Chuyện của 17 năm trước
Khoảng năm 2000 nói đến Kiatisak, cả Đông Nam Á ai chẳng biết. Zico Thái là chân sút mà đội bóng nào trong khu vực cũng muốn có. Nhưng lúc ấy, đến cả Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cũng chẳng dám mơ chứ đừng nói gì đến các đội bóng đang thi đấu ở V-League, và càng không thể nói đến HAGL, một cái tên vô danh ở tận núi rừng Tây Nguyên đang chơi ở giải hạng Nhất.
Thế mà bầu Đức nghĩ khác. Ông quyết “bắt” bằng được Kiatisak.
Bầu Đức đưa Kiatisak đến Việt Nam năm 2002.
Đúng là suy nghĩ cầu bầu Đức vượt ra khỏi tưởng tượng của nhiều người nên khi ý tưởng vừa mở ra, ông chủ Gỗ đã gặp phải sự chỉ trích lớn.
“Báo chí vào cuộc rầm rộ, nghĩ tôi "nổ" để PR, chính quyền địa phương cũng không ngớt lời khuyên ngăn. Họ nói là tôi chơi ngông”, ông Đức kể.
Gạt mọi dư luận, đàm tiếu sang một bên, bằng sự “lỳ lợm” và độ chịu chơi của mình, bầu Đức đã khiến Zico Thái xiêu lòng. Và ngay khi Kiatsak quyết định đến HAGL, báo chí Thái Lan cũng đồng loạt lên tiếng. Họ phản đối kịch liệt, bởi việc một cầu thủ đang là tượng đài sống của bóng đá xứ Chùa Vàng như Kiatisak sao có thể sang thi đấu cho một đội bóng hạng Nhất ở Việt Nam? Đó là điều không thể chấp nhận!
“Hoàng Anh là ai? Gia Lai ở đâu?” là những dòng “tít” đầy nhạo báng trên các mặt báo Thái Lan hồi đó. Nhưng người Thái càng ngạo nghễ bao nhiêu, sự tự tôn dân tộc càng dâng lên trong lòng bầu Đức.
Chuyện của hôm nay
8 năm trước cũng ở phố Núi, một cầu thủ Việt Kiều da trắng, thư sinh, lặn lội từ Nga trở về quê cha, gõ cửa đội bóng của bầu Đức xin thử việc mà tiếng Việt nói còn chưa sõi. Cầu thủ ấy có tên Đặng Văn Lâm.
Văn Lâm khi còn học việc ở HAGL.
Suốt 2 năm sau đó ở phố Núi, Lâm “tây” đúng chỉ là học việc và rồi phải đi “biệt phái” sang Lào thi đấu cho Hoàng Anh Attapeu. Đến lúc về nước lại bị HAGL lại đem cho TP HCM ở giải hạng Nhất mượn.
Quá chán nản và thất vọng, Lâm ‘tây” đành trở lại nước Nga.
Trong lá thư bà Jukova Olga – mẹ Đặng Văn Lâm viết sau ngày con trai vô địch AFF Cup 2018 có đoạn kể: “Không ai lội 2 lần trên 1 dòng sông. Vậy mà con đã lội 2 lần”.
Lần đầu của Lâm chính là hành trình trở về đầy trở ngại kể trên. Và lần thứ 2 là quyết định quay lại Việt Nam vào năm 2015 để đầu quân cho Hải Phòng cùng lá thư xin thử việc ở đội tuyển U23 Việt Nam gửi HLV Miura.
“Khi ấy con đã trưởng thành và chuyên nghiệp. Hãy bơi đi con trai! Mẹ ủng hộ con!” – bà Jukova Olga viết.
3 năm qua, Lâm đã bơi một mạch không ngừng nghỉ để rồi được triệu tập lên đội tuyển Việt Nam thời HLV Hữu Thắng, trở thành người gác đền số 1 của “Rồng Vàng” thời HLV Park Hang Seo và trở thành nhà vô địch Đông Nam Á không ai cản nổi.
Thủ thành Đặng Văn Lâm cùng đồng đội ra sân trong trận chung kết lượt về AFF Cup 2018.
Chưa dừng lại, hôm qua, Văn Lâm trở thành thủ môn đầu tiên của Việt Nam đến Thái League thi đấu cho “gã nhà giàu” Muangthong United.
Kể đến đây thì nghĩa là chuyện của hôm nay, sau 8 năm, một đội bóng danh tiếng bên Thái Lan đã phải tìm đến và mua lại hợp đồng của cầu thủ từng bị cho mượn không tiếc rẻ ở HAGL.
Nghĩa là chuyện của hôm nay, sau 17 năm đã có một hành trình ngược lại giữa bóng đá Việt Nam và Thái Lan. Một cầu thủ từng học việc ở đội bóng nhà bầu Đức bây giờ lại đặt chân tới Thái League với trống giong cờ mở chẳng khác nào Kiatisak đến phố Núi năm xưa.
Và những điều kể trên còn có nghĩa là bóng đá Việt Nam đã ở một tầm cao mới. Dẫu biết, V-League có thể còn kém Thái League 1 bậc nhưng cầu thủ của ta đã có giá chắng kém một chút nào.
Vậy nên, những Văn Lâm, Công Phượng, Xuân Trường, Quang Hải và rất nhiều cầu thủ khác… cứ tự tin mà xuất ngoại thôi!