"Siêu vũ khí" của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ

Ngọc Nguyễn - Thi Anh |

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu người tiêu dùng Trung Quốc bắt đầu tẩy chay các sản phẩm của Mỹ? Ngừng uống Starbucks? Ngừng dùng iPhones?

Với số dân lên tới 1,4 tỷ, Trung Quốc sở hữu 1 loại vũ khí không một quốc gia nào trên thế giới có thể so sánh được và đặc biệt hiệu quả trong các cuộc chiến thương mại.

Năm ngoái, do thất vọng trước quyết định của chính quyền Seoul về việc triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ của Mỹ trong lãnh thổ, Trung Quốc đã gia tăng sức ép bằng một chiêu thức: Tẩy chay các loại hàng hóa và dịch vụ đến từ xứ kim chi.

Siêu vũ khí của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ - Ảnh 1.

Một loạt các chiến dịch tẩy chay do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn đã khiến doanh số bán hàng của hãng Hyundai tại Trung Quốc giảm hơn 1/2, lượng khách du lịch Trung Quốc tới Hàn Quốc giảm tới hơn 60%. 55 siêu thị do hãng Lotte quản lý ở Trung Quốc cũng phải tạm ngừng hoạt động.

Chiêu thức nào cho Trung Quốc?

Nhiều công ty lớn của Mỹ đang đặt vận mệnh của mình vào thị trường Trung Quốc, nơi tầng lớp trung lưu đang phình lớn và thu nhập thì tăng cao. Đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi trong 6 năm từ năm 2009 - năm 2015. Tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ của Mỹ tại thị trường Trung Quốc là 550 tỷ USD.

"Mọi việc có thể trở nên khá tồi tệ", bà Deborah Elms, nhà sáng lập tổ chức Trung tâm Thương mại Châu Á, một công ty tư vấn thương mại có trụ sở tại Singapore nhận định.

"Thậm chí kịch bản đen tối cho các công ty còn không liên quan tới chính phủ. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu người tiêu dùng Trung Quốc bắt đầu tẩy chay các sản phẩm của Mỹ? Ngừng uống Starbucks? Ngừng dùng iPhones?"

"Chính phủ Trung Quốc có thể dễ dàng yêu cầu thắt chặt kiểm duyệt hải quan, kéo dài thời gian xử lý giấy tờ và áp hàng loạt quy định mà trước nay chưa từng sử dụng".

Trước đe dọa tăng thuế của Tổng thống Trump, Trung Quốc đã đáp trả bằng đe dọa áp thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu như đậu tương, máy bay và nhiều sản phẩm khác của Mỹ. Tuy nhiên, với số lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ ít hơn so với lượng hàng Trung Quốc mà Mỹ nhập về, Bắc Kinh có thể "trả đũa" bằng nhiều cách khác.

Siêu vũ khí của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ - Ảnh 2.

Chính phủ Trung Quốc có thể đề nghị người dân tẩy chay hàng hóa Mỹ. Ảnh minh họa: Cửa hàng McDonald's ở Trung Quốc - Reuters

Chính phủ Trung Quốc có thể đề nghị người dân "ngừng tới ăn uống tại hệ thống đồ ăn nhanh KFC hoặc mua sắm bất cứ loại sản phẩm nào nhập khẩu từ nước Mỹ", ông Bill Reinsch, cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho hay.

Siêu vũ khí của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ - Ảnh 3.

Điều đó có thể gây khó khăn trong kế hoạch tăng gấp đôi con số 3.300 cửa hàng hiện tại của hãng Starbuck tại Trung Quốc, đe dọa mức tăng trưởng gần 8% mà hãng ô tô General Motors vừa đạt được trong quý 1/2018 và khiến cho kế hoạch kinh doanh của nhiều doanh nghiệp Mỹ ảnh hưởng nghiêm trọng.

Giới chức Trung Quốc cũng có thể gây trở ngại cho các công ty này thông qua các đạo luật chống độc quyền và phản gián nhằm tăng cường khả năng kiểm soát hoạt động của các công ty. Họ có thể vô hiệu hóa bằng sáng chế, ban hành nhiều loại giấy phép bắt buộc để điều chế thuốc gốc.

Theo ông Reinsch, Trung Quốc có thể gây gián đoạn cho hoạt động cung ứng của các công ty Mỹ khiến cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa từ Trung Quốc bị chậm trễ. Trong trường hợp của iPhone, họ có thể kiểm tra cơ sở sản xuất của Foxconn và tìm ra những sai phạm để buộc Apple ngừng sản xuất trong 3 tháng.

Đều là kẻ thua cuộc

Nhà Trắng cho biết chính quyền Mỹ đã sẵn sàng đón đợi các đòn trả đũa từ Trung Quốc ngoài động thái tăng cường thuế quan, nhưng khẳng định rằng Trung Quốc có nhiều thứ để mất hơn Mỹ trong một cuộc chiến thương mại.

Hội đồng kinh doanh Mỹ - Trung Quốc, đại diện cho các công ty Mỹ kinh doanh tại Trung Quốc, cho biết thị trường thực tế lớn hơn nhiều so với con số 130 tỷ USD giá trị hàng hóa Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc mà chính quyền tổng thống Trump đang tập trung vào.

Riêng trong năm ngoái, tổng giá trị dịch vụ xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc trị giá khoảng 60 tỷ đô la Mỹ và giá trị lượng hàng hóa xuất khẩu sang Hong Kong trị giá tới 40 tỷ USD, phần lớn số hàng hóa này cuối cùng sẽ được tiêu thụ tại thị trường nội địa Trung Quốc.

Khi kết hợp các con số này với nhau, Trung Quốc sẽ là 1 thị trường trị giá khoảng 550 tỷ USD đối với các công ty Mỹ. Đây là nhận định của bà Erin Ennis, phó chủ tịch cấp cao tại Hội đồng kinh doanh Mỹ-Trung Quốc.

Trung Quốc cũng có thể mở cửa thị trường một cách chọn lọc trong nhiều khu vực nhất định cho các công ty thuộc Liên minh châu Âu hoặc Nhật Bản, nhưng loại trừ Mỹ.

Tuy nhiên, bà Ennis không đồng tình với giả thiết Trung Quốc sẽ "giành chiến thắng" một cuộc chiến thương mại chống lại Mỹ, bởi vì "Tôi nghĩ cả hai nước đều là kẻ thua cuộc trong trường hợp xảy ra chiến tranh thương mại".

Tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu tất nhiên sẽ bị giảm sút vài phần trăm từ cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc sẽ không muốn sử dụng các biện pháp cực đoan đẩy tình thế đi qua xa, tới mức không thể kiểm soát được và phá vỡ các quy tắc thương mại của quốc tế.

Tính đến thời điểm hiện tại, chính quyền Bắc Kinh vẫn đưa ra các tuyên bố thận trọng bằng cách "kết hợp hiệu quả các biện pháp trả đũa cả về số lượng và chất lượng" để đáp trả quyết định áp thuế mới nhất của ông Trump.

"Tôi nghĩ rằng Trung Quốc vẫn muốn được thế giới nhìn nhận là bên tuân thủ nguyên tắc", ông Edward Alden, chuyên viên nghiên cứu cao cấp tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại