Bộ Tài chính vừa đưa ra Dự thảo Luật thuế Tài sản trong đó đề xuất đánh thuế nhà từ 700 triệu đồng trở lên và ô tô từ 1,5 tỷ đồng trở lên. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
Trong khoảng 1-2 năm nay, Bộ Tài chính phải tìm mọi cách để thu thuế, kể cả tăng thu. Ví dụ như việc đề xuất thu thuế môi trường của xăng 4.000 đồng/lít. Đây là thuế đánh cho tất cả toàn dân, trong đó có nhiều người nghèo. Còn ngược lại, thuế nhà đất và thuế xe thì lại đánh vào người giàu.
Tuy nhiên, câu chuyện bây giờ là đánh thuế thì bao nhiêu phần trăm? Tôi nghĩ rằng không nên đánh 700 triệu mà ít nhất phải từ 1 tỷ đồng trở lên. Trước đây, chúng ta có gói 30.000 tỷ đồng phục vụ mua căn hộ từ 1 tỷ đồng trở lên. Bây giờ chúng ta đánh thuế nhà từ 700 triệu thì vô hình trung, những người có nhà 1 tỷ đồng cũng phải đóng thuế. Vì vậy, tôi cho rằng, chỉ nên đóng thuế nhà từ 1 tỷ đồng trở lên.
Nếu đánh thuế từ 1 tỷ đồng trở lên thì đa phần dân số sẽ bị đánh thuế vì hiện nay một căn nhà khoảng 50m2 khi xây 2-3 tầng cũng có thể lên tới hơn 1 tỷ đồng. Việc này có hợp lý?
Đây là một loại thuế ảnh hưởng đến đời sống người dân. Tuy nhiên, giữa loại thuế này và thuế môi trường với xăng dầu, tôi cho rằng thuế với xăng dầu ảnh hưởng nhiều đến người dân hơn, còn thuế nhà ở đánh vào mức trên 1 tỷ đồng là hợp lý, vì nếu nhà anh một hai tỷ trừ đi cũng còn 1 tỷ đồng. Còn những người giàu xây biệt thự từ 50-10 tỷ mới ảnh hưởng nhiều.
Liên quan đến việc đánh thuế nhà, cách đây hơn một năm, Bộ Tài chính từng đề xuất đánh thuế ngôi nhà thứ hai nhưng dư luận không đồng tình. Sau một thời gian, hiện nay đơn vị này lại đề xuất đánh thuế nhà từ 700 triệu đồng. Việc này liệu có hợp lý hơn việc đánh thuế ngôi nhà thứ hai?
Việc đánh thuế ngôi nhà thứ hai phải điều tra nghiên cứu rất khó. Vì vậy, thà đánh thuế đồng loạt còn hơn đánh thuế ngôi nhà thứ hai vì làm sao biết ông này có ngôi nhà thứ hai, thứ ba.
Hơn nữa, bây giờ đi xác nhận ngôi nhà thứ hai rất khó cho nên đánh đồng loạt có khấu trừ là hợp lý.
Thưa ông, mục tiêu của việc đánh thuế là thu ngân sách về cho nhà nước. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng dù có tăng thu thuế nhưng nếu không sử dụng hợp lý nguồn thu thì dù có tăng thu thuế cũng không đủ. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
Nguyên tắc của một đất nước và doanh nghiệp là tăng thu và giảm chi. Ngay trong gia đình cũng vậy. Còn bây giờ ông tăng thu mà chi không giảm thì giống như cái thùng không đáy, đổ vào xong mất hết và vẫn bị thâm thủng liên tục.
Vậy làm sao để giảm chi? Đừng xây tượng đài, quảng trường, những cái phù phiếm nữa. Tập trung cho những ngành sản xuất tốt lên để tăng sản lượng lên mới là tốt chứ không phải chúng ta chăm chăm thu thuế.
Chúng ta cần làm sao để các doanh nghiệp ngày càng phát triển thì mới có cơ hội phát triển nhiều hơn. Vì vậy tốt nhất là phải tích cực giảm chi cắt giảm công chức, hội, đoàn không phù hợp đi thì mỗi năm cũng giảm được 50-70 chục nghìn tỷ đồng bù qua tiền tăng thuế đó.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!