Đập bỏ Dinh Thượng thư gây bức xúc cho xã hội

Huy Thịnh |

Nhiều đại biểu HĐND TPHCM cho rằng quyết định đập bỏ Dinh Thượng thư với lý do công trình không nằm trong danh mục di sản văn hóa cần bảo tồn đang gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.

Sáng 11/7, kỳ họp thứ 9 HĐND TPHCM tiếp tục diễn ra phiên thảo luận tại hội trường.

Theo đại biểu Đinh Thị Thanh Thủy, các công trình, di tích, di sản văn hóa cần bảo tồn được liệt kê trong danh mục kiểm kê di tích theo Luật di sản 2013.

Trước khi có Luật di sản 2013, vào năm 2001 Sở Văn hóa thông tin lúc ấy đã rà soát và lập danh mục di tích văn hóa cần bảo tồn, tôn tạo.

Đập bỏ Dinh Thượng thư gây bức xúc cho xã hội - Ảnh 1.

Đại biểu Đinh Thị Thanh Thúy

“Vậy mà chúng ta đã ứng xử với các di sản văn hóa như thế nào để gây bức xúc như trường hợp Dinh thượng thư vừa rồi”, bà Thủy bức xúc chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm đồng tình: Nếu làm dự án phát triển mà đập bỏ một công trình văn hóa với lý do công trình không nằm trong danh mục bảo tồn thì rất khó thuyết phục. Di sản văn hóa là tài sản vô giá.

Nếu nhiều tài sản bị xâm hại thì nghĩa là chúng ta đang nghèo đi về văn hóa.

Đập bỏ Dinh Thượng thư gây bức xúc cho xã hội - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm

“Cần xem xét lại việc lập danh mục các công trình, di sản văn hóa để quản lý. Trước khi quyết định đến số phận một di sản, các cơ quan quản lý nên lắng nghe các nhà khoa học”, bà Trâm tha thiết.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đồng ý: Vụ này lãnh đạo thành phố quan tâm, dư luận rất quan tâm.

“Nhiều gợi ý rất tốt trong quản lý. Sở VHTT cần trả lời đại biểu. TPHCM cần dành ngân sách để bảo tồn các di sản văn hóa.

Cách trả lời như vừa qua, rằng Dinh Thượng thư không nằm trong danh sách nên không bảo tồn đã gây bức xúc cho xã hội”, bà Tâm nhấn mạnh.

Đập bỏ Dinh Thượng thư gây bức xúc cho xã hội - Ảnh 3.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm

Dinh thự gần 160 năm tuổi hiện là trụ sở Sở Thông tin Truyền thông (59-61 Lý Tự Trọng) người dân Sài Gòn xưa và nay gọi là Dinh Thượng thư đang có nguy cơ bị đập bỏ để thực hiện dự án nâng cấp trụ sở HĐND - UBND TP HCM.

Tại cuộc họp báo định kỳ của UBND TPHCM ngày 2/5, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã cho biết đã xem xét rất kỹ việc này khi chọn phương án thiết kế.

Ông Nhã khẳng định công trình này không nằm trong danh mục di tích của ngành Văn hóa - Thể thao.

“Nếu có trong danh sách, dù chưa được cơ quan chức năng kiểm kê đi nữa thì vẫn được đối xử như với di tích. Còn ở đây, công trình này không hề có trong danh sách nên thành phố quyết định không bảo tồn", ông Nhã nói.

Theo ông Nhã, về tình cảm với công trình kiến trúc cũ thì rất nhiều người bày tỏ sự nuối tiếc. Tuy nhiên, luôn có rất nhiều thứ khiến chúng ta phải nuối tiếc nhưng cũng phải tùy vào từng hoàn cảnh, không phải lúc nào cũng đem tâm tình ra nuối tiếc.

"Những công trình cũ hiện thế giới cũng có nhiều cách để gìn giữ như giữ nguyên hiện trạng, giữ lại một số nét đặc biệt, hoặc giữ lại thông qua các mô hình…

Riêng những công trình nào được công nhận là di tích thì mới được giữ nguyên hiện trạng để thế hệ mai sau có cảm nhận về văn hóa, kiến trúc xưa", ông Nhã chia sẻ.

Đập bỏ Dinh Thượng thư gây bức xúc cho xã hội - Ảnh 4.

Dinh Thượng thơ, nay là trụ sở Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM

Còn theo Chánh văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan, việc xây dựng trung tâm hành chính lãnh đạo TPHCM đã trăn trở khá lâu. Nhiệm kỳ trước đã tổ chức thi tuyển và đã chọn được phương án.

Tuy nhiên, Chính phủ yêu cầu tạm dừng thực hiện các trung tâm hành chính nên TPHCM đã dừng lại.

Thời điểm đó, khi TPHCM tổ chức thi tuyển đã lồng vào yêu cầu bảo tồn tòa nhà 59-61 Lý Tự Trọng vì nó là di tích lịch sử nhưng không có ban ngành nào xác nhận, cũng không ai kiểm tra thông tin này.

Vì vậy, đơn vị thiết kế đã đưa ra phương án sẽ dời nguyên tòa nhà vào chính giữa đường Lý Tự Trọng (giới hạn bởi đường Pasteur và Đồng Khởi). Phương án này rất tốn kém.

"Tòa nhà này không nằm trong danh mục bảo tồn. TPHCM xin chia sẻ ý kiến của các chuyên gia và cũng đã nghiên cứu, xem xét rất nhiều.

Tuy nhiên, chúng ta có nhiều cách bảo tồn để gợi lại cho người đời sau hiểu về Sài Gòn kiến trúc xưa", ông Hoan nói và cho biết chính quyền TP luôn chấp nhận những ý kiến trái chiều để điều chỉnh cho phù hợp.

Theo ông Hoan, phương án TPHCM triển lãm vừa qua là dự án nâng cấp, cải tạo trụ sở HĐND - UBND TPHCM hiện hữu chứ không phải là xây dựng trung tâm hành chính của TP.

Nếu tập hợp các sở ngành về hết để xây dựng một trung tâm hành chính như các TP Đà Nẵng hay tỉnh Quảng Ninh thì quy mô TPHCM phải gấp 10 lần. Điều này dẫn đến công tác quản lý, điều hành, an ninh rất phức tạp.

Dinh Thượng thư do người Pháp xây vào những năm 1860, trước đây là Nha giám đốc Nội vụ, có vai trò điều hành trực tiếp về các vấn đề dân sự, tư pháp và tài chính của thuộc địa.

Về mặt chính quyền lúc bấy giờ, tòa nhà có vai trò quan trọng chỉ sau Dinh Norodom (phiên bản trước của Dinh Thống Nhất ngày nay).

Đến năm 1888, chức năng của cơ quan này được nhập vào Văn phòng Thơ Ký Thống đốc Nam kỳ (213 Đồng Khởi). Vào đầu thế kỷ 20, tòa nhà còn có tên là Văn phòng Chính phủ.

Công trình được xây theo kiến trúc thuộc địa Pháp, gồm một dãy nhà chính giữa xoay ra đường Lý Tự Trọng, nối với hai dãy nhà hai bên tạo thành hình chữ U ôm lấy khoảng sân ở giữa.

Bên trong có bốn cầu thang gỗ dẫn lên tầng trên, nằm gần cổng ra vào và hai góc của tòa nhà.

Tính từ lúc được nâng cấp lần cuối (năm 1890) đến nay đã gần 130 năm, song tòa nhà vẫn giữ được hai chiếc cổng sắt được thiết kế tinh xảo và lối vào lát đá xanh. Nếu tính về lịch sử khi mới được xây dựng lần đầu thì công trình này đã gần 160 tuổi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại