Hàng loạt thú cưng bị đánh bả
Đến hôm nay, anh Dương ở quận Ba Đình, Hà Nội chưa hết bàng hoàng khi đàn chó cưng của gia đình bị kẻ xấu đánh bả chết tức tưởi.
Theo lời kể, tối 28-8, khi đi làm về anh thấy đàn chó nằm im thay vì như mọi ngày chúng đều chạy ra tận cổng vẫy đuôi.
Lại gần kiểm tra, anh hoảng hốt thấy ba chó con đã chết, chó mẹ Lucy đang cố gượng cất lên tiếng kêu yếu ớt. Dù tức tốc được đưa đi cấp cứu nhưng Lucy vẫn không qua khỏi.
“Lucy đã gắn bó với gia đình tôi hơn năm năm, bầy chó con mới bốn tháng tuổi, rất đáng thương. Tôi nuôi chó trong sân nhà, chúng rất ngoan, không biết vì sao bị đầu độc như vậy. Tôi rất muốn kẻ xấu bị bắt để trừng phạt theo pháp luật” - anh Dương bức xúc.
Mới đây, tại phường Thảo Điền (quận 2, TP.HCM) hàng loạt chó nuôi cũng bị đánh bả chết. Người đưa ra thông tin là anh Fernando Ruizbo (quốc tịch Colombia), đang sinh sống tại đây. Anh đã lên Facebook cá nhân kể về chú chó Sophia của mình và tám chú chó, một chú mèo ở các đường số 2, 3, 4, 5 bị đầu độc.
Quá bức xúc, ngày 27-8, nhiều chủ nuôi đã ký tên vào đơn kiến nghị, trình lên công an phường tìm sự giúp đỡ.
Giết chó có thể đi tù
Nhiều chủ nuôi xem con chó của mình như một thành viên trong gia đình và chó được xem là một tài sản của người nuôi.
Theo luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, trường hợp người đánh bả với mục đích chiếm đoạt con chó thì có thể bị xử lý về tội trộm cắp tài sản (Điều 138 BLHS).
Theo đó, nếu giá trị con chó chưa đến 2 triệu đồng thì người vi phạm sẽ bị phạt tiền 1-2 triệu đồng theo quy định tại Điều 15 Nghị định 167/2013 về hành vi trộm cắp tài sản.
Nếu những con chó có giá trị từ 2 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng người đánh bả gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì sẽ bị xử lý hình sự, khung hình phạt nhẹ nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm, cao nhất là chung thân.
Trường hợp đánh bả với mục đích làm chết chó thì có thể bị xử lý về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác theo Điều 143 BLHS. Nếu giá trị chó bị chết chưa đến 2 triệu đồng thì người vi phạm bị phạt tiền 2-5 triệu đồng theo quy định tại Điều 15 Nghị định 167/2013 về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác.
Nếu giá trị những con chó từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị khép vào tội danh này.
Khung hình phạt thấp nhất tội danh này là cải tạo không giam giữ đến ba năm, cao nhất là tù chung thân.
Với cả hai trường hợp nêu trên, người vi phạm ngoài việc bị xử lý hành chính hoặc hình sự thì còn phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.
Giá chó cảnh khác chó lấy thịt
Trước đây, Công an thị xã Bến Cát (Bình Dương) từng xử lý vụ cặp vợ chồng dùng bả độc để trộm chó. Kết quả giám định tổng trọng lượng ba con chó là 37,5 kg, trị giá hơn 2 triệu đồng. Như vậy, xác định giá trị thiệt hại dựa trên giá mỗi ký chó là 70.000 đồng.
Nguyên tắc định giá là xác định trên cơ sở giá thị trường của chủng loại tài sản nơi xảy ra thiệt hại. Ví dụ, chó bị đánh bả chết ở nơi khác rồi đem vào TP.HCM tiêu thụ nhưng lấy giá thịt chó tại TP.HCM để xác định giá trị thiệt hại là không thể, gây bất lợi cho bị can, bị cáo. Mặt khác, nếu chó bị đánh bả là loại chó quý có giá trị mua bán thực tế cao khi còn sống mà lại áp dụng giá chó nuôi lấy thịt thì cũng không ổn.
Theo tôi, chỉ nên áp dụng tính giá chó thịt trong trường hợp đối tượng được định giá là chó nuôi có mục đích rõ ràng dùng để bán, lấy thịt. Còn với chó quý thì phải định giá theo từng chủng loại lúc chó còn sống để đảm bảo quyền lợi cho chủ chó, đảm bảo tính răn đe. Hội đồng định giá cần xem xét đầy đủ các yếu tố có liên quan, căn cứ vào Luật Giá năm 2012 về "phương pháp định giá" chứ không chỉ dựa vào việc "khảo sát giá". ThS-luật gia
ĐỒNG MẠNH HÙNG