Đảo quốc rúng động vì chuyến bay hồi hương "toàn người Trung Quốc": Một tỉnh phẫn nộ đòi ly khai

Hải Võ |

Chỉ có 21 công dân Solomon Islands trong số 104 hành khách trên chuyến bay hồi hương từ Quảng Châu hôm 2/9, còn lại là người Trung Quốc - theo Radio New Zealand.

Chuyến bay hồi hương toàn người Trung Quốc gây xôn xao

Đây là chuyến bay hiếm hoi đưa các công dân Solomon Islands bị mắc kẹt ở Trung Quốc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trở về nước. Đảo quốc ở Thái Bình Dương này đến nay chưa ghi nhận bất kỳ ca mắc nào.

Tuy nhiên, việc có đến hơn 80 trong 104 hành khách mang quốc tịch Trung Quốc trên chuyến bay thuê bao của Solomon Airlines - cất cánh từ Quảng Châu hôm 2/9 - khiến dư luận Solomon dậy sóng.

Vài ngày trước khi chuyến bay hạ cánh tại thủ đô Honiara, các chính khách bản địa cùng các tổ chức phi chính phủ đã thúc giục Thủ tướng Manasseh Sogavare hủy bỏ chuyến bay trên.

Dù Trung Quốc chỉ báo cáo số ca mắc hàng ngày rất ít trong những tháng gần đây, và nước này kiểm soát tốt dịch bệnh, song rủi ro đối với Solomon Islands được cho là rất lớn. Đảo quốc Thái Bình Dương đã phong tỏa hoàn toàn trong nhiều tháng, nhiều người lo sợ chuyến bay có thể mang ca bệnh đầu tiên vào quốc gia 700 nghìn dân này và tàn phá hệ thống y tế yếu kém của họ.

Tỉnh trưởng tỉnh Malaita đông dân nhất của Solomon Islands, ông Daniel Suidani, tin rằng ban lãnh đạo đất nước đang đặt mối quan hệ mới với Bắc Kinh lên trên người dân. Solomon đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với đảo Đài Loan vào năm ngoái để thiết lập quan hệ chính thức với Trung Quốc Đại lục.

Hai ngày trước khi chuyến bay tới Honiara hạ cánh, ông Suidani đã tuyên bố tổ chức trưng cầu dân ý để đưa Malaita độc lập khỏi Solomon Islands.

"Chúng tôi tin là chính quyền [Solomon Islands] đang trở nên có nghĩa vụ và mang nợ với Trung Quốc, khi họ không còn cung cấp được những dịch vụ thiết yếu để bảo vệ sức khỏe của công dân," CNN (Mỹ) ngày 18/9 dẫn lời ông Suidani nêu trong email.

"Đã đến lúc người dân Malaita xem xét liệu họ có sẵn sàng là một phần của đất nước" hay không - ông cho biết thêm.

Theo CNN, trong khi chính quyền của Thủ tướng Sogavare hoan nghênh Trung Quốc cùng những nguồn lợi kinh tế mà nước này mang tới, một số ý kiến lo ngại Bắc Kinh có thế lực quá lớn để có thể làm đối tác bình đẳng với Solomon Islands.

Giới chức nước này từng cân nhắc cho các nhà phát triển có liên hệ với chính phủ Trung Quốc thuê toàn bộ một hòn đảo, song thỏa thuận bị Tổng Công tố Solomon yêu cầu hủy bỏ. Solomon cũng xem xét khả năng thực hiện chính sách "bán quyền công dân" để đổi lấy đầu tư.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản hồi CNN rằng việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Solomon là "công bằng và cởi mở".

"Bất kỳ tin đồn và sự vu khống nào cũng không thể tác động đến sự phát triển quan hệ hữu nghị" giữa hai nước - Bắc Kinh khẳng định.

Đảo quốc rúng động vì chuyến bay hồi hương toàn người Trung Quốc: Một tỉnh phẫn nộ đòi ly khai - Ảnh 2.

Thủ tướng Manasseh Sogavare của Solomon Islands gặp lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tại Đài Bắc, tháng 7/2016 (Ảnh: Wikimedia)

Dấu ấn hiện diện của Trung Quốc

Tại thủ đô Honiara của Solomon Islands có các dấu tích cũ của trận chiến Guadalcanal nổi tiếng trong Thế chiến II. Hiện nay, một số khu đất này được dành cho dự án xây dựng sân vận động mới do Trung Quốc cấp vốn. Dự án này cũng trở thành "biểu tượng" của một cuộc đối đầu.

Sau khi Solomon giành quyền đăng cai Pacific Games 2023, nước này cần phát triển hạ tầng để phục vụ sự kiện. Vào tháng 7/2019, đồng minh hơn ba thập kỷ của họ là Đài Loan đồng ý hỗ trợ bằng một khoản vay. Nhưng chỉ 2 tháng sau đó, Solomon cắt đứt quan hệ với Đài Loan, khiến tương lai dự án sân vận động rơi vào bất ổn.

Từ năm 1983, Đài Loan đã rót hàng triệu USD vào đảo quốc Thái Bình Dương, gồm nhiều dự án phát triển - theo nghiên cứu của giáo sư Clive Moore từ Đại học Queensland, Australia. Đài Loan cũng đầu tư đáng kể vào các chính trị gia của Solomon.

Dù vậy, sức hấp dẫn về lợi ích kinh tế từ Trung Quốc là quá lớn. Jian Zhang, chuyên gia về an ninh châu Á tại Học viện Lực lượng quốc phòng Australia, nói với CNN rằng những cân nhắc về kinh tế là nhân tố cơ bản trong quyết định của Solomon Islands.

Thủ tướng Sogavare tuyên bố sau khi thiết lập quan hệ với Bắc Kinh: "Đất nước Solomon Islands chúng ta sắp gặt hái được những lợi ích lớn chưa từng có trước đây trong lịch sử quốc gia non trẻ của mình, trong mối quan hệ mới với nước CHND Trung Hoa."

Trong nhiều năm, Trung Quốc Đại lục là đối tác thương mại lớn nhất của đảo quốc với kim ngạch nhập khẩu gỗ thô hàng triệu USD mỗi năm, theo thống kê của Observatory of Economic Complexity (OEC). Một số công ty xây dựng Trung Quốc khởi động các dự án tại Solomon vào năm 2018, bao gồm một cây cầu bê tông dài 96m.

67% trong kim ngạch xuất khẩu 869 triệu USD của Solomon là hàng hóa đến Trung Quốc, trong khi đảo Đài Loan chỉ chiếm 3%, khiến quyết định của một trong những nước nghèo nhất Thái Bình Dương trở nên không quá khó hiểu - theo CNN.

"Thành thật mà nói khi đề cập đến vấn đề kinh tế và chính trị thì Đài Loan hoàn toàn không có tác dụng gì với chúng tôi," ông Sogavare nói trong phỏng vấn với đài ABC (Australia) trước thời điểm công bố cắt đứt quan hệ với Đài Loan.

Đảo quốc rúng động vì chuyến bay hồi hương toàn người Trung Quốc: Một tỉnh phẫn nộ đòi ly khai - Ảnh 3.

Ông Sogavare gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại nhà khách Điếu Ngư Đài, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 9/10/2019 (Ảnh: Xinhua)

Một tháng sau khi thiết lập quan hệ, Trung Quốc cam kết sẽ cấp vốn khoảng 54 triệu USD cho Solomon Islands để tiếp tục dự án sân vận động Pacific Games. Đây không phải là khoản vay mà là một "món quà".

Báo cáo từ truyền thông địa phương cho thấy dự án không có nhiều tiến triển do Solomon đóng cửa biên giới từ tháng 3/2020 để phòng chống đại dịch Covid-19. Theo một thông cáo của chính phủ, kể từ thời điểm trên chỉ có khoảng 800 công dân cùng số ít công nhân nước ngoài thiết yếu được phép nhập cảnh.

Khi chính phủ Solomon phê chuẩn chuyến bay Quảng Châu-Honiara kể trên, nhóm công nhân Trung Quốc đã có mặt trên máy bay. Tân đại sứ Trung Quốc tại Solomon Li Ming cũng đáp chuyến bay này để tới nhậm chức.

Dù nhà chức trách Solomon khẳng định toàn bộ hành khách có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-Cov-2 trước khi lên máy bay, quyết định cho phép lượng lớn người Trung Quốc nhập cảnh giữa thời điểm phong tỏa biên giới vẫn gây nhiều bất mãn.

Phó giáo sư Joseph Foukona của Đại học Hawaii, Mỹ, dự báo hôm 3/9, "sự xâm nhập của đại dịch [vào Solomon Islands] sẽ là thảm họa".

Lo lắng ở Malaita

Tuyên bố tổ chức trưng cầu dân ý nhằm ly khai Malaita được Tỉnh trưởng Suidani thông báo ngày 1/9. Sự kiện sẽ được diễn ra ngay trong tháng này. Ông cáo buộc chính phủ gây sức ép "đáng sợ" để buộc địa phương cho phép Trung Quốc hoạt động tại tỉnh này.

"Không một ai có thể nghĩ rằng họ có quyền lực độc đoán nào để áp đặt những quyết định tồi tệ với chúng tôi," ông này nói.

Không lâu sau chuyến bay ngày 2/9, một vụ nghi ngờ vi phạm quy định cách ly đã được báo cáo. Cảnh sát bản địa cho biết họ đang điều tra vụ việc công dân Trung Quốc đang cách ly ở Honiara tuồn một gói hàng cho người ở bên ngoài cơ sở cách ly.

Đảo quốc rúng động vì chuyến bay hồi hương toàn người Trung Quốc: Một tỉnh phẫn nộ đòi ly khai - Ảnh 4.

Người dân tìm kiếm trong tàn tích các khu nhà bị cháy ở Chinatown vào tháng 4/2006, sau khi một số vụ bạo động và cướp bóc xảy ra ở Honiara, Soloman Islands (Ảnh: Getty)

Kêu gọi trưng cầu dân ý về ly khai của Suidani không hoàn toàn là hành động bột phát, CNN bình luận. Dù là đất nước nhỏ, Solomon Islands có hơn 63 ngôn ngữ bản địa khác nhau và các luồng văn hóa đa dạng - được thống nhất dưới một "mái nhà" khi thực dân Anh thiết lập nền bảo hộ tại đây vào năm 1893.

Sự đa dạng và chia tách này thường là căn nguyên cho các cuộc xung đột. Tại Malaita, nhiều dấu hiệu bất đồng xuất hiện vài tháng trước chuyến bay hồi hương ngày 2/9 - theo ông Foukona.

Vào năm ngoái, Tỉnh trưởng Suidani là một trong những tiếng nói phản ứng việc chính phủ Solomon cắt đứt quan hệ với Đài Loan, làm leo thang căng thẳng giữa chính quyền trung ương và địa phương.

Suidaini quan ngại các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ đổ tới nước này và giành quyền kiểm soát doanh nghiệp cùng đất đai khỏi tay người dân bản địa. Ông cho hay đã có những người Trung Quốc làm việc trong ngành công nghiệp khai thác gỗ có mặt ở Malaita và không tôn trọng các quy định của địa phương.

"Tôi tin là phải loại bỏ sự phát triển bất hợp pháp này ra khỏi Malaita," Suidaini nói với CNN. Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc cho biết đã "yêu cầu doanh nghiệp Trung Quốc tuân thủ luật pháp địa phương và quy định quốc tế".

Đảo quốc rúng động vì chuyến bay hồi hương toàn người Trung Quốc: Một tỉnh phẫn nộ đòi ly khai - Ảnh 5.

Nữ hoàng Anh Elizabeth II thăm Soloman Islands năm 1982 (Ảnh: Getty)

Trong giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành hồi đầu năm, Suidani đã liên hệ nhờ Đài Loan hỗ trợ tỉnh Malaita chuẩn bị công tác phòng chống dịch. Đài Loan đã chuyển cho tỉnh này chuyến hàng 50 tấn gạo vào tháng 6, ngoài ra còn một chuyến hàng vật tư ý tế, song lô vật tư bị nhà chức trách ở Honiara chặn lại và tiến hành điều tra.

Phản ứng trước kêu gọi trưng cầu dân ý của Suidani, chính phủ Solomon Islands ra thông cáo gọi hành động của ông này là "phi pháp", nhấn mạnh chính quyền địa phương không có vai trò đưa ra lập trường trong vấn đề đối ngoại.

Đến nay, vẫn chưa rõ cuộc bỏ phiếu mà Suidani tuyên bố có thể diễn ra hay không. Bộ Thể chế và Củng cố chính quyền cấp tỉnh của Solomon nói Tỉnh trưởng Malaita không có thẩm quyền pháp lý để tổ chức trưng cầu dân ý, và Bộ này có thể đình chỉ bất kỳ ngân sách hoạt động nào nếu nhận thấy nó không phục vụ lợi ích cộng đồng.

Ngay cả khi cuộc trưng cầu không thể diễn ra thì thế đối đầu giữa Trung Quốc Đại lục và Đài Loan đã châm ngòi cho những bất ổn tại Solomon Island - chuyên gia Jian Zhang nói với CNN.

Hiện nay, 104 người - gồm 80 người Trung Quốc - trên chuyến bay hồi hương 2/9 vẫn đang cách ly tại thủ đô Honiara, và tác động của vụ việc này đến đâu vẫn còn là điều chưa thể xác định.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại