Đằng sau sự biến mất của hàng trăm nghìn người Nhật mỗi năm khi bị dồn đến đường cùng, gia đình cũng phải bỏ lại sau lưng

IMACHO |

Khi cảm thấy cuộc sống không còn lối thoát, những người này sẽ chọn cách 'bốc hơi' và biến mất không để lại dấu vết.

Là một người đàn ông mới lập gia đình vào những năm 1980, một võ sư Nhật Bản tên Ichiro mong chờ những điều tốt đẹp đến với bản thân và gia đình mình.

Ông Ichiro và vợ là bà Tomoko, sống ở Saitima, ngay ngoại ô thủ đô Tokyo. Họ sinh con trai đầu lòng và đặt tên là Tim sau khi sở hữu một căn nhà cùng một nhà hàng mở ra nhờ vào tiền nợ ngân hàng.

Đằng sau sự biến mất của hàng trăm nghìn người Nhật mỗi năm khi bị dồn đến đường cùng, gia đình cũng phải bỏ lại sau lưng - Ảnh 1.

Khu ổ chuột ở Sanya.

Đáng tiếc, công việc làm ăn không được như ý muốn. Ông bà Ichiro và Tomoko ngày càng bị lúng sâu vào khoản nợ. 

Kết quả là họ chọn đi theo con đường của hàng chục nghìn người Nhật mỗi khi rơi vào tình huống đường cùng tương tự: Bán nhà, thu dọn đồ đạc và biến mất. Mãi mãi.

"Con người rất hèn nhát. Tất cả những gì họ muốn là biến mất và rồi lại xuất hiện ở một nơi mà không ai biết họ là ai. 

Tôi chưa bao giờ hình dung mình lại rơi vào hoàn cảnh này... Chạy trốn là con đường ngắn nhất dẫn đến cái chết" - Ichiro nói.

Theo báo cáo trên New York Post, từ giữa những năm 1990, có khoảng 100 nghìn người Nhật bao gồm đàn ông và phụ nữ đã biến mất hàng năm. Họ đã lên kế hoạch cho sự biến mất của mình sau khi lâm vào những tình cảnh như ly hôn, nợ nần, thất nghiệp hay thi rớt.

"The Vanished: The Evaporated People of Japan in Stories and Photographs" (tạm dịch: Biến mất: Những người Nhật Bản bốc hơi thông qua câu chuyện và bức ảnh) là phóng sự chuyên sâu đầu tiên về hiện tượng này, Nhà báo người Pháp Léna Mauger biết về nó vào năm 2008 và dành 5 năm để báo cáo câu chuyện mà cô và người cộng sự Stéphane Remael không thể tin được.

"Đó là điều cấm kị. Đó là điều mà bạn không thể tuỳ tiện nói về. Nhưng mọi người có thể biến mất bởi vì có một xã hội đang tồn tại dưới xã hội Nhật Bản hiện tại. 

Khi biến mất, những người đó biết rằng họ có thể tìm ra cách để tồn tại" - Léna nói với The Post.

Những tâm hồn bị lạc lối này rồi cũng tìm được những thành phố của riêng mình.

Léna cho biết thành phố Sanya không được ghi nhận trong bất kì bản đồ Nhật Bản nào. Về mặt lý thuyết, nó thậm chí còn không hề tồn tại. Đó là một khu ổ chuột nằm bên trong Tokyo và đã bị chính quyền xóa tên. 

Các băng đảng mafia chính là những kẻ nắm quyền, phân bổ các công việc lương thấp và không chính thống. 

"Người bốc hơi" sống trong những phòng khách sạn nhỏ xíu, tồi tàn, thường không có mạng internet và toilet riêng. Hầu hết các khách sạn đều cấm nói chuyện sau 6h tối.

Đằng sau sự biến mất của hàng trăm nghìn người Nhật mỗi năm khi bị dồn đến đường cùng, gia đình cũng phải bỏ lại sau lưng - Ảnh 2.

Một hẻm nhỏ ở Kabukicho.

Tại đây, nữ phóng viên Léna gặp được một người đàn ông tên Norihiro, 50 tuổi, và ông đã biến mất được 10 năm. 

Trước đó, ông Norihiro đã lừa dối vợ nhưng mất đi công việc kỹ sư mới chính là yếu tố đẩy ông đến bước đường cùng.

Vì quá xấu hổ, ông Norihiro không dám nói cho ra đình nên hàng ngày vẫn giả vờ ra ngoài để đi làm. 

Buổi sáng các ngày trong tuần, ông thức dậy thật sớm, mặc trang phục chỉnh tề, lấy chiếc cặp và hôn vợ rồi rời đi. Ông lái xe đến tòa nhà công ty cũ và cứ thế ngồi trên xe cả ngày, không ăn uống, không gọi cho ai.

Ông Norihiro làm như thế trong suốt 1 tuần. Thế nhưng, nỗi sợ hãi rằng mọi người sẽ phát hiện ra bí mật của ông ngày càng lớn đến nỗi không thể chịu đựng được.

"Tôi đã ngồi trong xe 19 tiếng đồng hồ bởi vì tôi thường đi nhậu nhẹt với sếp và đồng nghiệp. Tôi sẽ đi loanh quanh rồi trở về nhà. 

Tôi sợ vợ con sẽ nghi ngờ. Tôi cảm thấy tội lỗi vô cùng vì tôi không có tiền lương để đưa cho họ nữa" - ông Norihiro chia sẻ.

Vào ngày lãnh lương tháng đó, ông Norihiro vẫn ăn mặc chỉnh tề, bước lên tàu điện ngầm đi về hướng khác, tiến đến thành phố Sanya. 

Ông chẳng nói lời nào, không một mảnh giấy ghi chú và về phía gia đình ông, họ chỉ nghĩ rằng người nhà của mình đã đi vào khu rừng tự sát nổi tiếng và kết liễu đời mình trong đó.

Đằng sau sự biến mất của hàng trăm nghìn người Nhật mỗi năm khi bị dồn đến đường cùng, gia đình cũng phải bỏ lại sau lưng - Ảnh 3.

Giờ đây, ông Norihiro sống với một cái tên giả trong một căn phòng không cửa sổ được khóa kín. Ông không ngừng hút thuốc và uống rượu, quyết định sống thế này trong suốt phần đời còn lại của mình.

"Tôi nghĩ sau này tôi có thể lấy lại danh tính của mình... Nhưng tôi không muốn gia đình nhìn thấy mình trong tình cảnh thế này. Nhìn tôi đi. 

Tôi chẳng có gì. Tôi không là gì cả. Nếu ngày mai có chết đi, tôi cũng không muốn ai đó sẽ nhận ra mình" - ông Norihiro trải lòng.

Yuichi là một cựu công nhân xây dựng biến mất từ khoảng giữa năm 1990. Trước đó, ông phải chăm sóc cho mẹ già bị bệnh và gánh vác những khoản chi phí sinh hoạt của gia đình. 

Dần dần, ông rơi vào cảnh khánh kiệt và thừa nhận không thể tiếp tục lo cho mẹ già. Sau đó, ông Yuichi quyết định bỏ lại mọi thứ và chạy trốn đến Sanya.

"Bạn thấy mọi người trên đường nhưng thực chất họ không hề tồn tại. Khi chúng tôi chọn rời bỏ xã hội, chúng tôi sẽ biến mất và tại đây, chúng tôi dần dần giết đi chính mình" - ông Yuichi nói.

Đằng sau sự biến mất của hàng trăm nghìn người Nhật mỗi năm khi bị dồn đến đường cùng, gia đình cũng phải bỏ lại sau lưng - Ảnh 4.

Thế chiến II và 2 cuộc khủng hoảng tài chính (năm 1989 và 2008) đã khiến nền kinh tế Nhật Bản bị tàn phá nặng nề. 

Gánh nặng tài chính này đã góp phần đẩy một bộ phận con người nơi đây đến quyết định "bốc hơi", biến mất không dấu vết. 

Những người muốn biến mất như thể bị bắt cóc, nhà cửa bị cướp bóc, không giấy tờ tùy thân hay giao dịch tài chính nào có thể giúp người khác tìm ra họ.

Shou Hatori là chủ của một công ty cung cấp dịch vụ giúp mọi người bốc hơi. Có lần, một người phụ nữ đã tìm đến ông để nhờ giúp đỡ vì muốn thoát khỏi khoản nợ của người chồng đang dần tàn phá cuộc đời cô. 

Mỗi lượt khách hàng, ông Shou sẽ yêu cầu số tiền 3.400 USD. Khách hàng của ông khá đa dạng, từ bà nội trợ gây nợ cho đến người vợ bị chồng bỏ hay sinh viên không muốn làm việc vặt ở ký túc xã nữa.

Đằng sau sự biến mất của hàng trăm nghìn người Nhật mỗi năm khi bị dồn đến đường cùng, gia đình cũng phải bỏ lại sau lưng - Ảnh 5.

Shou Hatori là chủ của một công ty cung cấp dịch vụ giúp mọi người bốc hơi.

Bất kể những người "bốc hơi" có bị xấu hổ đến nỗi chọn cách biến mất thì không có gì có thể so với nỗi đau của những gia đình bị bỏ lại. 

Họ phải chịu đựng những lời xì xầm vì có người trong nhà mất tích và đa số họ đều chọn không báo cáo với cảnh sát.

Những gia đình này có thể nhờ đến một tổ chức tư nhân được gọi là Hỗ trợ những gia đình có người mất tích, và tại đây, họ gữ kính danh tính của khách hàng cũng như chi tiết vụ việc. 

Địa chỉ của tổ chức này rất khó tìm, trụ sở nằm trong một căn phòng nhỏ với độc nhất một chiếc bàn và các bức tường bị ám khói thuốc lá. Tổ chức này thường nhận được khoảng 300 yêu cầu tìm người/năm.

"Hầu hết các cuộc điều tra đều kết thúc trong vô vọng" - Sakae Furuuchi, một thám tử của tổ chức, nói. 

Ông cho biết chi phí thuê thám tử tư lên đến 500 USD/ngày và 15.000 USD/năm - một con số khổng lồ đối với những gia đình khó khăn về tài chính đến nỗi người thân phải biến mất.

"Những người biến mất vì nợ nần hoặc bạo lực sẽ thay đổi danh tính và thỉnh thoảng cả ngoại hình. Số còn lại thì không nghĩ sẽ có ai đó đi tìm họ" - ông Sakae nói.

Ông Sakae từng tìm được một người đàn ông biến mất năm anh 20 tuổi. Người này không trở về nhà sau khi đi thi và tình cờ, một người bạn đã nhìn thấy anh ở khu vực phía nam Tokyo. 

Ông Sakae đã đi khắp nơi đây cho đến khi tìm được người đàn ông ấy.

"Anh ấy không đi thi vì sợ trượt sẽ làm gia đình thất vọng. Khi đó, anh ấy định tự vẫn nhưng chưa biết làm thế nào để chết" - ông Sakae nói với phóng viên Léna.

Đằng sau sự biến mất của hàng trăm nghìn người Nhật mỗi năm khi bị dồn đến đường cùng, gia đình cũng phải bỏ lại sau lưng - Ảnh 6.

Một vụ khác có liên quan đến người mẹ trẻ của bé trai 8 tuổi bị khuyết tật. Vào ngày con trai lên sân khấu của trường trình diễn âm nhạc thì người mẹ biến mất mặc dù trước đó đã hứa sẽ đến ngồi hàng ghế đầu và xem con biểu diễn.

Chỗ ngồi đó được để trống. Chẳng ai thấy cô ấy lần nào nữa. Chồng con cô ấy đau khổ. Không có bất kì dấu hiệu nào cho thấy cô ấy không vui, đau khổ và cô cũng chưa từng làm điều gì sai trái.

Ông Sakae vẫn giữ hy vọng.

"Cô ấy là một người mẹ. Một ngày nào đó, cô ấy sẽ tìm được con đường dẫn lối trở về nhà" - ông Sakae nói.

Văn hóa Nhật Bản xem trọng tính đồng nhất và tầm quan trọng của tập thể hơn là cá nhân. Đối với những người không thể hòa hợp được với xã hội, văn hóa, sẽ chọn cách biến mất để được tự do.

Những người trẻ ở Nhật Bản, bộ phận muốn sống khác đi nhưng vẫn giữ mối liên hệ với gia đình và bạn bè, sẽ chọn cuộc sống của một otaku, chỉ những người yêu thích, đam mê các nhân vật manga và anime. 

Họ có thể cosplay thành nhân vật mình yêu thích và đi đó đây. Ít nhất dưới lớp trang phục hóa trang kia, họ được tìm thấy chính mình.

"Bỏ chạy không phải lúc nào cũng là rời đi. Chúng tôi mơ về tình yêu, sự tự do và thỉnh thoảng chúng tôi sẽ làm điều gì đó, chẳng hạn như cosplay. Ở Nhật Bản, chuyện này rất phổ biến" - một thanh niên trẻ tên Matt nói với Léna.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại