Hoàng Mập có lần chia sẻ với cái khó cái khổ, cái bất tiện của phụ nữ khi làm đạo diễn. Anh nói: "Phụ nữ làm đạo diễn bị áp lực nhiều lắm, tàn phai nhan sắc. Đạo diễn là người đến hiện trường đầu tiên và cũng là người về sau cùng. Đạo diễn phải suy nghĩ về tình tiết, góc máy, bối cảnh. Có những thứ kịch bản khác, ra hiện trường lại khác.
Chưa kể đến chuyện đối nhân xử thế với mấy chục con người trong đoàn phim. Đàn ông làm đạo diễn, tối về có thể lai rai vài chai bia, trút tâm sự với anh em ê-kíp trên bàn nhậu dễ hơn, còn phụ nữ đâu làm thế được.
Lỡ có hiểu lầm với anh em trên phim trường cũng không giải quyết được trên bàn nhậu. Đó là thiệt thòi của phụ nữ làm đạo diễn. Bởi quay xong là họ phải lao về nhà với chồng với con, phải lo gia đình ngày mai ăn gì".
Phóng viên đem quan điểm này hỏi NSƯT Trịnh Kim Chi để nhận chia sẻ thẳng thắn và thân tình từ chính người trong cuộc. Bởi trước khi tốt nghiệp khóa đạo diễn điện ảnh năm 2019 và làm đạo diễn bộ phim "Quỷ linh nhi", NSƯT Trịnh Kim Chi còn là đạo diễn sân khấu của rất nhiều vở diễn.
NSƯT Trịnh Kim Chi.
Phụ nữ làm đạo diễn: phải có điều kiện và tính liều!
Chia sẻ với phóng viên về chủ đề này, NSƯT Trịnh Kim Chi bày tỏ: "Với nam giới đã vất vả, đối với nữ giới còn cực hơn nhiều. Đạo diễn là người quyết định cuối cùng trong khi phụ nữ thường mong manh, yếu đuối nên để thuyết phục được nguyên đoàn phim làm theo ý mình thì họ phải có tiếng nói, có năng lực thật sự".
NSƯT Trịnh Kim Chi cũng cho rằng, hầu hết những người thích an phận thủ thường sẽ không chọn làm đạo diễn vì công việc này quá vất vả. Bởi so với nghề đạo diễn thì làm diễn viên "khỏe" hơn rất nhiều, dù thực tế, nghề diễn viên đã cực vô cùng.
Chị nói thêm: "Khi một người phụ nữ quyết định xả thân với nghề đạo diễn thì họ phải có điều kiện, có năng lực, có sự dẻo dai về sức khỏe và chịu khó lăn xả, thậm chí là có tính liều nữa mới làm đạo diễn được.
Và trên tất cả những yêu cầu đó thì họ vẫn là phụ nữ, vẫn có gia đình, chồng con và họ vẫn phải lo toan những việc trong gia đình để hoàn tất nghĩa vụ của mình.
Là nữ đạo diễn, họ phải hy sinh rất nhiều thứ. Có những trường hợp, tôi thấy họ hy sinh và cả gia đình, chồng con họ cũng phải hy sinh cho họ nữa. Cho nên phụ nữ làm đạo diễn, thiệt thòi nhiều và áp lực cũng nhiều lắm".
NSƯT Trịnh Kim Chi trên phim trường, đạo diễn "Quỷ Linh Nhi"
Khó nhất là thuyết phục được nam giới nghe lời mà không để họ tự ái
Bởi vậy, NSƯT Trịnh Kim Chi khẳng định, người phụ nữ chỉ có thể hoàn thành được công việc của mình khi họ nhận được sự thông cảm của rất nhiều người, từ gia đình, chồng con tới đồng nghiệp.
Chị chia sẻ: "Trong đoàn phim, chủ yếu là nam giới. Nam thì thường ít khi chịu nghe phụ nữ, họ có tâm lý sợ lép vế trước phụ nữ nên khi ra trường quay, phải nghe lời một phụ nữ là họ thường có chút tự ái. Cho nên đạo diễn nữ phải biết thuyết phục họ".
Trịnh Kim Chi cho rằng, nữ đạo diễn đòi hỏi phải có sự khéo léo, uyển chuyển để thuyết phục mọi người làm theo ý mình, để mọi người không bị tự ái với quyết định của mình. Nhưng bên cạnh đó, nữ đạo diễn cũng phải cứng rắn để bảo vệ quan điểm, tác phẩm của mình.
Chia sẻ cụ thể về một lần gặp khó khăn khi ra phim trường, nghệ sĩ Trịnh Kim Chi kể: "Tôi không có thói quen la lối, không tạo sự căng thẳng khi ra phim trường.
Dù trong lòng tôi có những lúc rất căng thẳng về kịch bản, bối cảnh quay vì trễ tiến độ là mất rất nhiều tiền, chưa kể chuyện sắp xếp lịch quay cho diễn viên. Nhưng tính tôi xưa giờ thích nhẹ nhàng, xoa dịu mọi thứ, vì làm nghệ thuật mà bị căng thẳng là làm không nổi. Tôi hiểu nên tránh tạo cảm giác đó cho mọi người trong đoàn.
Khi làm phim "Quỷ linh nhi", tôi may mắn hợp tác với các bạn trẻ, từ quay phim đến DOP, ai cũng hăng say nghề. Nhưng vì còn trẻ nên các bạn cũng ham chơi, mình cứ phải nhắc hoài. Tình trạng đến trễ là thường xuyên, tôi không nhắc quá nhiều vì làm căng quá, các bạn không tập trung được.
Mặc dù nhiều lúc cực kỳ căng thẳng về kịch bản, bối cảnh quay... nhưng chưa bao giờ chị lớn tiếng, la lối ai mà luôn nhẹ nhàng thuyết phục, và đôi lúc cũng cứng rắn bảo vệ quan điểm của mình để đưa ra quyết định sau cùng hợp lý nhất.
Nhưng đoàn phim phải có kỷ luật. Tôi không quát tháo mà nhắc nhẹ nhàng. Tôi nói, ai cũng muốn có công việc để làm nhưng làm thì phải nghiêm túc, làm cho ra làm, chơi ra chơi. Nếu các bạn muốn chơi thì hôm nay tôi để các bạn chơi nguyên ngày, chúng ta đóng máy, đi về, hôm sau làm tiếp. Từ lúc đó, mọi người mới nghiêm túc lại và đúng giờ giấc, nhiệt tình".
Trịnh Kim Chi cũng cho biết, đạo diễn phải biết hết mọi thứ, có thể không giỏi như người chuyên nghiệp nhưng phai hiểu để có thể thuyết phục anh em ê-kíp về chuyên môn. Điều đó cũng có nghĩa là đạo diễn là phải lăn xả vào tất cả mọi công việc trong đoàn.
Không lạm dụng sự thông cảm của chồng
NSƯT Trịnh Kim Chi chia sẻ, khi quyết định đi học đạo diễn điện ảnh, chị đã phải hỏi ý kiến của chồng con xem có nên hay không. Bởi chị biết, mình còn gia đình, mình là phụ nữ nên không thể bỏ hết để lăn xả với nghề được.
Chị chỉ có thể làm chừng mực, chọn những chương trình, những bộ phim mà mình có thể vun vén được cả trong chuyên môn cũng như gia đình để làm. Vì với chị, có yêu nghề đến bao nhiêu thì gia đình vẫn là trên hết.
Đó cũng chính là lý do, tới thời điểm này, Trịnh Kim Chi chưa làm nhiều phim mà chủ yếu đạo diễn sân khấu.
Chị nói "Sân khấu thì nhẹ nhàng hơn, sáng đi, trưa, tối có thể về ăn cơm với chồng con được. Còn làm phim thì hoàn toàn khác. Chồng tôi xưa giờ vẫn rất ủng hộ vợ làm nghệ thuật nhưng tôi cũng phải biết trong chừng mực cho phép. Nếu tôi lăn xả vào làm thì chắc chồng cũng cằn nhằn thôi".
Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi luôn nhận được sự ủng hộ cũng như hậu thuẫn rất lớn từ chồng trong con đường làm nghệ thuật.
Chia sẻ thêm về sự hy sinh của chồng và gia đình khi chị làm đạo diễn, Trịnh Kim Chi bày tỏ: "Từ khi tôi làm đạo diễn, thời gian vắng nhà nhiều nên ông xã phải thay thế tôi nhiều việc, ví dụ như lo cho con, sắp xếp mọi việc trong gia đình, đưa đón con đi học.
Cho nên tôi cũng không thể lạm dụng sự thông cảm hoài của chồng được. Đó là lý do tại sao tôi ít làm đạo diễn phim, phải lựa thời điểm, thời gian hợp lý để đừng quá làm phiền tới mọi người trong gia đình".
Trịnh Kim Chi cho hay, cái được lớn nhất khi chị làm đạo diễn là được thỏa đam mê, được sáng tạo hết mình trong nghệ thuật, không giống như khi làm diễn viên. Và trên hết, chị tạo và trao được nhiều cơ hội làm nghề cho học trò, đàn em của mình, để họ vừa phát triển được nghề nghiệp vừa có "chén cơm" mưu sinh.