Để phục vụ cho thú ăn chơi sa đọa của mình, Lân điều hành đường dây buôn bán ma túy đá suốt nhiều năm, quy tụ dưới trướng 7 “đệ tử” – “vệ tinh”, trong đó có một “hot girl” xinh đẹp, là “đệ tử ruột” và là cánh tay đắc lực.
Nhờ sự tinh vi, lọc lõi, có nhiều “chiêu” đối phó với công an, Lân liên tục “thoát nạn” trong những cuộc vây bắt của lực lượng chức năng. “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, cũng đến ngày cả băng nhóm phải tra tay vào còng.
Từ “con cưng” trở thành “con nghiện” (!)
Phạm Đình Lân là con trai duy nhất của bà L. – chủ một nhà hàng khá có tiếng trên đường Trần Phú (P.3, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng). Từ lâu, thông tin về đối tượng Phạm Đình Lân “nhà có điều kiện”, lại là con một, nhưng tiếc rằng anh ta lại trở thành “con nghiện” rồi dính vào đường dây buôn bán ma túy khiến dư luận tại TP.Đà Lạt bàn tán xôn xao.
Từ chỗ là một con nghiện thậm thụt mua ma túy về sử dụng, dần, anh ta điều hành hẳn một đường dây buôn bán ma túy đá, thuốc lắc từ TP.HCM về bán cho các con nghiện và các tụ điểm ăn chơi phức tạp.
Trong số các “đệ tử” thân tín, Lân đặc biệt tin tưởng Trần Lệ Đài Trang (SN 1990, trú P.10, TP.Đà Lạt). Trang khá xinh đẹp, nghiện ma túy rất nặng.
Ngoài việc trực tiếp nhận ma túy từ TP.HCM do Lân đứng sau điều hành, Trang kiêm luôn việc bán ma túy cho các con nghiện và thu hồi nợ, chuyển tiền vào tài khoản cho “ông trùm”.
Để điều hành đường dây ma túy trơn tru, kéo dài nhiều năm, Lân sử dụng nhiều chiêu trò đối phó với cơ quan chức năng. Y tỏ ra là một kẻ khôn ngoan, lọc lõi.
Anh ta không bao giờ trực tiếp giao ma túy, mà thường giao việc này cho các “đệ tử”. Khi có người gọi mua “hàng”, Lân sai “đàn em” đến điểm hẹn lấy tiền trước, sau đó sai một “đệ tử” khác giấu ma túy tại một địa điểm rồi báo cho con nghiện đến lấy.
Tại nơi ở, y lắp đặt hệ thống camera quanh nhà để quan sát và sử dụng nhân viên phục vụ tại nhà hàng của gia đình làm tai mắt. Nếu phát hiện có dấu hiệu khả nghi, các “vệ tinh” sẽ thông báo cho Lân.
Đặc biệt, căn phòng ngủ của Lân được trang bị tới... 4 lớp cửa gỗ và sắt được hàn rất kiên cố. Lân “nổ” với đám “tay chân” rằng, y có các mối quan hệ vững chắc, cứ yên tâm hoạt động.
Đối tượng không ở một chỗ mà thường di chuyển các nơi: TP.HCM - Nha Trang - Đà Lạt, “thoắt ẩn thoắt hiện”. Ngoài nghiện ma túy, cờ bạc, cá độ, Lân còn được đồn thổi là gã “nghiện” em út.
Em nào chấp nhận “chiều tới bến” sẽ được Lân cho về nhà, cùng sử dụng ma túy. Sự tồn tại của băng nhóm này ngày càng gây nhức nhối, bức xúc trong dư luận.
Đối tượng Trang và Lân (đội mũ len) chứng kiến việc kiểm kê tang vật vụ án
“Mẻ lưới” nghẹt thở!
Đối với đội ngũ lãnh đạo, trinh sát phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy công an Lâm Đồng (Phòng CSMT), hành vi buôn bán ma túy của đối tượng Phạm Đình Lân lâu nay là một cái gai nhức nhối, cần phải nhổ; nhưng cần phải chọn thời cơ chín mùi.
Mọi diễn biến, hành vi của Lân và đồng bọn đều được theo dõi, lọt vào tầm ngắm của lực lượng công an và được báo về Ban giám đốc công an tỉnh.
Đích thân Giám đốc Công an tỉnh – Thiếu tướng Bùi Văn Sơn và đồng chí Phó giám đốc, Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an tỉnh – Đại tá Vũ Nhân Khánh trực tiếp chỉ đạo, lưu ý lực lượng cảnh sát ma túy phải nhanh chóng triệt xóa, một cách cương quyết, triệt để, không khoan nhượng với tội phạm.
Ngày 28-12-2015, Phòng CSMT xác lập chuyên án trinh sát mang bí số 1215L, kế hoạch triệt phá băng nhóm tàng trữ, buôn bán ma túy do đối tượng Lân cầm đầu và được đồng chí Phó Giám đốc, Thủ trưởng cơ quan CSĐT phê duyệt. Vào trung tuần tháng 2-2017, nắm được nguồn tin, Lân chuẩn bị đưa một lượng lớn ma túy đá từ TP.HCM về Đà Lạt tiêu thụ.
Thời cơ đã đến, lãnh đạo Phòng CSMT đề xuất Ban Giám đốc công an tỉnh cho triển khai kế hoạch phá án.
Lúc 18 giờ 30 ngày 15-2-2017, Ban lãnh đạo Phòng CSMT triệu tập các trinh sát đến trụ sở làm việc, phân công các tổ công tác mỗi người vào vị trí, nhiệm vụ cụ thể rồi tiến hành ra quân. Mục tiêu bắt gọn gàng toàn bộ băng nhóm tội phạm.
Đến 20 giờ 15, trinh sát xác định đối tượng Lân vừa rời khỏi nhà trên chiếc xe ô tô hiệu Venza màu đen, BS: 49X - 8088, lập tức một mũi trinh sát bám theo.
Kế hoạch sẽ đón bắt Lân tại Đà Lạt, nhưng đối tượng chuyển hướng, điều khiển xe chạy rất nhanh lên đường cao tốc, hướng về H.Đức Trọng (Lâm Đồng). Đối tượng dừng xe trước một nhà hàng, sau đó lại chạy xe vòng về ngã ba Bồng Lai.
Lập tức mũi trinh sát 4 đồng chí tiến đến chiếc xe của Lân, khống chế, bắt anh ta trong sự ngỡ ngàng của kẻ buôn ma túy lọc lõi.
Hung khí thu giữ được từ vụ án - Ảnh: Tiến Dũng
Kiểm tra phương tiện, trinh sát phát hiện thu giữ tại ghế phụ phía trước có 5 gói ma túy tổng hợp dạng đá có trọng lượng 0,5kg. Lân thành khẩn khai báo, do nợ nần nhiều, đối tượng trực tiếp đi giao ma túy để lấy số tiền 500 triệu đồng.
Vì lượng tiền và ma túy lớn, đối tượng không tin tưởng giao cho đàn em nên trực tiếp đi, chẳng ngờ sa vào “lưới” của công an. Lân khai nhận, hiện trong nhà, dưới đầu giường của y còn có gói chứa 80 viên thuốc lắc.
Kết quả này được báo về chỉ huy Ban chuyên án. Thượng tá Đoàn Văn Bính – Trưởng phòng CSMT lúc này có mặt tại nhà đối tượng Lân, chỉ đạo thực hiện lệnh khám xét nhà. Căn phòng này được Lân gia cố đến 4 lớp cửa gỗ, sắt hàn kiên cố.
Các trinh sát phải dùng búa, kềm cộng lực phá cửa, mất khá nhiều thời gian mới mở được cửa ra. Khi lớp cửa cuối cùng bật mở, trinh sát phát hiện tại phòng vệ sinh nước vẫn còn xoáy xả, khả năng có hành vi tiêu hủy ma túy vừa diễn ra.
Trinh sát khám xét, nhưng số ma túy tổng hợp Lân khai báo đã “không cánh mà bay”. Nguyễn Cẩm Vân (SN 1990, vợ sắp cưới của Lân) chối phăng việc tiêu hủy ma túy.
Cùng thời điểm này, đồng loạt 6 mũi trinh sát khác được lệnh phong tỏa, bắt giữ 6 “tay chân” của Lân.
Trong số này có Trần Lệ Đài Trang (trú P.10, TP.Đà Lạt) và người tình của Trang là Nguyễn Tấn Lâm (1980, ở trọ trên đường Trần Khánh Dư, P.8, TP.Đà Lạt).
Cả hai bị bắt khẩn cấp tại 2 nơi. Khám xét trong túi quần bên phải của Trang, trinh sát thu được 1 gói ma túy đá và một gói khác giấu trong đầu tóc giả treo ở đầu giường ngủ và nhiều dụng cụ sử dụng trái phép chất ma túy.
Trang thừa nhận đưa cho người yêu là Nguyễn Tấn Lâm cất giấu khoảng 200g ma túy đá và 44 viên thuốc lắc.
Từ lời khai của Trang, trinh sát khám xét phòng trọ của Lâm, thu giữ 7 gói ni-lông chứa chất ma túy được giấu trong hộp giấy và 2 đôi giày. 44 viên thuốc lắc loại viên nén, hình tròn, màu trắng xanh được Lâm giấu trong đôi giày màu hồng và 20 ống thủy tinh dùng để sử dụng ma túy đá.
Hàng loạt tổ trinh sát tiến hành phong tỏa, vây bắt 4 đối tượng còn lại, gồm các tên: Phạm Ngọc Sang (SN 1995), Ngô Phong Hợp (SN 1988), Bùi Trung Thái (SN 1985), Tăng Bảo Thọ (SN 1983, đang trú ngụ tại các địa điểm khu An Bình, P.3, TP.Đà Lạt), khu Thái Phiên (P.12, TP.Đà Lạt) và các địa điểm tại các phường 2, 6 (TP.Đà Lạt).
Các đối tượng này đều là “mắc xích”, “đệ tử” đắc lực trong đường dây buôn bán ma túy do đối tượng Lân cầm đầu.
Chiếc xe ô tô đối tượng điều khiển đi giao ma túy và bị bắt - Ảnh: Ngọc Hà
Kết quả triệt phá chuyên án, cơ quan điều tra bắt giữ 8 đối tượng, thu giữ hơn 1,1kg ma túy các loại; thu giữ tại nhà Lân 5 khẩn súng giả...; thu tại nhà các “tay chân” của Lân 5 dao găm, 5 mã tấu, 2 rựa phát, 1 nỏ bắn tên sắt, 1 côn nhị khúc, 1 hộp quẹt hình lựu đạn... cùng nhiều tang vật liên quan.
Đối tượng có bị tâm thần?
Theo thượng tá Bính, việc triệt phá chuyên án tàng trữ, buôn bán ma túy với số lượng tương đối lớn do đối tượng Lân cầm đầu có nghĩa và bài học lớn.
Đối tượng Lân nghiện ma túy đã 10 năm. Hành vi tàng trữ, buôn bán ma túy mang tính chất chuyên nghiệp, lâu dài, gây bức xúc trên địa bàn.
Lợi dụng các mối quan hệ, Lân và đồng bọn tung tin thất thiệt, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan điều tra.
Sau khi bị bắt, đối tượng Lân thành khẩn khai báo, hợp tác tốt với cơ quan điều tra, không quanh co, chối tội, khai báo rành mạch. Mặc dù đối tượng buôn bán ma túy nhiều năm, số lượng tương đối lớn, nhưng khi bắt giữ đối tượng lại không thu được tiền.
Ngay lúc bắt, đồng chí trưởng phòng hỏi: “Buôn bán ma túy lớn như vậy, tiền để đâu?”. Lân khai: do Lân ham mê cờ bạc, cá độ bóng đá nên kiếm được bao nhiêu tiền cũng “đổ” vào đó hết.
Hiện Lân thua nợ đối tượng “giang hồ” Hùng “Bắc” gần 10 tỷ đồng; nợ 500 triệu đồng tiền ma túy với đối tác tại TP.HCM. Đối tượng từng có 2 tiền án, tiền sự về tội cố ý gây thương tích.
Cuối tháng 8-2017, cơ quan điều tra phối hợp Viện kiểm sát, Luật sư đã đến giai đoạn kết thúc điều tra vụ án.
Bất ngờ, bà L., mẹ Lân đưa ra cuốn sổ khám bệnh tâm thần của đối tượng Lân, tại một bệnh viện ở TP.HCM. Nội dung cuốn sổ thể hiện, từ tháng 3 đến tháng 8-2016, Lân đến đây khám bệnh tâm thần.
Tuy nhiên, từ đó tới nay, không thấy khám bệnh nữa. Phía bà L. yêu cầu các cơ quan chức năng cho con bà đi giám định tâm thần. Quan điểm của cơ quan điều tra, không giám định tâm thần, bởi đối tượng không có dấu hiệu bị tâm thần.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan đối với vụ án, ba cơ quan: Công an – Viện kiểm sát – Tòa án sau đó họp liên ngành, đưa ra vấn đề giám định tâm thần với đối tượng Lân.
Việc giám định này hiện được trưng cầu tại Bệnh viện tâm thần tại tỉnh Đắk Lắk.
Phía cơ quan điều tra cho biết, hiện đang chờ đang chờ thông báo về lộ trình, thủ tục, kinh phí giám định của cơ quan giám định, căn cứ vào kết quả này sẽ có bước xử lý tiếp theo với băng nhóm đối tượng Lân.
Đại tá Vũ Nhân Khánh – Phó giám đốc, Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng nêu quan điểm: Việc xử lý tội phạm về ma túy cần phải có bản lĩnh, cương quyết, mang tính triệt để, khách quan; không bao che, dung túng bởi đó là mầm mống của các loại tội phạm khác, gây phức tạp về tình hình an ninh trật tự xã hội.