Bị giám sát gắt, lính Trung Quốc tung chiêu "Tứ diện Sở ca", chĩa loa thùng phát nhạc Ấn Độ vào quân Ấn

Hải Võ |

Giằng co ở biên giới Trung Quốc-Ấn Độ vẫn chưa đi đến hồi kết, khi các binh sĩ Quân giải phóng nhân dân (PLA) ở Ladakh bắt đầu công kích đối phương bằng... âm nhạc.

India Today ngày 17/9 dẫn các nguồn tin cho hay, dưới sức ép chịu sự giám sát 24/7 của lực lượng Ấn Độ từ trên điểm cao nhìn xuống các vị trí tại địa điểm Finger 4, dọc Đường kiểm soát thực tế (LAC), các binh sĩ Trung Quốc đã kéo loa thùng di động tới các cứ điểm ở tiền tuyến và mở các bài hát nhạc Punjabi - mang âm hưởng dân gian của Ấn Độ.

Theo các nguồn tin, cách thức đáp trả của binh lính PLA có thể là biện pháp nhằm làm giảm hoặc phân tán sự chú ý của những người Ấn Độ.

Còn theo tờ Times of India, trong nỗ lực gây "bất an" cho lực lượng Ấn Độ làm nhiệm vụ giám sát các cứ điểm của Trung Quốc, PLA còn phát các thông điệp cảnh cáo bằng tiếng Hindi bên cạnh nhạc Punjabi.

"Các binh sĩ của chúng ta đang thưởng thức âm nhạc," một sĩ quan Ấn Độ nói với TOI. 

"PLA đang tìm cách khuấy động sự bất mãn trong lực lượng của chúng ta, song các chiến dịch tâm lý như thế này không gây khó khăn cho những người lính thiện chiến."

Trong khi đó, nguồn thạo tin của Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngày 17/9 nói rằng những suy đoán của phía Ấn Độ không chính xác, mà thông điệp mà Trung Quốc muốn gửi tới đối thủ là lực lượng Ấn Độ đã rơi vào tình thế "tứ diện Sở ca".

"Tứ diện Sở ca" là thành ngữ Trung Quốc có nguồn gốc từ thời kỳ Hán-Sở tranh hùng, mô tả chuyện lực lượng của Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ rơi vào tình thế nguy khốn nhưng vẫn kiên quyết chống trả quân Hán. Các tướng lĩnh Hán đã lập kế để binh sĩ hát dân ca nước Sở, làm tinh thần lính Sở rệu rã, cuối cùng khiến Hạng Vũ cùng đường tự sát. 

Sau này, người Trung Quốc dùng câu "Tứ diện Sở ca" để mô tả hoàn cảnh tứ bề thọ địch, lâm vào thế khốn cùng, bị cô lập.

India Today cho biết đã có ít nhất 3 vụ nổ súng cảnh cáo lẫn nhau giữa Trung-Ấn ở khu vực đông Ladakh trong 20 ngày qua, liên quan đến tranh chấp lãnh thổ.

"Vụ việc đầu tiên xảy ra khi quân đội Ấn Độ ngăn chặn Trung Quốc chiếm các điểm cao ở bờ nam hồ Pangong vào ngày 29-30/8, vụ thứ hai diễn ra gần điểm cao Mukhpari ngày 7/9," nguồn tin quân đội Ấn Độ nói.

Vụ việc thứ ba hôm 8/9 cũng xảy ra ở Finger 4 với hơn 100 loạt đạn cảnh báo được đôi bên bắn ra. Vụ căng thẳng diễn ra ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Trung Quốc và Ấn Độ tới Moskva tham dự hội nghị của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) và có cuộc gặp song phương, đi đến nhất trí về 5 điểm quan trọng để hòa dịu tình hình biên giới.

Kể từ tháng 4 và tháng 5, Trung-Ấn đã tổ chức nhiều vòng đối thoại ở cấp chỉ huy quân sự và cả về ngoại giao, song chưa thu được kết quả thực chất nào. Ấn Độ nói quân đội Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ của họ ở LAC và làm thay đổi nguyên trạng, trong khi Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc và tuyên bố PLA hoạt động trong phạm vi lãnh thổ Trung Quốc.

Cả Trung Quốc và Ấn Độ đã củng cố lực lượng ở dọc LAC, sẵn sàng cho kịch bản đối đầu trên dãy Himalaya kéo dài sang mùa đông.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại