Đằng sau xu hướng làm việc “lazy girl job” được người trẻ yêu thích và theo đuổi

Quỳnh Trang |

Chủ nhân của thuật ngữ này đang khuyến khích người trẻ tuổi - cả nam và nữ - sống một cuộc đời có ý nghĩa mỗi ngày thay vì chỉ được “xả hơi” vào cuối tuần hoặc một ngày nào đó trong tương lai.

Trong thời gian gần đây, mạng xã hội đang lan truyền một thuật ngữ dùng để mô tả một loại công việc cho phép người trẻ đạt được mục tiêu cân bằng giữa công việc và cuộc sống, đó là thuật ngữ “lazy girl job” (tạm dịch: Công việc của những cô gái lười biếng).

Không ít người trẻ thuộc thế hệ Gen Z đã bày tỏ thái độ đồng tình và sự quan tâm đối với xu hướng này, đặc biệt là ở Mỹ. Điều này phù hợp với xu hướng hối hả tại quốc gia này, nơi người trẻ tuổi cảm thấy họ cần phải làm việc quần quật để đạt được thành công.

Đằng sau xu hướng làm việc “lazy girl job” được người trẻ yêu thích và theo đuổi - Ảnh 1.

Những công việc có thể làm từ xa, linh hoạt về thời gian được xem là thuộc nhóm "lazy girl job"

Dưới sự áp lực đó, các thành viên Gen Z - thế hệ mà những người lớn tuổi nhất cũng chỉ ở độ tuổi giữa 20 và đang tham gia vào lực lượng lao động - đã tự sáng tạo ra xu hướng này. Trên thực tế, hashtag liên quan đến cụm từ “lazy girl job” đã thu hút gần 18 triệu lượt xem trên các phương tiện truyền thông xã hội. Theo các chuyên gia, ảnh hưởng của thuật ngữ này có khả năng khiến nhiều người trẻ mất niềm tin vào quan điểm của thế hệ cũ rằng làm việc cật lực là cách duy nhất để thành công.

Suzy Welch, giáo sư thực hành quản lý tại Trường Kinh doanh Stern của NYU và là cố vấn cấp cao cho các tập đoàn tại Brunswick Group, cho biết: “Người trẻ không tin rằng cứ làm việc ổn định sẽ giúp họ thành công. Họ thường nói: Tôi sẽ không trì hoãn niềm vui hiện tại chỉ để chờ đợi một sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống”.

“Lazy girl job” không có nghĩa là lười biếng

Khác với tên gọi của mình, những người theo đuổi nhóm công việc “lazy girl job” không thực sự là một nhân viên lười biếng.

Gabrielle Judge, người tuyên bố đã đặt ra thuật ngữ này, cho biết: “Thuật ngữ này không có ý mỉa mai phụ nữ, ám chỉ họ lười biếng hay gàn dở trong công việc. Chỉ đơn giản là công việc này sẽ giúp bạn thanh toán các hóa đơn, đồng thời cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Điều này sẽ mang lại cho bạn cảm giác giống như bản thân đang lười biếng vậy”.

Đằng sau xu hướng làm việc “lazy girl job” được người trẻ yêu thích và theo đuổi - Ảnh 2.

Chỉ 23% người lao động đang thực sự gắn bó với công việc của mình

Trên thực tế, lực lượng lao động đang dần trở nên kiệt sức trước khối lượng công việc to lớn của họ. Theo một cuộc khảo sát gần đây của Gallup được tiến hành đối với người lao động trên toàn cầu, chỉ 23% người lao động cho biết họ "gắn bó" với công việc vào năm 2022. Trong khi phần còn lại - 77% - cho biết họ đang làm việc ở mức tối thiểu và dần dần từ bỏ công việc trong yên lặng, hoặc xin thôi việc một cách công khai và gây ra các cuộc tranh cãi.

Vậy “lazy girl job” thực sự là công việc gì?

Chủ nhân của thuật ngữ này đang khuyến khích người trẻ tuổi - cả nam và nữ - sống một cuộc đời có ý nghĩa mỗi ngày thay vì chỉ được “xả hơi” vào cuối tuần hoặc một ngày nào đó trong tương lai.

Theo Judge, một số công việc thuộc nhóm “lazy girl job” có thể kể đến như nhân viên kỹ thuật tại công ty công nghệ, liên kết tiếp thị. Đối với vai trò nhân viên kỹ thuật, người lao động có thể được trả mức lương từ 60.000 đến 80.000 USD một năm, đồng thời có thể làm việc từ xa và giờ giấc linh hoạt. Còn đối với vai trò liên kết tiếp thị, người lao động cũng có thể làm việc tại nhà mà không cần phải đến trực tiếp công ty.

Những công việc có tính chất như thế này cho phép người lao động trang trải mức sinh hoạt phí cơ bản, đồng thời cân bằng các nhiệm vụ trong cuộc sống như chăm lo nhà cửa, con nhỏ.

Tác giả của thuật ngữ đã cố tình chọn từ “lazy” (lười biếng) nhằm mô tả trạng thái trái ngược với sự hối hả của môi trường công việc truyền thống. Cô cũng nhấn mạnh rằng điều này không có nghĩa rằng những người làm công việc thuộc nhóm này là những người không có động lực hoặc không làm việc chăm chỉ.

Đằng sau xu hướng làm việc “lazy girl job” được người trẻ yêu thích và theo đuổi - Ảnh 3.

"Lazy" nhưng không có nghĩa là lười biếng

Rõ ràng, quan điểm này phù hợp với đối tượng là những người trẻ tuổi hơn là những người đã có nhiều kinh nghiệm trong một nghề nghiệp cố định. Giáo sư Suzy Welch cho biết: “Có một sự khác biệt lớn về quan điểm công việc giữa những ông chủ của thế hệ 7x, 8x với những nhân viên trẻ trung của Gen Z”.

Sự đối lập này đến từ việc những người làm ở vị trí quản lý đã dành nhiều năm sự nghiệp để đạt được thành tựu hiện tại - vị trí mà ít người trẻ có thể đạt được. Vì vậy, kinh nghiệm của chính bản thân đã nói với họ rằng chỉ khi bạn kiên định với công việc cụ thể, bạn mới có thể nhận được phần thưởng xứng đáng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại