Thủ tướng Anh Boris Johnson trong chuyến thăm Ấn Độ. (Nguồn: India Today)
Cam kết này được Thủ tướng Anh Boris Johnson đưa ra khi ông thăm Ấn Độ vào tuần trước. Trong chuyến thăm, các nhà lãnh đạo 2 nước tái khẳng định cam kết hợp tác trong vấn đề quốc phòng và an ninh. Thông tin chi tiết về sự hợp tác không được công bố, nhưng trang Defense News của Mỹ đưa tin, điều này có thể liên quan đến Chương trình chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 tương lai mang tên Tempest của Anh.
Bên cạnh đó, Anh sẽ cấp giấy phép xuất khẩu chung cho Ấn Độ để rút ngắn thời gian chuyển giao các mặt hàng quốc phòng. Đây là lần đầu tiên, việc cấp phép như vậy được mở rộng sang một quốc gia bên ngoài Liên minh châu Âu và Mỹ.
“Hệ thống giấy phép chung sẽ tăng cường đáng kể khả năng tiếp cận của Ấn Độ đối với vũ khí và các công nghệ liên quan của Anh”, ông Raja Mohan, Giám đốc của Viện Nghiên cứu Nam Á tại Đại học Quốc gia Singapore nhận định.
Chương trình Tempest được ra mắt vào năm 2018, nhằm mục đích phát triển các máy bay chiến đấu tàng hình có người lái. Khoản tài trợ ban đầu trị giá 2 tỷ bảng Anh (2,6 tỷ USD) do Anh và các tập đoàn hàng không vũ trụ khác tham gia phân bổ.
Công ty dẫn đầu dự án này là BAE Systems có trụ sở tại Anh. Tập đoàn Rolls-Royce sẽ tham gia sản xuất động cơ, MBDA - nhà phát triển tên lửa châu Âu sẽ tham gia tích hợp vũ khí, còn tập đoàn Leonardo của Italy chịu trách nhiệm phát triển hệ thống điện tử và cảm biến hàng không.
Các nguồn tin cho biết, loại máy bay mới là máy bay chiến đấu tàng hình một chỗ ngồi, hai động cơ, cánh tam giác với 2 bộ ổn định dạng đứng có thể thu gọn, gập phẳng vào cánh, giống như chiến đấu cơ F-22 của Mỹ.
Máy bay được cho là có khả năng triển khai và kiểm soát các phi đội UAV, có thể mang vũ khí năng lượng định hướng hoặc vũ khí siêu thanh, tùy chọn khả năng điều khiển (optionally manned).
Rolls-Royce cho biết, máy bay sẽ được chế tạo bằng vật liệu composite nhẹ, có tầm bay lớn hơn và mang được nhiều vũ khí hơn so với máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35 của Mỹ.
Anh đi trước một bước so với Mỹ
Giới phân tích cho rằng, Anh đã đi trước Mỹ một bước trong việc xây dựng quan hệ thân thiết hơn với Ấn Độ. Khi các bộ trưởng ngoại giao, bộ tưởng quốc phòng của Mỹ và Ấn Độ gặp nhau tại Washington hồi đầu tháng 4/2022, không có cuộc thảo luận nào về việc chuyển giao công nghệ vũ khí. Hai bên chỉ cam kết tạo “khuôn khổ để thúc đẩy hợp tác” trong những lĩnh vực công nghệ quan trọng và mới nổi - chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và chất bán dẫn.
Bruce Bennett, nhà nghiên cứu quốc phòng tại Tổ chức RAND có trụ sở ở California, cho rằng: “Mỹ thời gian gần đây mới bắt đầu chú ý đến việc Nga và Trung Quốc sử dụng đòn bẩy kinh tế cho các mục đích chính trị”.
Ông Bruce Bennett lưu ý: “Nếu Washington thực sự chú trọng đến việc giúp đỡ các đồng minh và đối tác, họ có thể làm như vậy. Nhưng Nga và Trung Quốc đã xây dựng sự phụ thuộc trong nhiều thế kỷ. Vì thế, việc chuyển hướng sẽ không xảy ra trong một vài tháng hoặc vài năm”.
Mặc dù Ấn Độ sẽ không dễ dàng từ bỏ quan hệ với Nga, nhưng động thái của Anh có thể khiến sự hợp tác chiến lược giữa New Delhi với phương Tây phát triển nhanh hơn. Giống như Mỹ, Anh mong muốn Ấn độ giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga và muốn kéo New Delhi xích lại gần phương Tây hơn, ông Raja Mohan lưu ý.
Có thực sự khả thi?
Chuyên gia quốc phòng Ấn Độ Pravin Sawhney đã phản đối đề xuất của Anh, cho rằng đề xuất này không hữu ích. “Ấn Độ có quá nhiều loại máy bay chiến đấu. Hơn nữa cũng có những giới hạn nhất định về công nghệ mà Anh có thể chuyển giao. Tổng thống Putin không có những giới hạn như vậy. Nga vẫn là thị trường duy nhất cung cấp các vũ khí đa dạng cho Ấn Độ”.
Ấn Độ là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong ít nhất một thập kỷ qua. Nước này đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung cấp và đã nhập khẩu vũ khí từ Pháp, Mỹ và Israel. Tuy vậy, việc tìm kiếm nhà cung cấp thay thế Nga sẽ là nhiệm vụ rất khó khăn vì Nga chiếm hơn 60% tổng số vũ khí nhập khẩu của Ấn Độ và nhiều loại trong số này đòi hỏi phải có phụ tùng thay thế liên tục.
Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) của Thụy Điển, Nga cung cấp 46% lượng vũ khí nhập khẩu của Ấn độ từ năm 2017 đến 2021, tiếp theo là Pháp chiếm 27% và Mỹ 12%.
Ấn Độ đang trở thành trung tâm trong chiến lược xoay trục sang Ấn Độ Dương –Thái Bình Dương của các nước phương Tây, trong một nỗ lực nhằm kiềm chế các hành động quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực. Không chỉ là đối tác lớn của châu Âu, Ấn Độ cũng là một thành viên trong Bộ tứ kim cương gồm 4 thành viên, cùng với Mỹ, Australia và Nhật Bản.
Tuy nhiên, là một quốc gia phụ thuộc vào Nga 3 khía cạnh quan trọng: vũ khí, năng lượng và sự ủng hộ quốc tế trước những đối thủ như Pakistan và Trung Quốc, Ấn Độ đã không tham gia nỗ lực của các đối tác khác trong Bộ Tứ áp đặt trừng phạt Nga cũng như lên án cuộc tấn công của nước này vào Ukraine. Trái lại New Delhi đã tăng cường mua dầu mỏ và khí đốt Nga bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây./.