Từng một trong những ngọn cờ đầu của giới startup và gây tiếng vang khi huy động được 5,5 triệu USD từ các quỹ đầu tư, chỉ một năm sau khi nhận vốn Đào Chi Anh đã rời bỏ ghế CEO tại chuỗi nhà hàng The KAfe mà cô mất công gây dựng.
Nửa năm sau đó, The KAfe đóng cửa hàng loạt, trở thành một case study điển hình về sự thất bại của mô hình startup nếu các nhà sáng lập không có tiếng nói chung với nhà đầu tư.
Hiện tại Đào Chi Anh đang khiến cộng đồng mạng dậy sóng khi cô kêu gọi mọi người đóng góp để "hồi sinh" The KAfe thông qua trang web gọi vốn cộng đồng gofundme.com.
Báo điện tử Trí Thức Trẻ đã có cuộc trao đổi độc quyền với Đào Chi Anh về những dự định của cô muốn mang lại những điều tích cực cho cộng đồng.
Sẵn sàng quay lại với một ý tưởng cafe mới
Tại sao chị chọn thời điểm này muốn xây dựng lại The KAfe?
Có nhiều lí do khiến Chi Anh cảm thấy thời điểm này là phù hợp: Về khoảng trống trên thị trường mà KAfe đã để lại, về sự sẵn sàng trong kiến thức và tinh thần sau thời gian học hỏi và phát triển bản thân, và về lời kêu gọi từ chính cộng đồng yêu mến KAfe luôn mong muốn có lại ngôi nhà này để trải nghiệm những món ăn độc đáo của KAfe trong một bầu không khí sôi nổi, đặc trưng của quán.
Nhưng Chi Anh cần nhấn mạnh – "KAfe mới" không phải là sự quay trở lại của The KAfe trong quá khứ.
"KAfe mới" là tên gọi tạm thời của Chi Anh dành cho dự án này, với mong muốn xây dựng một thương hiệu tạo nên được những giá trị như The KAfe trước đây đã mang lại cho cộng đồng trẻ và cộng đồng ẩm thực, đó là sự đa dạng, mới mẻ, thân thiện, gần gũi, một không gian dành cho những người yêu ẩm thực và các món ăn sáng tạo với cảm hứng lấy từ nền ẩm thực thế giới và Việt Nam, vừa mới lạ vừa thân thiện (hay còn gọi là "comfort food"), và là một không gian thoải mái để vừa ăn vừa uống, có thể tới bất kì lúc nào trong ngày.
Đó cũng là lý do chính khiến Chi Anh khởi động dự án này – để điền vào chỗ trống mà The KAfe đã để lại trên thị trường, và cùng chia sẻ với những người yêu quý The KAfe trước đây.
Từ những kinh nghiệm, bài học tôi đã may mắn được gặt hái trong quá trình tạo dựng The KAfe, cùng với những kiến thức mới tôi đã và đang tiếp thu từ các khóa học chứng chỉ về tư vấn dinh dưỡng, sức khỏe và fitness mà tôi đã theo đuổi trong 2 năm vừa rồi, khiến tôi cảm thấy giờ tôi có thể mang lại nhiều giá trị hơn nữa cho cộng đồng, có thể xây dựng những món ăn vừa ngon vừa bổ dưỡng hơn nữa, và có thể là một doanh nhân có trách nhiệm hơn với sức khỏe của cộng đồng và môi trường nói chung.
Tôi cảm thấy sẵn sàng quay lại với một ý tưởng cafe mới - tốt hơn, tuyệt hơn, và giá trị hơn.
Nhiều ý kiến trái chiều, có người ủng hộ và không ủng hộ chị thực hiện funding để có nguồn vốn xây dựng lại The KAfe. Tại sao chị lại chọn hình thức kêu gọi vốn cộng đồng mà không phải là tìm kiếm đối tác rót vốn?
Chi Anh đã trải qua nhiều hình thức gọi vốn và hiểu sự nhạy cảm khi gọi vốn cộng đồng cho dự án của mình.
Tuy nhiên Chi Anh tin rằng những người đã và sẽ góp vốn sẽ là những "nhà đầu tư" phù hợp nhất cho dự án này – đó không chỉ là những người hiểu về mô hình gọi vốn cộng đồng, mà còn hiểu và thực sự đang tìm kiếm một không gian và trải nghiệm ẩm thực như đã từng có với The KAfe. Đó là những người Chi Anh muốn dốc sức để phục vụ.
Nhiều người chưa hiểu rõ về việc gọi vốn cộng đồng, chị có thể giải thích rõ hơn về mô hình này? Những người rót vốn cho Đào Chi Anh họ sẽ nhận được gì khi The KAfe đi vào hoạt động?
Trong mô hình crowdfunding hiện có trên thế giới, founder có ý tưởng nhưng chưa có nguồn lực để sản xuất nên kêu gọi vốn từ cộng đồng để đầu tư ban đầu vào dự án. Đổi lại những người đầu tư sớm sẽ nhận được sản phẩm hoặc dịch vụ với giá ưu đãi hơn những người mua hàng sau đó.
Hình thức quyên góp từ cộng đồng (crowdfunding) tuy là một hình thức mới trong giới khởi nghiệp trên thế giới, nhưng ý nghĩa, vì nó cho phép chúng ta tạo dựng những dự án với sự ủng hộ và quyên góp từ chính những người khách hàng - các bạn trẻ đã từng yêu thích KAfe, yêu thích không khí, năng lượng của KAfe, và menu sáng tạo, bay bổng của KAfe - để dự án có thể phục vụ những người khách hàng đó một cách tốt nhất có thể.
Tuy nhiên, đây không phải là hình thức gọi góp vốn sở hữu, số tiền gọi được từ cộng đồng sẽ được quy đổi ra quyền lợi sử dụng trực tiếp dưới dạng voucher và các ưu đãi tại dự án cafe mới này với giá trị tương ứng hoặc cao hơn với số tiền đóng góp.
Chúng tôi sẽ cập nhật chi tiết về việc này với những người đã đóng góp, nhưng chắc chắn sẽ luôn đặt quyền lợi người khách hàng lên trên hết.
Nếu ai góp tiền cũng là một cổ đông hưởng lợi tức, thì đó sẽ là tính chất của việc mua chứng khoán của một công ty trên sàn chứng khoán, không phải là một dự án crowdfunding.
Nếu bạn mong muốn tham gia vào một hình thức đầu tư như vậy, bạn có thể nghiên cứu nhiều dự án tiềm năng trên sàn chứng khoán để đầu tư trực tiếp.
Còn crowdfunding vốn là một hình thức đầu tư mang tính chất xã hội của giới trẻ, để ủng hộ nhau, giúp đỡ nhau, cùng nhau tạo dựng một cái gì đó tích cực mà tất cả cùng tin tưởng có thể làm xã hội và cuộc sống tốt hơn.
Gọi vốn cộng đồng thường nhấn mạnh về số lượng người tham gia đóng góp, và mọi mức đóng góp, dù ít hay nhiều đều được trân trọng như nhau.
Với dự án cafe này, Chi Anh hi vọng có thể cùng mọi người tạo nên những giá trị tích cực đó.
Hơn 1.300 USD đã được funding, chị có bất ngờ về con số này?
Chi Anh cũng có kì vọng nhận được sự ủng hộ của những người tin tưởng vào mô hình, nhưng việc nhận được con số này trong một thời gian như vậy vẫn rất bất ngờ. Và cảm thấy mình nhất định phải hoàn thành được dự án này vì những người đã tin tưởng vào dự án và Chi Anh.
2 năm trước khi The KAfe ra đời, mô hình cafe chuỗi chưa quá phát triển, tuy nhiên hiện tại The Coffee House, Highland, Starbucks, Gardenia...phát triển rất mạnh mẽ, chị có tin rằng The KAfe quay trở lại sẽ thành công như thời điểm trước đây?
Có lẽ cần nói rõ rằng mô hình "chuỗi" The KAfe trước đây sẽ không quay trở lại, nên cũng sẽ không trực tiếp cạnh tranh với những chuỗi cafe nêu trên. Bên cạnh việc giữ nguyên những giá trị và trải nghiệm với cộng đồng ẩm thực mà KAfe đã từng đem lại, còn lại, đối với Chi Anh, đây là một dự án hoàn toàn mới.
Tôi muốn ngôi nhà mới cho những người đã từng yêu mến KAfe phải ấm cúng, cởi mở và chân thực. Không cần phải được trang trí cầu kì bằng những xu hướng nội thất hợp thời để thu hút sự chú ý, hay khiến cho họ cảm giác mình mang một đẳng cấp nào đó.
Chỉ cần là một căn nhà ấm cúng, sáng sủa và thoải mái, nơi mọi người có thể tận hưởng những bữa ăn, đồ uống tươi sạch mang hương vị của cả phương Đông và phương Tây, với sự chú ý đến sức khỏe của cộng đồng và sự thân thiện cho môi trường.
Đây cũng sẽ là nơi để tụ họp của tất cả mọi người, bất kể xuất thân, có những cuộc trò chuyện ý nghĩa, cũng như tương tác để khiến họ cảm thấy mình thuộc về nơi này.
Đồng thời, nơi đây cũng nên có không gian chung cho những khóa học, các buổi nói chuyện, triển lãm, câu lạc bộ sách hay bất cứ thứ gì có thể trưng bày, chia sẻ và bàn luận để cùng mang những giá trị thiết thực đến cho mọi người và xã hội.
Sau thất bại (có thể gọi là thất bại không?) khi không có tiếng nói chung với nhà đầu tư, chị rút ra bài học gì cho mình?
Mọi việc đã qua đều mang lại nhiều giá trị và bài học, Chi Anh trân trọng tất cả những điều đó và đã từng chia sẻ nhiều về việc này rồi, trên thông tin đại chúng cũng như cuốn sách hồi ký Chi Anh đang viết và xuất bản trong năm nay.
Điều quan trọng nhất là không để một thất bại của mình "định nghĩa" con người mình - chỉ vì bạn đã thất bại, không có nghĩa bạn là một thất bại. Thất bại hay không, chỉ là một "thông tin" để bạn có thể ghi nhận, học hỏi, để giúp cho lần sau thực hiện được tốt hơn.
Nó không phải là cái gì đó quá nặng nề cần phải sợ hãi đến thế. Như nhà khoa học Thomas Edison đã nói: "tôi đã không phải thất bại 100 lần, mà phát minh chiếc bóng đèn đã cần 100 bước để thành công."
Bạn có thể thất bại 100 lần cũng được, nghĩa là bạn không để lần nào là lần cuối cùng bạn thử, để bắt đầu lại từ đầu. Chỉ khi bạn từ bỏ và dừng hẳn tất cả mọi nỗ lực, bạn mới thực sự thất bại.
Một điều nữa Chi Anh đã học được là sự chấp nhận những thứ không hoàn hảo.
Những thứ không hoàn hảo trong quá khứ của mình, những thứ không hoàn hảo trong dự án của mình ngày hôm nay, những thứ không hoàn hảo trong cách làm của mình - tất cả những cái đó sẽ luôn tồn tại, nhưng mình không được để nó làm cản trở hoặc trì trệ công việc quan trọng của mình để phục vụ xã hội.
Hoàn hảo hay không hoàn hảo, hãy cứ đi về phía trước, và vừa đi vừa điều chỉnh để mỗi ngày lại tốt lên.
Hãy từ bỏ mong muốn làm mọi thứ một cách hoàn hảo trong mắt bạn hoặc trong mắt người khác, để bạn có thể tập trung vào việc phục vụ mọi người tốt hơn trong tất cả khả năng của mình.
Đào Chi Anh sau khi rời The KAfe đã thực hiện kinh doanh rất nhiều mô hình, việc kinh doanh này có mang lại hiệu quả không?
Các mô hình kinh doanh của Chi Anh đều đang hoạt động tốt, và dần đều hướng tới một mục đích chung – tạo nên một hệ sinh thái dành cho lối sống lành mạnh, hạnh phúc, với những bữa ăn ngon mỗi ngày, để phục vụ những người trẻ, và đặc biệt là những người phụ nữ tuyệt vời của Việt Nam.
Chị muốn nhắn nhủ gì đến những người đã, đang và sẽ ủng hộ chị trong việc quay trở lại này?
Vào thời điểm này, Chi Anh không có gì nhiều hơn lời cảm ơn để gửi tới mọi người.
Chi Anh sẽ nỗ lực hết sức để giấc mơ chung của chúng ta trở thành sự thật. Những người đã và đang ủng hộ dự án này hay những dự án khác của Chi Anh, họ là lí do Chi Anh luôn tiếp tục nỗ lực để phục vụ họ tốt hơn nữa.
Câu chuyện quá khứ của KAfe, không phải là câu chuyện tất yếu của những người khởi nghiệp, và qua việc "trở lại" này, Chi Anh hi vọng có thể khiến nhiều người khác dũng cảm bắt đầu hoặc đứng dậy lại sau một lần thất bại, để tiếp tục nỗ lực và cố gắng vì một thế giới tốt đẹp hơn với sự đóng góp của họ, thay vì sợ bị thất bại.
Tuy nhiên, trong trường hợp dự án không thành, Chi Anh mong các bạn an tâm. Hệ thống gọi vốn cộng đồng cho phép Chi Anh hoàn trả số tiền các bạn đã góp trong trường hợp dự án không đạt được kết quả như mong muốn, và Chi Anh sẽ đảm bảo mọi việc diễn ra minh bạch.
Xin cảm ơn mọi người một lần nữa vì đã tin tưởng Chi Anh.
Xin cảm ơn chị.