Tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn lời một số nhà phân tích nhận định, một mặt đưa ra những tuyên bố cứng rắn đáp trả các đe doạ thương mại từ Tổng thống Donald Trump; mặt khác những lựa chọn trả đũa thực sự của Trung Quốc lại khá hạn chế.
Chính quyền Trung Quốc không muốn bộc lộ bất kỳ nhược điểm nào trước những áp lực từ phía Mỹ, đối thủ địa chính trị lớn nhất của họ. Hầu hết những gì mà giới lãnh đạo và truyền thông của nước này phát biểu cho tới thời điểm hiện tại, đều khắc hoạ hình ảnh một Trung Quốc “anh dũng” chiến đấu với cuộc chiến thương mại tới “phút cuối cùng”.
Tuy nhiên, cùng lúc, các nhà quan sát cho rằng, cách tiếp cận “ăn miếng trả miếng” với Mỹ, có thể khiến những leo thang căng thẳng trở thành một “cuộc chiến tranh lạnh” về kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, và nhiều khả năng, nó sẽ lan tới các lĩnh vực khác bên ngoài thương mại - từ đó gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng và ổn định xã hội của Trung Quốc.
“Sự liều lĩnh của chính quyền Trump là một thách thức mới cho Trung Quốc… Ông ấy đang tháo gỡ một hệ thống toàn cầu hoá đã vận hành trong ba thập kỷ,” Sun Lijian, một giáo sư tài chính tại Đại học Phục Đán (Thượng Hải) đánh giá.
Theo ông, cách tốt nhất để Bắc Kinh đối phó với “chủ nghĩa anh hùng cá nhân’ của Tổng thống Trump là, tỏ ra lạnh lùng và tránh mọi tiếp xúc vội vã.
Mối lo ngại của chính phủ Trung Quốc trước một cuộc chiến thương mại với Mỹ, không phải là về những thiệt hại trực tiếp của xuất khẩu hay việc làm; mà chính là vai trò của Trung Quốc như một phần chủ chốt của nền kinh tế toàn cầu.
Trong khi những hy vọng về một thoả thuận cuối cùng giữa hai bên trước khi vòng áp thuế đầu tiên bắt đầu – đang dần biến mất, Chủ tịch Tập Cận Bình đã gửi đi một thông điệp rằng, Trung Quốc vẫn mở rộng cửa, chào đón các hoạt động kinh doanh quốc tế.
Trong một hội nghị thượng đỉnh bàn tròn của Hội đồng CEO toàn cầu – một câu lạc bộ các giám đốc điều hành nước ngoài, tại Bắc Kinh hôm 21/6, ông Tập kêu gọi giới lãnh đạo doanh nghiệp đấu tranh chống lại “chủ nghĩa toàn cầu, chủ nghĩa cô lập và chủ nghĩa dân tuý”. Ông cũng hứa sẽ mở cửa thị trường Trung Quốc hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài.
“Cộng đồng quốc tế là một ngôi làng toàn cầu, và không nên tham gia vào các trò chơi có tổng bằng không”, ông Tập phát biểu. Phó Thủ tướng Lưu Hạc, người gần đây mới có các cuộc đàm phán với Washington, cũng có mặt tại hội nghị thượng đỉnh.
Những nỗ lực làm giảm căng thẳng vẫn được tiến hành bởi cả hai bên. Các nguồn tin tiết lộ với tờ SCMP là một trong những nhà đàm phán chủ chốt của Bắc Kinh, Wang Shouwen đã nói chuyện với các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc nhằm tìm kiếm một sự nhượng bộ phút cuối.
Trong khi đó, theo Bloomberg, nhân viên Hội đồng Kinh tế Quốc gia tại Washington mới đây đã liên lạc với một số cựu quan chức Mỹ và chuyên gia Trung Quốc, về việc tổ chức các cuộc đám phán cấp cao trong vòng hai tuần, tới với sự tham gia của Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn.
Mỹ kiên quyết cho rằng, “sự hiếu chiến kinh tế” của Trung Quốc cần phải thay đổi, bởi các chính sách và quy định không theo luật pháp toàn cầu của nước này, “không chỉ đe doạ kinh tế Mỹ mà còn toàn bộ nền kinh tế toàn cầu”.
Còn các Bộ trưởng Ngoại giao, Thương mại và truyền thống Trung Quốc trong những ngày gần đây, liên tục cáo buộc Mỹ đã phá huỷ trật tự thương mại thế giới.
Ngày 19/6, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung 10% đối với 200 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc, nếu Bắc Kinh tiến hành các biện pháp trả đũa cho quyết định áp thuế 25% tới các sản phẩm Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD mà Mỹ đưa ra trước đó.
Tuy nhiên, không có nhiều chi tiết cụ thể liên quan tới các đòn đáp trả của Bắc Kinh, ngoài việc Bộ trưởng Thương mại nước này thề sẽ thực hiện các biện pháp về cả “số lượng và chất lượng” để đối phó với các đe doạ từ Washington.
Điều này đã làm dấy lên những đồn đoán về những gì Trung Quốc sẽ làm để “đánh” các doanh nghiệp Mỹ, từ việc nhắm vào các công ty bị điều tra cho tới khuyến khích tẩy chay hàng hoá Mỹ… - giống như cách họ đã làm với Philippines và Hàn Quốc trong quá khứ.
Tuy nhiên, mặc dù đã có những phát biểu rất “đao to búa lớn” từ tuần trước, có vẻ như Bắc Kinh đang kiềm chế chưa bắt đầu hành động.
Ding Yifan, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chiến lược Quốc gia, Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh) nhận định, Tổng thống Trump đã đẩy Trung Quốc vào góc tường, và Bắc Kinh sẽ phải đứng lên tự bảo vệ mình.
“Nếu đó là một cuộc chiến tranh thương mại, Trung Quốc không nên mắc phải lỗi lầm của Neville Chamberlain”, ông Ding nói và đề cập tới chính sách thất bại của cựu Thủ tướng Anh khi chấp nhận đề nghị của Adolf Hitler vào năm 1938, với hy vọng tránh được một cuộc chiến tranh.
Chuyên gia này cũng cho rằng, Trung Quốc không cần phải vội vã để cuộc chiến thương mại leo thang, bởi thời gian đang ở bên họ.
Trong khi đó, Tu Xinquan, một chuyên gia thương mại tại Đại học Kinh doanh Quốc tế và Kinh tế (Bắc Kinh) đánh giá, các biện pháp hướng vào doanh nghiệp Mỹ của Bắc Kinh có thể bị giới hạn.
“Trung Quốc có thể không đuổi các doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc, nhưng họ có thể loại trừ các doanh nghiệp này trong lời hứa mở cửa thị trường hơn nữa”, ông Tu nói.
Còn theo ông Li Chaomin đến từ Đại hoc Tài chính và Kinh tế Thượng Hải, phán ứng của Bắc Kinh gần giống như “nhằm vào” hơn là một cuộc tấn công toàn diện vào các doanh nghiệp Mỹ. “Trung Quốc sẽ cố gắng đáp trả với mức chi phí thấp nhất”, ông cho biết.