Đạo diễn Quốc Thảo: Biên tập đưa kịch bản cho ngôi sao, họ quăng đi

Cao Thanh Hương |

"Đạo diễn không có tiếng nói là thua, để người này lấn lướt người kia. Tôi nói ngay, cỡ ngôi sao tôi cũng nói, không vị nể", đạo diễn Quốc Thảo chia sẻ về hậu trường làm gameshow.

Nói tới đạo diễn Quốc Thảo, người trong nghề không ai không biết. Không những từng là cái "Name" lớn thời hoàng kim ở sân khấu IDECAF trong cả vai trò đạo diễn, diễn viên cùng thời NSƯT Thành Lộc, Hồng Vân, Hồng Đào, Hữu Châu, Minh Nhí... mà Quốc Thảo hiện tại còn là đạo diễn uy tín của rất nhiều gameshow truyền hình ăn khách.

Anh cũng từng làm gameshow: Gương mặt thân quen, Người thách thức, Danh hài đất Việt, Tiếu lâm tứ trụ, Tài tiếu tuyệt... và mới đây là Vượt thành chiến, Thư viện chiến, Đấu trường âm nhạc...

Trong cuộc trò chuyện mới đây, đạo diễn Quốc Thảo đã dành cho tôi những chia sẻ rất thẳng thắn về gameshow từ góc nhìn của một người "đứng trong" guồng máy làm ra các chương trình này.

Đạo diễn Quốc Thảo: Biên tập đưa kịch bản cho ngôi sao, họ quăng đi - Ảnh 1.

Đạo diễn Quốc Thảo (ảnh trong bài do NVCC)

Tôi từng từ chối gameshow có format "làm nhái"

Một số đồng nghiệp của anh cho rằng, gameshow là nguyên nhân chính giết chết sân khấu kịch hiện nay. Bản thân anh là người đang đứng ở cả hai con thuyền đó. Anh có sân khấu kịch Quốc Thảo. Anh cũng làm đạo diễn của nhiều gameshow, anh nhìn nhận quan điểm này thế nào?

Tôi không cho là vậy. Tôi cho rằng, gameshow là nơi để phát hiện tài năng chứ không phải nơi khẳng định tài năng của các bạn. Đạt quán quân của một gameshow nào đó, không có nghĩa là các bạn thành ngôi sao. Và tài năng đó có phát triển, có đi tiếp được nữa hay không là cả một quá trình.

Bản thân từ gameshow đã có nghĩa là một show để chơi rồi. Tuy nhiên, ở Việt Nam, mọi người có cái nhìn về gameshow bị to tát quá. Nhiều người nghĩ, đạt giải quán quân gameshow là giỏi rồi, không cần trui rèn nữa và bắt đầu lao vào kiếm tiền vì bên này mời, bên kia mời, giá cát xê tăng.

Các bạn lao vào mưu sinh mà quên hẳn rằng, vốn sống, kiến thức, kinh nghiệm của mình chưa đủ. Số "vốn" nhỏ đó, mình xài vài game là hết và sau đó bê bản năng ra diễn. Đó là lý do mà có những người rất nổi tiếng nhưng cả đời không có được vai diễn nào để khán giả nhớ, gọi tên nhân vật. Như vậy, thực sự rất uổng cho các bạn.

Sự bùng nổ của gameshow dẫn tới một thực trạng là, ý tưởng bị mòn, bị trùng lắp, na ná nhau rất nhiều. Bản thân anh là đạo diễn của nhiều gameshow, anh nghĩ gì về điều này?

Nguyên tắc của tôi khi chọn làm một gameshow nào đó là phải có format mới lạ, độc đáo. Tôi không làm những gameshow na ná nhau. Tôi từng từ chối vài gameshow có format như vậy hoặc gameshow không mua bản quyền mà "làm nhái". Hiện nay có nhiều gameshow na ná giống nhau, họ lấy mỗi thứ một chút rồi ghép vào thành cái của họ.

Tôi không đồng tình với cách làm "ăn cắp" như vậy, phải tôn trọng sự sáng tạo của người khác. Tôi là người trong gameshow nhưng cũng không coi hết các game của người khác làm. Vì họ làm như vậy, một ngày nào đó, khán giả sẽ chán.

Đạo diễn Quốc Thảo: Biên tập đưa kịch bản cho ngôi sao, họ quăng đi - Ảnh 2.

Từ khi về Việt Nam, Quốc Thảo làm đạo diễn hàng chục gameshow đình đám, ăn khách...

Cũng có đơn vị lợi dụng tôi là người hiểu về gameshow nhiều, tìm đến tôi bàn bạc để đưa ra ý tưởng, làm hẳn một format mới. Mùa sau, họ lấy ý tưởng đó tự làm và không mời tôi nữa. Tôi từng bị như vậy.

Tôi làm gameshow nào là phải mua format đàng hoàng. Những gameshow có format, bản quyền là những game đã được chứng thực qua thực tế. Chẳng hạn gameshow Vượt thành chiến, Thư viện chiến, tôi cùng nhà sản xuất qua tận Thái Lan coi người ta sản xuất chương trình để thấy là họ không bắt chước và có bản quyền đàng hoàng rồi mua đem về.

Thị trường gameshow giống như một miếng bánh lớn, dễ ăn nên nhiều người nhào vào. Và nói không ngoa thì "con buôn nghệ thuật" trong miếng bánh này hơi nhiều nên mới bị tình trạng như vậy?

Nhiều lắm. Nhiều khi họ nói chuyện khơi khơi với mình rồi vài ngày sau, mình đã thấy ý tưởng của mình bị lấy về làm luôn.

Đó chính là lý do mà nhiều nhà sản xuất khi giao gameshow cho tôi, họ rất tin tưởng. Khi họ đưa format cho tôi, điều đầu tiên họ hỏi là tôi có thích không và liệu game này có "ăn" không.

Và nhiệm vụ của tôi là phải trả lời thật cho họ biết, chứ không vì mình muốn làm, muốn có tiền mà nói sai đi.

Tôi từng "bàn ra" rất nhiều gameshow. Tôi nói game đó giống cái này, giống cái kia, sẽ không "ăn", phải làm đặc biệt và mới lạ mới được. Nhà sản xuất giận tôi luôn. Họ không mời tôi mà mời người khác làm nhưng thất bại. Sau đó, chính người giận tôi quay lại mời tôi làm gameshow khác.

Anh nghĩ thế nào về quan điểm cho rằng, nghệ sĩ tham gia nhiều gameshow quá làm họ "lụt nghề"?

Điều đó có một phần đúng. Vì nếu đi gameshow nhiều, không có thời gian trở về sân khấu, tiếp xúc với những tác phẩm hay, vai diễn hay thì chắc chắn sẽ lụt nghề. Sự sáng tạo trong gameshow khác với sân khấu. Nói về nghề diễn thì phải là sân khấu. Ngay cả chúng tôi, lâu không diễn cũng bị vô duyên. Người ta nói, văn ôn võ luyện mà.

Gameshow đúng như cái tên của nó, chỉ là show để chơi, còn đỉnh cao nghệ thuật không nằm ở đó. Nó phải là sân khấu, điện ảnh.

Đạo diễn Quốc Thảo: Biên tập đưa kịch bản cho ngôi sao, họ quăng đi - Ảnh 4.

Từ Gương mặt thân quen, Tiếu lâm tứ trụ, Danh hài đất Việt đến Vượt thành chiến, Tài tiếu tuyệt, Thư viện chiến...

Nhiều diễn viên ngôi sao bị cái tôi cao quá nên biên tập rất sợ

Anh là đạo diễn nhiều gameshow, nhiều người nổi lên từ gameshow do anh làm và cũng có rất nhiều nghệ sĩ ngôi sao nhưng anh vẫn lặng lẽ đứng sau, khán giả gần như không ai biết. Điều này có làm anh nghĩ ngợi không?

Tôi học đạo diễn mà. Ở trường Nghệ thuật Sân khấu 2, tôi học lớp đạo diễn do thầy Trần Minh Ngọc chủ nhiệm, khóa dưới Minh Nhí. Sang tới đại học San Diego của Mỹ, tôi cũng học đạo diễn chuyên ngành sân khấu và điện ảnh. Nghề chính của tôi là đạo diễn.

Ở phim trường làm gameshow, nhiều diễn viên ngôi sao bị cái tôi cao quá nên biên tập rất sợ, phải nhờ tôi vì tôi nói, họ nghe. Biên tập nhiều khi đưa kịch bản, họ quăng đi "kịch bản cái gì". Rất tội cho biên tập. Đối với tôi, như vậy là không được. Tôi nói ngay.

Rồi có nhiều lúc, họ hết vai nhưng cần phải đứng phía sau một chút cho nhóm kia đang diễn để đảm bảo back ground. Họ không chịu, ra bàn quậy, phá lớp diễn của mấy người kia. Những đạo diễn khác không dám nói vì tên họ lớn quá nhưng tôi nói. "Không được, mời em xuống. Chỗ này anh cần nhấn, em đứng giúp anh xíu, mấy phút là xong thôi" và họ phải nghe.

Anh làm vậy có sợ mất lòng?

Chắc là có nhưng họ không dám nói ra vì tôi nói đúng, không nói sai. Họ đã đứng ở lớp diễn chính, tôi đã tôn vinh vai của họ rồi thì giờ phải làm cho người khác nữa, không thể phá lớp diễn của người khác được.

Bởi vậy, đạo diễn không có tiếng nói là thua. Để người này lấn lướt người kia là không được. Không phải vì mình là đàn anh mà họ nghe đâu. Có thể họ không cãi nhưng họ không phục, không nể, không cộng tác nữa. Mình phải nói đúng và dám nói. Cỡ ngôi sao tôi cũng nói, không vị nể. Dĩ nhiên là mình nói một cách lịch sự và tôn trọng họ.

Tôi công bằng lắm nên nhà sản xuất rất thích. Tôi không có kiểu, thích người này thì cho lên, không thích thì dìm xuống, diễn viên ngôi sao thì nói nhẹ nhàng, còn không phải ngôi sao thì chà đạp.

Từ người mới vào nghề tới ngôi sao, tôi đều đối xử đàng hoàng, không ra vẻ ta đây đạo diễn, tổng đạo diễn mà la lối um sùm, chửi bới để họ xấu hổ. Tôi được nể là vì vậy.

Đạo diễn Quốc Thảo: Biên tập đưa kịch bản cho ngôi sao, họ quăng đi - Ảnh 6.

Quốc Thảo và đồng nghiệp thân thiết trên phim trường.

Đạo diễn Quốc Thảo: Biên tập đưa kịch bản cho ngôi sao, họ quăng đi - Ảnh 7.

Vì công bằng với mọi người, từ nghệ sĩ ngôi sao đến diễn viên mới vào nghề nên đạo diễn Quốc Thảo được nhà sản xuất thích và mọi người nể trọng.

Nghệ sĩ làm giám khảo gameshow một số vài chục triệu. Thành thật thì lương đạo diễn gameshow của anh cao không?

Nói chung khá tốt so với mặt bằng hiện tại. Nhưng với số tiền đó, tôi cực lắm. 7,8h sáng phải có mặt để set-up mọi thứ và quay liên tục tới 11,12h đêm, không nghỉ. Diễn viên quay xong một số được nghỉ, còn đạo diễn là làm việc liên tục.

Chưa kể, trước khi quay phải làm việc về format, casting, chọn diễn viên, mọi thứ cả 1, 2 tháng trời. So với sức lực mình bỏ ra thì mức lương đó cũng tương đối thôi. Còn so với nghệ sĩ ngôi sao làm giám khảo thì khác, họ làm 1,2 số còn mình làm toàn chương trình, mười mấy số nên rất khó để nói.

Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại