Vừa qua, tại phần tiếp theo của chương trình The Jimmy Show, danh ca Khánh Ly đã nhắc lại một số kỷ niệm đáng nhớ trong sự nghiệp của mình. Trong đó, bà khiêm tốn tự nhận mình là người may mắn.
Thời điểm cô Thái Thanh sang Mỹ, tôi chỉ tặng một bộ đồ cho cô
Thời còn ở Sài Gòn, tôi có nhiều kỷ niệm với danh ca Thái Thanh lắm. Có lẽ, tôi là đứa nhỏ duy nhất mà cô Thái Thanh quý.
Cho đến sau này, cô Thái Thanh chính là ngọn hải đăng dọn đường cho tôi, nhưng tôi biết có đi mãi cũng không tới được. Tôi có theo ánh sáng đó cũng chẳng đi tới đâu vì Thái Thanh chỉ có một. Thái Thanh là Diva thực sự của Việt Nam cho đến tận bây giờ.
Khánh Ly và Thái Thanh
Sau này tôi sang Mỹ, còn cô Thái Thanh ở Việt Nam không đi hát nữa. Mãi đến năm 1985, cô Thái Thanh mới sang Mỹ định cư. Năm đó, chúng tôi có đứng ra tổ chức một đêm nhạc cho cô Thái Thanh và tôi làm MC chính.
Tôi nhớ, lúc đó chẳng có ai cả, nên tôi nhận làm MC luôn. Với lại, được lên giới thiệu cô Thái Thanh cũng khiến tôi sung sướng.
Thời điểm cô Thái Thanh qua Mỹ, tôi cũng đâu có gì cho cô đâu. Tôi chỉ tặng cô được một bộ đồ thôi, nhưng đó vẫn là điều đáng quý.
Tôi mới chỉ là đứa nhóc tỳ võ vẽ biết hát, nên rất run và sợ
Người ta thường hay nhắc về lần tôi được sang Osaka Nhật Bản để hát hồi trước 1975. Thực ra, thời điểm đó tôi không nổi tiếng đến độ người Nhật phải mời tôi sang hát. Chủ yếu lúc đó người Nhật mời ông Trịnh Công Sơn, ông không đi được nên mới giới thiệu tôi.
Khánh Ly hát tại Osaka
Tôi không đi một mình được, nên rủ ông Nguyễn Ánh 9 đi cùng để đàn dương cầm cho tôi hát, nhưng qua tới nơi thì ông ấy lại đánh guitar. Clip tôi đứng hát còn ông Nguyễn Ánh 9 đứng đàn phía sau vẫn còn trên mạng.
Thực ra, đàn guitar thì ở Việt Nam thiếu gì người, nhưng tôi vẫn muốn đưa ông Nguyễn Ánh 9 sang cùng vì là bạn mình.
Sang đến Nhật, tôi mới biết người Nhật giỏi lắm, còn tôi mới chỉ là đứa nhóc tỳ võ vẽ biết hát. Bởi vậy nên tôi rất run và sợ. Nhưng tôi cứ kệ, mở miệng ra hát được thì sẽ lấy bình tĩnh lại được.
Về cá nhân, tôi thấy người Nhật hòa âm nhạc Trịnh vô cùng tuyệt vời, đến Mỹ cũng không bằng. Tôi nhớ, lúc thu âm Ca dao mẹ bên Nhật, tôi phải thu cả ngày, thu đi thu lại nhiều lần cho người Nhật lựa chọn.
Tới đêm muộn, tôi bảo họ cho tôi nghỉ vì mệt quá, hát không nổi. Họ nói không được vì đêm mới là lúc hát hay. Tôi không thể hiểu nổi vì sao họ lại nghĩ thế.
Khánh Ly được người Nhật phỏng vấn
Đến khi về nhà, tôi mới nhận ra, một bà mẹ ru con phải ru lúc nửa đêm để có cái giọng khàn khàn buồn ngủ, không thể ru với giọng sang sảng được. Người Nhật tinh tế ở chỗ đó.
Đúng, tôi ngu thật, và tôi hưởng thái bình vì tôi ngu
Tôi khá có duyên với người Nhật, năm 1986, người Nhật lại tiếp tục mời tôi qua dự buổi Dân nhạc Á châu gồm Hong Kong, Philipphines, Thái Lan, Hàn Quốc… Riêng Việt Nam chỉ có mình tôi. Lần đó vui lắm, chỉ có điều, vừa đặt chân tới sân bay, tôi bị cách ly. Chồng tôi bị đưa đi một nơi, tôi một nơi.
Tới năm 1997, đài NHK trực tiếp đưa người qua Mỹ đề nghị làm hẳn một bộ phim riêng về tôi.
Lúc đó, tôi có ngó qua danh sách những người được họ dựng thành phim và sợ hết hồn vì toàn nhân vật tầm cỡ như tổng thống Nelson Mandela, mẹ Teresa, Đức giáo hoàng… Họ toàn người nổi tiếng, trong khi tôi chẳng là gì cả.
Một cảnh trong phim về Khánh Ly
Tôi tự thấy mình so với họ không bằng con sâu đất, nên không có chút tự tin nào. Tôi vẫn sung sướng, hãnh diện, nhưng giấu trong lòng. Tôi cứ để cho tới đâu hay tới đó.
Ekip người Nhật sang ở một khách sạn gần nhà tôi. Họ đi theo tôi mỗi ngày để quay lại cuộc sống, công việc của tôi. Rồi họ lại về Việt Nam quay ông Trịnh Công Sơn.
Mãi sau này, tôi mới nhận thấy, những điều bất ngờ, niềm vui đến với mình như thế không phải nhờ tài năng mà nhờ may mắn.
Có nhiều người tài lắm, nhưng số không cho thì không được. Tôi chẳng có tài gì cả, nhưng lại may mắn. Ca sĩ Ngọc Minh còn hay nói tôi "mày ngu lắm". Đúng, tôi ngu thật, và tôi hưởng thái bình vì tôi ngu.
Bởi vậy, tôi không hề buồn khi bị xem là ngu. Cái này là tôi nói thật lòng.