Viên nang bị mất ở Australia có kích thước 8 mm x 6 mm, nhỏ hơn đồng xu. Ảnh: CNN
Cả ba vật thể trên đều chứa chất phóng xạ và đã biến mất khỏi cơ sở lưu trữ trong vòng ba tháng qua. Các chuyên gia nói rằng đây là một sự trùng hợp cực kỳ hiếm gặp, song cũng đặt ra câu hỏi về tính an toàn của chúng.
Các vật thể chứa phóng xạ biến mất sẽ gây nguy hiểm thế nào?
Việc này chủ yếu phụ thuộc vào loại đồng vị phóng xạ trong thiết bị và liệu lớp vỏ bảo vệ của nó còn nguyên vẹn hay bị mở ra với môi trường ngoài.
Ngày 13/3, Bộ Y tế Mỹ thông báo một chiếc máy ảnh công nghiệp chứa chất phóng xạ đã biến mất khỏi nhà máy ở Houston, Texas. Thiết bị này nặng 24kg, chứa chất phóng xạ bên trong một hộp kín và có ký hiệu cảnh báo chất phóng xạ.
Theo các chuyên gia, nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ từ chiếc máy ảnh bị mất tích ở Texas là rất thấp, đặc biệt là do chất phóng xạ được bọc bởi nhiều lớp bảo vệ.
Nhưng viên nang ở Australia (biến mất tháng 1) và ống thép ở Thái Lan (biến mất tháng 3) lại chứa Caesium-137, một chất phóng xạ mạnh có khả năng gây chết người.
Các chuyên gia cảnh báo rằng Caesium-137 có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho những người tiếp xúc với nó: bỏng da, nhiễm độc phóng xạ và nguy cơ ung thư.
Caesium-137 có chu kỳ bán rã khoảng 30 năm, có nghĩa là nó có thể gây rủi ro cho người dân trong nhiều thập kỷ tới, nếu không được tìm thấy.
Nguy cơ chất phóng xạ xuất hiện ở một khu vực không xác định trong một khoảng thời gian không xác định là mối quan tâm đặc biệt trong trường hợp ở Australia vì viên nang phóng xạ này bị rơi trên một đoạn đường cao tốc rộng lớn nằm giữa sa mạc và không được bọc trong lớp bảo vệ.
Nó được phát hiện sau một tìm kiếm được ví như mò kim đáy bể, xoa dịu nỗi lo sợ rằng mọi người có thể vô tình tiếp xúc với bức xạ.
"Nếu mọi người vô tình tiếp xúc với phóng xạ, ảnh hưởng sức khỏe sẽ phụ thuộc vào cường độ phóng xạ. Nếu nồng độ cao, dấu hiệu đầu tiên chúng ta sẽ thấy là kích ứng da",ông Pennapa Kanchana, Phó Tổng thư ký Văn phòng Nguyên tử vì Hòa bình (OAP), nói với CNN.
Các chuyên gia đề xuất rằng cường độ phóng xạ đối với ống thép bị mất tích ở Thái Lan sẽ bị cản trở một chút bởi lớp vỏ bảo vệ xung quanh nguồn phóng xạ.
"Dường như 100% nó được đặt trong hộp được lót chì nên an toàn hơn một chút so với một nguồn mở nằm ngay trên đường. Rủi ro chỉ xảy ra nếu nguồn cesium bị tách ra khỏi vỏ", chuyên gia Kanchana nói.
Ống thép chứa Caesium-137 trước khi bị thất lạc khỏi nhà máy điện ở tỉnh Prachinburi, Thái Lan. Ảnh: Bangkok Post
Nhưng mối lo ngại đó giờ đây có lẽ đã trở thành hiện thực.
Vài ngày sau khi ống thép chứa phóng xạ bị mất tích khỏi một nhà máy điện than ở Thái Lan, các nhà chức trách đã phát hiện ra chất caesium-137 từ bụi sắt trong một lò luyện kim tại một nhà máy nấu chảy sắt cách nhà máy khoảng 10 km. Họ vẫn đang điều tra xem liệu xi lanh bị mất có được đưa đến nhà máy này hay không và liệu chất cesium được phát hiện có phải từ ống thép biến mất hay không. Đây không phải là lần đầu tiên sự việc như thế này xảy ra ở Thái Lan.
Năm 2000, hai người gom phế liệu ở Thái Lan đã mua được các hộp chứa đồng vị phóng xạ coban-60. Họ đã mang chúng đến một bãi phế liệu và cắt ra.
Báo cáo cho biết một số công nhân bị bỏng da, và cuối cùng có 3 người chết và 7 người khác bị thương do phóng xạ. Gần 2.000 người khác sống gần đó đã bị nhiễm phóng xạ.
Nhưng ông Pennapa cho biết chiếc ống bị mất tích chứa ít phóng xạ hơn so với chiếc hộp gây ra sự cố năm 2000.
Sự cố này có xảy ra thường xuyên không?
Ba vật thể phóng xạ bị mất tích trong một khoảng thời gian ngắn như vậy đã làm dấy lên mối lo ngại lớn về tính an toàn, nhưng các chuyên gia khẳng định tần suất của các sự cố gần đây là hiếm gặp.
"Tôi nghĩ rằng đó dường như là một sự trùng hợp bất ngờ", Tổng giám đốc Lauren Steen tại công ty tư vấn quản lý phóng xạ Radiation Services WA tại Australia nhận xét.
Trong 15 năm làm việc trong lĩnh vực quản lý phóng xạ, bà Steen nói với CNN rằng bà chưa từng nghe thấy sự cố mất tích vật thể chứa phóng xạ cho đến năm nay.
"Thành thật mà nói, tôi bị sốc. Trong tất cả những năm làm việc về an toàn phóng xạ, tôi chưa bao giờ gặp phải những tình huống này", bà chia sẻ.
Những nguồn phóng xạ này được sử dụng để làm gì?
Các nguồn phóng xạ được sử dụng phổ biến hơn so với hình dung của hầu hết mọi người.
Bà Lauren Steen cho biết hàng trăm nghìn nguồn phóng xạ đã được sử dụng và vận chuyển mà không gặp vấn đề gì mỗi ngày.
Vật liệu phóng xạ có nhiều ứng dụng trong công nghiệp, chẳng hạn như ống thép bị mất ở Thái Lan dùng để đo lượng tro tại một nhà máy điện than.
Theo Cơ quan An ninh Hạt nhân Quốc gia, trong xây dựng, máy chụp ảnh phóng xạ, giống như chiếc bị mất tích ở Mỹ, có thể được sử dụng để kiểm tra tính toàn vẹn của tàu, đường ống và các không gian nhỏ khác.
Chất phóng xạ cũng có thể được tìm thấy trong các máy kiểm tra đất. Ví dụ, viên nang bị mất tích ở Australia được dùng trong máy đo mật độ đất của công ty khai thác mỏ Rio Tinto.
Ngoài ra, các chất phóng xạ được sử dụng trong bệnh viện để chẩn đoán và điều trị các loại ung thư khác nhau hoặc để khử trùng máu.