Hơn hai chục năm làm nghề, số phim mà diễn viên Đào Vân Anh tham gia có thể tính đến con số vài trăm. Và không biết đạo diễn khéo chọn hay Tổ nghiệp khéo an bài mà những nhân vật chị đóng thường có số phận rất kịch tính, cuộc đời nhiều sóng gió, trắc trở.
Vai diễn mới đây của chị - bà Thu bán hàng rong trong "Ngày đông có nắng" cũng là một dạng vai như thế. Phim mới chiếu được vài tập nhưng đã hé lộ nhiều tình tiết về cuộc đời giông bão của mẹ con bà Thu.
Nhân dịp này, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với chị về chủ đề trên.
Quay cảnh nhảy sông tự tử, tắm mấy thùng nước không hết mùi hôi
Chị có lý giải được vì sao những nhân vật mà chị thường thủ vai lại có số phận trớ trêu không?
Thật ra những nhân vật chính hay thứ chính trong một bộ phim thì không thể có cuộc sống bình yên được. Vì nếu cuộc đời họ bình yên thì đâu có câu chuyện cho khán giả xem.
Hồi xưa khi diễn những vai có số phận sóng gió, tôi không tin lắm. Mình vẫn nhập tâm diễn đấy nhưng cứ nghĩ chắc là chỉ trên phim thôi, chứ ngoài đời, làm gì có ai có số phận khủng khiếp như thế.
Nhưng tới giờ phút này, khi đã có nhiều trải nghiệm, tôi thấy cuộc sống thật còn khủng khiếp hơn những bộ phim đã từng đóng. Vì trên phim, những điều quá kinh khủng, biên kịch và đạo diễn phải lược bớt đi, thêm tình tiết cho đẹp hơn, nhẹ nhàng hơn.
Đào Vân Anh vào vai bà Thu bán hàng rong trong phim Ngày đông có nắng của đạo diễn Nguyễn Quang Minh.
Còn nhân vật Thu trong "Ngày đông có nắng" thật sự là một số phận buồn. Thu bị chính người bạn thân của chồng cưỡng hiếp và có thai. Thu đi tự tử nhưng không chết. Thu được cứu bởi một người đàn ông bụi đời tên Phú (diễn viên Huy Cường đóng - PV). Vì hàm ơn nên Thu sống với người đó như chồng vợ.
Nhưng cuộc sống quá mệt mỏi cùng hàng loạt những diễn biến phức tạp liên quan tới thế hệ con cái sau này... rồi dần dần chân tướng lộ diễn, những khúc mắc, hận thù của thế hệ trước cũng được phơi bày. Ngay cả chuyện Thu được Phú cứu thoát chết cũng không phải là tình cờ, ngẫu nhiên...
Vào vai một người phụ nữ bán hàng rong, số phận trắc trở hẳn là lúc quay, có nhiều cực khổ?
Nhân vật của tôi là người phụ nữ buôn gánh bán bưng nên chắc chắn là không sung sướng gì rồi. Thứ nhất là mình không được ăn ngon mặc đẹp.
Thứ hai là hàng ngày quẩy gánh hàng rong bán. Dù gánh hàng đã được tổ thiết kế xử lý gọn nhẹ nhưng ngày nào cũng gánh như vậy nên về vai cũng bị đau ê ẩm, vì dù nhẹ nhất thì cũng phải đủ đồ. Mà quay cả ngày, từ chỗ này tới chỗ khác, mỗi cảnh lại quay đi quay lại nhiều lần, từ toàn cảnh tới cận.
Vai diễn nhiều xung đột nên phải dùng sức khá nhiều, từ la thét, gào hét, giằng co, xô đẩy nên người cũng hay đau nhức. Chuyện bầm tím hay chảy máu là điều khó tránh dù đã dùng hình thể để diễn nhưng vẫn không tránh được sơ suất, vướng cái này, đụng cái kia.
Có ngày quay 25 phân đoạn mà có khoảng 20 phân đoạn là khóc lóc, gào thét, giằng co nên về là muốn kiệt sức. Cảnh hai cha con đánh nhau, tôi vào can rồi bị ngã đập đầu phải đi cấp cứu trong tập 4 cũng thế. Tôi phải ngã thế nào cho thật mà không phải đập đầu thật nên cũng mệt lắm.
Rồi cảnh nhảy cầu tự tử cũng vậy. Cảnh quay giữa trưa nắng là cực rồi. Để đảm bảo an toàn cho diễn viên, cảnh tôi và anh Huy Cường ngụp lặn dưới nước đã chọn đoạn gần bờ nhưng bùn bị lún lại nhiều rác bẩn và nước vẫn khá sâu. Quay xong, tắm mấy thùng nước vẫn chưa hết mùi hôi.
Quay phim này, Đào Vân Anh thừa nhận bị "bầm dập" khá nhiều vì hầu hết các cảnh từ cảnh nóng tới bạo lực, cô đều tự mình thực hiện.
Lao vào đoàn tàu thật... tự tử, cả đoàn phim nín thở!
Tôi biết nhiều người khi đóng cảnh có chút nguy hiểm, họ sẽ nhờ cascadeur. Ví dụ như cảnh nhảy cầu tự tử, dù chị biết bơi nhưng vẫn quá nhiều rủi ro. Trong khi cascadeur, họ có nghiệp vụ trong việc thực hiện những cảnh quay nguy hiểm như vậy?
Thật ra, cảnh tôi nhảy cầu là cascadeur thực hiện. Tôi chỉ quay cảnh ngụp lặn dưới nước vì yêu cầu cận mặt. Lúc đầu, tôi đã chuẩn bị tâm lý cho cảnh nhảy cầu. Đạo diễn và anh em trong ê-kíp cũng đã chuẩn bị tinh thần, bố trí góc máy xong hết, tôi cũng yêu cầu, ai bơi giỏi nhất đoàn đừng dời mắt khỏi mình, hễ có biến thì nhảy xuống cứu dùm.
Nhưng tới phút cuối, đạo diễn quyết định để cascadeur thực hiện cảnh này và ăn gian góc máy nên xem vẫn như là tôi nhảy thật.
Lý do để cascadeur đóng thế vì các bạn chuyên nghiệp, cả đoàn yên tâm tuyệt đối chứ không như để diễn viên làm trực tiếp. Bởi nếu có rủi ro thì còn hàng loạt cảnh phía sau chưa quay, sẽ ảnh hưởng nguyên đoàn phim, tôi lại là nữ nên tính toán thế nào cũng không an tâm được.
Thật sự thì tôi không ngại đóng những cảnh nếm mật nằm gai, những cảnh nguy hiểm đâu. Hồi mới vào nghề, tôi đóng vai Thảo sida, phải chạy chân trần trên đoạn đường đầy sỏi đá bị phá từ núi, viên nhỏ và nhọn nữa. Đóng xong, chân tôi bị rất nhiều vết cắt, đau tê tái, đi không nổi và máu ra rất nhiều.
Đoàn không thể chờ vết thương của tôi lành mới quay tiếp được. Vậy là xong cảnh đó, tôi lại phải quay tiếp cảnh lội xuống ao đầy bùn lầy với đôi chân như vậy và chỉ được cuốn băng. Về nhà, tôi lật vết thương ra để sát trùng, cắn răng chịu đau vì bao nhiêu đất cát nằm sâu trong đó. Nó thật sự đúng nghĩa là nếm mật nằm gai.
Rồi những cảnh đêm hôm phải bơi qua sông. Cả đoàn căng thẳng vì lỡ tôi có vấn đề gì thì nhào xuống cứu. Tôi vẫn chấp nhận hy sinh đóng cảnh nguy hiểm nhất.
Chỉ riêng có cú nhảy cầu tự tử, để đảm bảo an toàn cho diễn viên, đạo diễn để cascadeur đóng thế Đâò Vân Anh.
Thế mới thấy làm diễn viên không sung sướng như nhiều người vẫn tưởng?
Đúng vậy. Hồi xưa, tôi đóng vai cảnh sát hình sự trong phim "Nhiệm vụ đặc biệt" cũng thế. Những pha đánh đấm trong phim, tôi tự làm hết và có 2 lần tưởng bị liệt luôn.
Cảnh đó tôi đuổi theo tên cướp và tung người lên đá. Tôi với cascadeur đã tập, cú bay người lên đá rất đẹp nhưng khi tiếp đất thì tôi chưa kịp học cách, tới khi đáp xuống là đầu gối nện thẳng xuống nền đường nhựa. Cách mấy mét còn nghe một tiếng cộp rất lớn. Đạo diễn hoảng hốt chạy lại xem có sao không, may là không sao.
Rồi cú phi thân từ xa, tôi đạp vào cổ tên cướp cũng thế. Lúc duyệt lại lần cuối với cascadeur, tôi trụ chân xuống không được, chân muốn xụi xuống. Chỉ cần chân đụng tới mặt đất là đau thấu trời xanh. Lúc đó, tôi còn tưởng là cái chân đó tiêu luôn rồi.
Đoàn phải nghỉ trưa sớm. Anh em trong tổ cascadeur lấy thuốc ra xịt, xoa cho tôi liên tục. May sao sau giờ nghỉ trưa, chân tôi đi cà nhắc được. Cuối cùng, đạo diễn phải đổi cảnh, đánh đấm tại chỗ chứ không chạy và phi thân nữa.
Diễn cảnh bị đụng xe mới căng thẳng. Hồi đóng phim "Thảo sida", tôi tự thực hiện cảnh lao vào đoàn tàu tự tử. Cả đoàn mấy chục con người ngồi nín thở hết cho tới lúc tôi băng ra khỏi đường tàu, bởi đó là tàu thật. May là quay 1 text là xong và cũng không ai làm sao.
Nếu là diễn viên khác, người ta không đóng thì đoàn cũng phải mời cascadeur nhưng tôi nhào vào làm hết. Tôi liều mạng tới mức như vậy.
Rồi cảnh tôi hay tin mình bị sida cũng thế. Tôi phải lao ra đường, chạy như một con điên. Cảnh quay trên đường quốc lộ đi Vũng Tàu. Lái xe còn chửi "mày điên hả mày" vì họ đâu biết tôi đang quay phim. Mình vẫn canh góc máy, canh tâm lý nhân vật rồi phải canh cả xe cộ trên đường nên căng thẳng tột cùng.
Hoặc cảnh đóng vai người tâm thần nữa. Cảnh đó quay lúc 2,3h sáng trên đường Võ Văn Kiệt. Tôi mặc chiếc đầm trắng, múa may quay cuồng. Nhiều lái xe lao qua, bị giật mình, tưởng một bà điên nào ngoài đường thật, họ kêu toáng lên "ối em ơi, em ơi". Lúc đó, họ đâu nhìn thấy máy quay đặt chỗ nào.
Nói thế để thấy là tôi sẵn sàng hy sinh cho vai diễn, bất chấp thân thể và sự nguy hiểm.
Tuy nhiên, khúc sông khá sâu, bùn bị lún lại nhiều rác nên mùi hôi thối làm diễn viên khá cực. Chưa kể, cảnh được thực hiện vào buổi trưa nắng nóng.
Bị bạn diễn giận vì lỡ đánh họ đau thật
Vậy với phim "Ngày đông có nắng" đang phát sóng thì sao, chị có gặp tai nạn nghề nghiệp nào khi quay không?
Chắc chắn là có. Đóng cảnh nóng mà phải giằng co dữ dội cũng gặp tai nạn nữa. Ngay cả bạn diễn nam phải đóng kéo, giằng co cũng mệt đầu. Bởi kéo không thật thì lên phim bị giả mà kéo thật thì mình bị đau. Cho nên đôi bên phải phối hợp nhẹ nhàng, nương nhau.
Người kia kéo thì mình phải theo đà đi, chứ không ghì lại hết sức như ngoài đời thật. Bởi mình mà ghì hết sức thì bạn diễn sẽ kéo không nổi. Hỗ trợ nhau như vậy nhưng cũng không tránh khỏi bị bầm tím người, xây xước chỗ này chỗ kia do nhẫn hay móng tay làm xước mặt nhau, có khi còn rớm máu.
Khi đóng những cảnh bạo lực, có thể gây tổn thương cho nhau thật dù đã cố gắng dùng hình thể như vậy, có khi nào quay xong, diễn viên giận hờn, trách móc nhau thật không?
Như anh em tôi, quay xong những cảnh đó thường hỏi nhau có đau không, có trầy xước đâu không rồi xin lỗi. Thật sự là đóng cảnh đánh nhau, ai cũng bị tâm lý hết, sợ làm bạn diễn tổn thương thật.
Nhưng cũng có những người họ trách, giận mình. Họ cho là mình diễn không nương, không dùng hình thể tốt để họ bị thương. Bản thân tôi từng gặp trường hợp như thế.
Mình không cố tình mà đôi khi vì nhập tâm quá, sơ suất, không điều khiển hết được mọi thứ 100% và làm họ đau thật. Quay xong, họ đi kể khắp nơi, kể tới kể lui rằng "cảnh đó, nó nắm đầu tát tao làm tao nhức 2,3 ngày không hết".
Họ là diễn viên chuyên nghiệp nhưng vẫn nói như vậy, mình nghe vậy rất buồn, bản thân mình đâu muốn điều đó xảy ra. Đóng xong cứ bị áy náy rồi đi xin lỗi, hỏi han, dù đó là nhân vật bắt buộc phải làm vậy.
Còn phim "Ngày đông có nắng", tôi diễn với các anh chị em đồng trang lứa khá là thoải mái. Ngay cả những cảnh bạo lực, cảnh nóng với anh Huỳnh Anh Tuấn hay Huy Cường cũng vậy. Họ đều là những người chuyên nghiệp, máu lửa nên anh em bất chấp, miễn sao cảnh quay tốt và vai diễn tốt nhất là được, không ai nề hà.
Khi tôi diễn cảnh bị tát, các anh ra quan tâm, xin lỗi, tôi cũng bảo, mình diễn mà, có sau đâu anh. Em có đau thật, lỡ chảy máu thật thì cũng bình thường thôi.
Cảm ơn chị đã chia sẻ!