Phát biểu với tờ nhật báo Al-Watan thân Chính phủ của Syria, Đại sứ Trung Quốc tại Damascus, Qi Qianjin, cho biết quân đội Trung Quốc sẵn sàng tham gia "theo cách nào đó" cùng quân đội Syria ở thành phố Idlib cũng như ở các khu vực khác của Syria.
Tùy viên quân sự Trung Quốc Wong Roy Chang trong một tuyên bố tương tự gửi nhật báo Al-Watan cũng cho rằng hợp tác quân sự "đang diễn ra" giữa 2 nước.
"Chúng tôi, Trung Quốc, mong muốn phát triển quan hệ với quân đội Syria. Để tham gia vào chiến dịch ở Idlib cần có một quyết định chính trị", ông Chang cho biết.
Tuần trước, chính quyền Tổng thống Assad và lực lượng dân quân bắt đầu xây lực lượng ở Idlib và đẩy mạnh triển khai quân sự, điều động hàng chục binh lính, xe tăng, xe bọc thép và các bệ phóng tên lửa.
Phe nổi dậy Syria muốn biến Idlib từ một vùng giảm leo thang thành khu vực ngừng bắn vĩnh viễn. Idlib là vấn đề hàng đầu trong hội nghị Astana về Syria, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì ngừng bắn trong khu vực.
Lý do Trung Quốc can dự sâu vào Syria
Trung Quốc đang ngày càng tăng cường can dự vào Syria. Với Bắc Kinh, đất nước Syria tơi tả bởi chiến tranh là cơ hội vàng cho ngành kinh doanh tái thiết xây dựng. Còn với Damascus, thịnh vượng đồng nghĩa với hoà bình.
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, tổn thất do chiến tranh đối với cơ sở hạ tầng của Syria lên tới ít nhất 250 tỉ USD. Và Trung Quốc có thể là đối tác lý tưởng để tái thiết quốc gia này.
Hồi năm ngoái, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Syria Walid Muallem đã cùng thảo luận về viễn cảnh tái thiết Syria thông qua mối quan hệ đối tác giữa hai nước.
Các công ty Trung Quốc được cho là đang xếp hàng chờ trúng thầu những hợp đồng tái thiết các thị trấn, làng mạc, đường sá, cầu cống, trường học, bệnh viện, mạng lưới viễn thông bị tàn phá sau gần 7 năm chiến tranh loạn lạc tại Syria.
Trong khi Nga, Iran, Mỹ và nhiều quốc gia góp sức trong cuộc nội chiến ở Syria để đưa đến chiến thắng trong cuộc chiến chống khủng bố thì Trung Quốc được xem là nhân tố quan trọng góp phần mang đến thắng lợi trong hoà bình.
Sự can dự của Trung Quốc tại Syria trùng khớp hoàn hảo với đại chiến lược toàn cầu “Một vành đai, một con đường” của nước này. Vị trí của Syria vẫn nằm trên ngã ba đường chiến lược giữa châu Á, Âu, Phi và chưa bao giờ kém quan trọng.
Theo Azeem Ibrahim, chuyên gia viện Nghiên cứu Chiến lược (Anh), nhận định: Trung Quốc từ lâu đã là nhà cung cấp vũ khí cho chính quyền Assad và hai bên nhìn chung đã có mối quan hệ thân thiện như trong thời Chiến tranh Lạnh. Trên thực tế, bước tiến mới này không phải là sự thay đổi về bản chất của quan hệ song phương.
Người ta cũng có thể phỏng đoán rằng, Nga và Trung Quốc đang phối hợp nhịp nhàng, nhưng kín đáo, nhằm theo đuổi hoà bình tại Syria.
Quyền lực quân sự của Nga đã đóng vai trò then chốt trong việc kết thúc bạo lực tại Syria. Nhưng lúc này mới là lúc Trung Quốc gánh lấy vai trò xây dựng nền hoà bình lâu dài và ổn định hơn thông qua các kế hoạch tái thiết và vực dậy kinh tế.
Về phần mình, mang hoà bình đến cho Syria là hòn đá tảng trong các kế hoạch phát triển kinh tế toàn cầu mà Trung Quốc và Nga đang ủng hộ, trải dài xuyên lục địa từ Vladivostok tới Lisbon, xuống tới Trung Đông và châu Phi.