 3.000 km để đến Mi Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, đẻ trứng.
Nhưng đập Gezhouba Nghi Xương đã chặn con đường này, khiến những con cá không còn cách nào khác ngoài giao phối ở vùng nước lạ. Điều này đã ảnh hưởng đến hệ sinh sản.
Nỗ lực cải thiện số lượng cá tầm trên sông Dương Tử đến nay chưa đạt kết quả.
Trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu không tìm thấy trứng, tinh trùng hoặc cá tầm con ở sông Dương Tử, làm dấy lên lo ngại về sự tuyệt chủng của loài cá này.
Một nghiên cứu khác của Học viện Khoa học Trung Quốc, do giáo sư Liu Huanzhang từ Viện Thủy văn của Học viện Khoa học ở Vũ Hán dẫn đầu, cho thấy sự thoái hóa mà nhóm của giáo sư Huang quan sát được thực ra là sự thay đổi các mô sinh sản của cá ở các giai đoạn khác nhau trong vòng đời.
Sau khi đẻ trứng hoặc phóng tinh, cơ quan sinh dục của cá tầm sẽ co lại. Các mẫu thí nghiệm trong nghiên cứu của ông Huang rất có thể là các cá thể đã giao phối, giáo sư Liu nói trên tạp chí khoa học xuất bản tháng 12.2020.
Nghiên cứu của giáo sư Liu và các cộng sự khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy đập Gezhouba có tác động đến cá tầm. Theo nhóm nghiên cứu này, nguyên nhân khiến số lượng cá tầm trên sông Dương Tử giảm mạnh là do đập Tam Hiệp – công trình thủy điện lớn nhất hành tinh.
Đập Tam Hiệp xuất hiện dẫn đến những thay đổi bất thường về nhiệt độ ở vùng hạ lưu Trường Giang. Cá tầm cực kỳ nhạy cảm với nhiệt độ nước trong mùa sinh sản.
Kể từ khi đập Tam Hiệp bắt đầu hoạt động vào cuối những năm 2000, số lượng cá tầm ở vùng hạ lưu đã giảm mạnh, chỉ còn khoảng vài trăm con, nghiên cứu cho biết.
Zhang Boting, một nhà khoa học về đập thủy điện của Trung Quốc, cho rằng, dù nguyên nhân thực sự là như thế nào, điều cấp thiết là phải đề ra biện pháp nhanh chóng, hiệu quả để cứu cá tầm.
Xây dựng lối đi riêng trở về thượng nguồn cho cá tầm là điều bất khả thi vì hàng loạt các đập thủy điện lớn nhỏ.
Một ý tưởng khác là thay đổi cách hoạt động của các con đập để khôi phục nhiệt độ gần với tự nhiên hơn ở vùng hạ lưu, trong mùa giao phối của cá tầm.
Trung Quốc đã khởi động chương trình bảo vệ loài cá tầm song song với tiến độ xây dựng của các đập thủy điện trên sông Dương Tử vào những năm 1990.
Hàng triệu con cá tầm con được nuôi nhân tạo, thả vào sông Dương Tử trong hai thập kỷ qua nhưng không có nhiều tác dụng, vì số lượng loài cá này ở ngoài tự nhiên vẫn ngày một giảm.