"Đầu dao" xuất hiện chỉ sau một cú vung tay, rồi mất hút với một cú xoay.
Kể từ tháng 9, bắt đầu năm học mới, một món đồ chơi có tên "dao cà rốt" bất ngờ phổ biến trên Internet, nhanh chóng trở thành "món đồ chơi quốc dân" tại nhiều trường tiểu học và trung học cơ sở ở Trung Quốc.
Món đồ chơi thịnh hành "học sinh nào cũng có"
"Dao cà rốt" là gì?
Ghé thăm một số siêu thị và cửa hàng văn phòng phẩm, phóng viên tại tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) đã tiến hành một cuộc khảo sát, tìm đến các cửa hàng tạp hóa và siêu thị xung quanh nhiều trường tiểu học.
Dao cà rốt đa dạng với nhiều mẫu mã và kích thước, thậm chí còn có súng, dao bấm và lược "cà rốt".
"Ông chủ, cái này bao nhiêu tiền?", phóng viên hỏi một chủ cửa hàng văn phòng phẩm.
"5 tệ (hơn 16 nghìn đồng)!", chủ cửa hàng vừa trả lời vừa đặt dao cà rốt trên quầy vào ngăn kéo. Khi phóng viên chuẩn bị trả tiền, ông nhận được cuộc gọi từ một phụ huynh học sinh muốn đặt trước 2 chiếc dao cà rốt.
Dao cà rốt là một đồ chơi giả dao làm bằng nhựa, vì trông giống củ cà rốt và dùng trọng lực của chính nó để trượt thân dao nên nó còn được gọi là "dao cà rốt trọng lực".
Cầm trên tay, phóng viên đã trải nghiệm món "đồ chơi nổi tiếng trên mạng" này. Các video về cách chơi "dao cà rốt" trên mạng đã lọt vào “danh sách tìm kiếm nóng” ở nhiều nền tảng mạng xã hội Trung Quốc.
Đoạn video quay lại cách chơi dao cà rốt
Tuy nhiên, loại dao cà rốt đồ chơi tưởng chừng như bình thường này đã bán được hơn 200.000 chiếc tại một cửa hàng trực tuyến trên Taobao vào tháng 9. Phóng viên nhấp vào liên kết sản phẩm và phát hiện các cửa hàng bán nhiều phiên bản dao cà rốt, bao gồm cả mẫu nâng cấp và dày hơn, cũng như "dao cà rốt phát sáng" và "dao cà rốt khổng lồ", với giá dao động từ 1,1 NDT đến 14 NDT (khoảng 4.000 đến 47.000 đồng). Tại mục đánh giá sản phẩm, nhiều phụ huynh cho biết họ mua cho con và đăng tải hình ảnh, video con mình chơi đồ chơi.
Nguy cơ tiềm ẩn gây tranh cãi
Mặc dù món đồ chơi này đã được nhiều học sinh và phụ huynh yêu thích nhưng nó cũng gây ra khá nhiều tranh cãi.
1 giờ chiều ngày 25/10, các phóng viên địa phương tiến hành phỏng vấn ngẫu nhiên một số học sinh trước cổng một trường tiểu học ở thành phố cấp 1 thuộc tỉnh Hồ Nam. Các em nói rằng các bạn cùng lớp và bản thân đang rất thích món đồ chơi dao cà rốt.
"Em thấy chơi rất vui và giảm stress. Khi làm bài tập ở nhà, em cũng lấy ra chơi. Thú vị nhất là âm thanh khi vung lưỡi dao ra", Dương, học sinh lớp 5, kể lại.
Dương còn chia sẻ với phóng viên, có lần em thấy các bạn khác chơi trong khu chung cư nên nhờ người nhà mua trên mạng. Do quy định của trường nên em thường chơi ở nhà vào cuối tuần hoặc những nơi không có người xung quanh. Dương tiết lộ, lớp em có 42 học sinh và khoảng 1/3 trong số đó đã mua món đồ chơi này.
Ngoài nhận xét món đồ chơi này thú vị và hay ho, các em học sinh được phỏng vấn còn có những ý kiến khác. "Mặc dù làm bằng nhựa nhưng đầu dao khá sắc, nếu chọc vào vị trí quan trọng sẽ rất nguy hiểm", em học sinh họ Chu chia sẻ với phóng viên. Có lần, em bị một bạn cùng lớp chọc bằng đầu dao, "không chỉ đau đớn mà em còn cảm thấy bị xúc phạm trong lòng".
Trải nghiệm của học sinh họ Chu cũng là một trong những lý do quan trọng khiến món đồ chơi này gây ra tranh cãi sau khi nó trở nên phổ biến.
Dao cà rốt được bày bán rất nhiều tại các cửa hàng tạp hóa, siêu thị và văn phòng phẩm xung quanh trường tiểu học
Trương là người điều hành một siêu thị cỡ vừa. Với kinh nghiệm kinh doanh nhiều năm, anh đã “đánh hơi” được cơ hội kinh doanh từ dao cà rốt sau khi liên tục thấy nó trên Douyin (TikTok Trung Quốc).
Trương có một người bạn bán món đồ chơi này và doanh số bán ra rất lớn, nhưng sau khi cân nhắc kỹ về tác dụng phụ đối với trẻ vị thành niên, anh đã bỏ cuộc. "Tôi cũng có con, và nếu chúng thường xuyên dùng nó để cắt, đâm hoặc chọc, rất có thể sẽ khơi dậy xu hướng bạo lực trong tâm lý con".
Phóng viên ở thành phố Thập Yển (Hồ Bắc, Trung Quốc) cũng thực hiện cuộc tìm hiểu và phỏng vấn tương tự. Nhiều chủ cửa hàng xung quanh khuôn viên trường học cho biết trước đây họ có bán dao cà rốt nhưng sau khi có thông tin về mối nguy của thứ đồ chơi này, họ không còn trưng bày hàng ở nơi dễ thấy nữa, mà chỉ cất trong hộp, khi có khách đến hỏi mua thì mới lấy ra.
Trong một khu dân cư thuộc thành phố Thập Yển, 3 học sinh tiểu học tụ tập cùng nhau chơi dao cà rốt, các em có hành vi chọc, đâm vào nhau. "Con cũng đòi tôi mua cho, nó nói nó là đứa duy nhất trong lớp không có. Tôi thấy các cháu dùng dao cà rốt chọc vào nhau, vì sợ làm tổn thương người khác nên tôi không mua”, ông La, một người dân nói.
Một phụ huynh đã quay clip đăng tải lên mạng xã hội kể về việc con cô dùng dao cà rốt đâm, chọc vào con nhà hàng xóm khiến cô bị "mắng vốn".
Một phụ huynh chia sẻ con mình bị thương bởi dao cà rốt.
Phản ứng của nhà trường trước món đồ chơi "không đảm bảo lành mạnh"
Dưới chiêu bài "giảm stress" và "tạo hình 3D", dao cà rốt đã trở thành "cơn sốt" hơn bao giờ hết.
Giáo viên Lư của trường tiểu học Tam Yển (Thập Yển) cho biết, tuy là đồ chơi nhưng dao cà rốt có thể phóng ra ngoài như dao bấm và ban giám hiệu cấm học sinh mang vào khuôn viên trường. Nếu các em chơi thứ này trong giờ ra chơi, khi bị ngã hoặc mất kiểm soát thì rất có thể sẽ làm bị thương người khác, gây mất an toàn cho khuôn viên trường.
Trong cuộc phỏng vấn, Tiểu Văn, một học sinh lớp 6, nói rằng lưỡi dao cà rốt tương đối cùn, khi sử dụng sẽ không cắt vào ngón tay, thậm chí không sắc như thước nhựa và hoàn toàn không làm tổn thương người khác. Nhiều học sinh trong lớp có chúng và mọi người đều mang chúng đi chơi sau giờ học, đây là một cách xả stress rất tốt và cũng rất thú vị. Nó còn có thể rèn luyện sự linh hoạt cho ngón tay.
Ngô, một người dân thành phố Thập Yển cho biết, cô đã mua cho con nhiều loại đồ chơi dao cà rốt, tuy nhiên mới đây cô phát hiện tuy chúng làm bằng nhựa nhưng đầu dao rất cứng, có thể làm rách giấy và xuyên qua quả táo. Điều khiến cô lo lắng hơn nữa là trẻ bắt chước hành động đâm, chọc, khi có khách đến nhà, trẻ cũng sẽ làm những hành động này với khách, cô sợ chơi dao cà rốt sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý đứa trẻ.
Dao cà rốt có thể làm rách giấy và đâm thủng quả táo.
"Là một món đồ chơi dao giả bằng nhựa, dao cà rốt mang lại niềm vui cho trẻ em nhưng cũng có những nguy hiểm nhất định". Tiêu Tuệ, giám đốc một trường mẫu giáo nổi tiếng trong địa bàn tỉnh Hồ Nam, cho rằng mặc dù dao cà rốt chỉ là giả nhưng góc nhọn và cứng, sẽ rất nguy hiểm nếu học sinh đâm vào mắt, cổ… của bạn cùng lớp trong khi chơi. Ngoài ra, dao cà rốt cũng sẽ mang lại “ảo giác” cho học sinh. Khi đã hình thành thói quen chém, đâm thì sẽ càng nguy hiểm hơn nếu các em lấy dao thật và thực hiện các động tác cắt, đâm, chọc một cách vô thức. Đối với những trẻ nhỏ chưa phát triển ý thức về sự an toàn, việc bắt chước các cảnh trong phim và đâm bằng dao cà rốt có thể khơi dậy xu hướng bạo lực trong tiềm thức.
Dương Tiêu Sắt, một chuyên gia tâm lý hàng đầu ở Trung Quốc, phân tích, chơi dao cà rốt có 3 mối nguy hiểm lớn:
Một, dễ gây tai nạn, trẻ em hiếu động và không biết giới hạn trong lúc chơi đùa, không thể lường trước được rủi ro nếu không cẩn thận, chúng có thể vô tình làm bị thương người khác.
Hai, kích thích xu hướng hung hăng và bạo lực, ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách và hành vi của trẻ, đồng thời có thể gây ra tâm lý phản kháng và trả thù.
Ba, việc trẻ nghiện game sẽ ảnh hưởng đến học tập và năng lực giao tiếp xã hội bình thường. Vì vậy, các bậc phụ huynh được nhắc nhở hãy đặt sự an toàn lên hàng đầu khi mua đồ chơi.
Cơ quan chức năng nhiều khu vực ở Trung Quốc đã tiến hành kiểm tra sản phẩm ở nhiều cửa hàng tạp hóa xung quanh các trường tiểu học.
Trước những nguy cơ tiềm ẩn này, nhiều phòng giáo dục ở tỉnh Hồ Nam đã ban hành hoặc sẽ sớm ban hành các thông báo và cảnh báo về an toàn, đồng thời nhiều trường học cấm học sinh mang đồ chơi tiềm ẩn nguy hiểm vào khuôn viên nhà trường.
Giáo viên sẽ tịch thu "dao cà rốt" khi phát hiện học sinh mang theo và hướng dẫn các em không sử dụng đồ chơi tiềm ẩn nguy hiểm. Phía nhà trường sẽ tổ chức nhân viên đi đến các điểm buôn bán xung quanh trường để kiểm tra xem có hoạt động mua bán nào gây bất lợi cho học sinh hay không. Ngoài ra, nhà trường còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới phụ huynh, kêu gọi các doanh nghiệp phát triển nhiều mặt hàng có lợi cho sự phát triển lành mạnh về thể chất và tinh thần của học sinh.
Nguồn: Sina, Sohu