Đức và Mỹ nằm trong số những quốc gia còn chần chừ trước lời kêu gọi của ông Zelensky về việc mời Ukraine gia nhập NATO ngay lập tức, theo bốn quan chức Mỹ và NATO.
Trong kế hoạch chiến thắng, Tổng thống Ukraine đề nghị được NATO mời gia nhập ngay lập tức, nhưng thừa nhận việc thực sự tham gia liên minh chỉ có thể thực hiện sau khi xung đột với Nga kết thúc.
Nhưng các thành viên chủ chốt của NATO đang lo ngại về việc bị sa lầy vào một cuộc chiến với Nga.
Trong một cuộc phỏng vấn với Politico , Đại sứ Mỹ tại NATO Julianne Smith đã nhấn mạnh lập trường của Washington. Bà cho biết: "Liên minh vẫn chưa sẵn sàng cung cấp tư cách thành viên hoặc mời Ukraine gia nhập".
Tổng thống Zelensky thừa nhận, rằng Thủ tướng Đức Olaf Scholz - một đồng minh lớn của Ukraine, với lượng vũ khí cung cấp cho Kiev chỉ đứng sau Mỹ - sẽ không ủng hộ việc Ukraine nhanh chóng gia nhập NATO.
"Tôi có mối quan hệ rất tốt với ngài Scholz. Tôi rất biết ơn vì ngài Scholz đã giúp đỡ. Đức đứng thứ hai về các khoản viện trợ", Tổng thống Zelensky nói hồi đầu tuần. "Nhưng thực tế là Đức hoài nghi về việc chúng ta gia nhập NATO. Tất cả chúng ta đều sẽ phải làm việc rất nhiều với Đức".
Theo Politico , ngoài Đức và Mỹ, còn nhiều quốc gia khác chưa ủng hộ Ukraine gia nhập NATO .
Hungary và Slovakia cũng phản đối. Lãnh đạo hai nước này nhìn chung có đường lối ủng hộ Điện Kremlin. Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã chặn các quỹ của Liên minh châu Âu ( EU ) được sử dụng để trang bị vũ khí cho Ukraine, và từ bỏ chương trình của NATO về việc gửi viện trợ sát thương cho Kiev.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội, ông Orban gọi kế hoạch chiến thắng của ông Zelensky là "hơn cả đáng sợ".
Thủ tướng Slovakia Robert Fico cũng cảnh báo vào đầu tháng này, rằng việc để Ukraine gia nhập NATO "sẽ có thể làm bùng phát cuộc chiến tranh thế giới thứ ba", và tuyên bố sẽ "không bao giờ đồng ý" với điều đó.
Cũng có một số quốc gia không muốn làm theo yêu cầu của Kiev, nhưng không nói thẳng.
"Các quốc gia như Bỉ, Slovenia hoặc Tây Ban Nha đang đứng phía sau Đức và Mỹ. Họ cũng miễn cưỡng", một quan chức NATO nói.
Quan chức khác cho biết, các quốc gia này "ủng hộ về mặt lý thuyết, nhưng khi nó chuẩn bị thành hiện thực, thì họ bắt đầu phản đối ý tưởng này một cách công khai hơn". Điều đó khiến họ bất đồng quan điểm với các quốc gia vùng Baltic và Ba Lan, vốn nhiệt tình hơn với Ukraine.
Ba Lan ủng hộ việc "mở ra viễn cảnh NATO cho Ukraine", Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk phát biểu trong hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU tuần trước. "Điều này không thay đổi. Về mặt này, chúng tôi đoàn kết với Ukraine".
Nhưng những quốc gia nhỏ hơn này đang phải nhường chỗ cho "mặt trận" thống nhất của Berlin và Washington.
Thủ tướng Scholz nói với các phóng viên trong chuyến thăm Berlin của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tuần trước: "Chúng tôi đang đảm bảo rằng NATO không trở thành một bên tham chiến, để cuộc chiến này không trở thành một thảm họa lớn hơn nhiều".
Tuy nhiên, các nguồn tin của Politico nhấn mạnh rằng cả Mỹ và Đức đều không loại trừ khả năng Ukraine gia nhập liên minh.
Quan điểm của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden là việc gia nhập NATO sẽ diễn ra sau khi xung đột với Nga kết thúc, nhưng không có mốc thời gian nào được vạch ra để tránh làm Mátxcơva tức giận.
Trong khi Mỹ là nguồn viện trợ quân sự hàng đầu cho Ukraine, thì chính quyền của Tổng thống Joe Biden cũng tin rằng hầu hết các nước châu Âu sẽ không ủng hộ động thái gia nhập NATO của Ukraine trong tương lai gần, theo một quan chức cấp cao của Mỹ. Bất kỳ lời mời gia nhập nào trong tương lai cũng sẽ gắn liền với các cải cách bắt buộc để chống tham nhũng ở Ukraine.
Nhà Trắng không bày tỏ sự ngạc nhiên trước khả năng ông Zelensky có thể tăng cường chiến dịch gây sức ép để có được cam kết về NATO trước cuộc bầu cử của Mỹ. Kiev lo ngại nếu ông Donald Trump thắng cử, ông sẽ cắt giảm mạnh viện trợ cho Ukraine.