Mỹ tạm gác cảnh báo của Nga, phá vỡ giới hạn hỗ trợ cho Ukraine
Bất chấp những cảnh báo mạnh mẽ của Nga, Mỹ đã dần mở rộng kho vũ khí hỗ trợ cho Ukraine, từ tên lửa phòng không Javelin và Stinger tới hệ thống pháo phản lực HIMARS, các hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến, UAV, trực thăng, xe tăng M1 Abrams và sắp tới đây là các tiêm kích thế hệ thứ 4.
Tiêm kích F-16. Ảnh: Reuters
Theo các quan chức Mỹ, một lý do quan trọng cho việc Washington tạm gác sang một bên những cảnh báo của Tổng thống Putin là bởi kể từ khi xung đột nổ ra, Nga chưa mạnh tay với phương Tây vì cung cấp vũ khí cho Kiev. Theo đó, một số nhà lãnh đạo phương Tây tin rằng ở một mức độ nào đó, họ có thể tiếp tục làm vậy mà không đối mặt với những hậu quả nặng nề.
“Nga đã nhiều lần làm giảm giá trị của các lằn đỏ bằng cách nói rằng những điều đó là không thể chấp nhận được nhưng sau đó không làm gì khi chúng xảy ra. Vấn đề là chúng ta không biết lằn ranh đỏ thực sự là gì", Maxim Samorukov, chuyên gia về Nga tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế nhận định.
Các quan chức Mỹ nói rằng việc đối phó với rủi ro leo thang căng thẳng vẫn là một trong những khía cạnh khó khăn nhất đối với chính quyền Tổng thống Biden và các cố vấn chính sách đối ngoại của ông trong cuộc xung đột ở Ukraine. Theo các quan chức này, khi quyết định các hệ thống vũ khí mới cung cấp cho Ukraine, Nhà Trắng tập trung vào 4 câu hỏi.
"Họ (Ukraine-ND) cần gì? Họ có thể sử dụng gì? Chúng ta có nó không? Nga sẽ phản ứng như thế nào?", một quan chức cấp cao giấu tên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.
Theo quan chức này: "Chúng ta đã thực hiện điều này nhưng nếu không có sự leo thang hoặc phản ứng đáp trả, liệu chúng ta có thể làm điều tiếp theo không? Chúng tôi liên tục đánh giá những nhân tố đó và đây là quyết định khó khăn nhất chúng tôi phải đưa ra”.
Giống như Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cũng coi các lợi ích của việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine lớn hơn những rủi ro leo thang và ông đã làm việc với các nước châu Âu về việc cung cấp tiêm kích F-16 cho Ukraine, một quan chức Nhà Trắng nói.
Chính quyền Washington phải cân nhắc các mối lo ngại giữa bối cảnh Ukraine và những người có lập trường cứng rắn trong Quốc hội Mỹ ngày càng mất kiên nhẫn với hướng tiếp cận từng bước. Họ muốn Tổng thống Biden nhanh chóng cung cấp thêm nhiều vũ khí tiên tiến cho Kiev.
Kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra vào tháng 2 năm ngoái, Tổng thống Putin đã cảnh báo, bất kỳ quốc gia nào cố gắng "cản trở" các lực lượng của Nga "phải biết rằng phản ứng của Nga sẽ diễn ra ngay lập tức và dẫn đến những hậu quả chưa từng thấy trong lịch sử".
Giữa bối cảnh xung đột kéo dài, những cảnh báo từ Tổng thống Putin và các quan chức Nga ngày càng mạnh mẽ hơn. Tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Putin tuyên bố: "Nếu Nga cảm thấy sự thống nhất lãnh thổ bị đe dọa, chúng tôi sẽ sử dụng mọi phương tiện phòng thủ sẵn có và đây không phải là lời nói suông".
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã tuyên bố cụ thể hơn, rằng: "Thất bại của một cường quốc hạt nhân trong cuộc xung đột theo quy ước có lẽ sẽ gây ra chiến tranh hạt nhân".
Ngày 30/5, các UAV đã nhắm vào các quận ở thủ đô Moscow trong cuộc tấn công mà một chính trị gia Nga đánh giá là "tồi tệ nhất" kể từ Thế chiến II. Ukraine phủ nhận việc liên quan đến các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga trong khi chính quyền ông Biden khẳng định, Mỹ không tạo điều kiện và không khuyến khích các cuộc tấn công trên.
Một quan chức cấp cao Mỹ cho rằng, việc Nga chưa đáp trả phương Tây sau khi các nước này liên tục phá vỡ giới hạn cung cấp vũ khí cho Ukraine là bởi Moscow nhận thấy sẽ không có lợi khi tham gia vào một cuộc đối đầu trực tiếp với NATO hiện nay.
Chính trường Mỹ bất đồng về mức độ hỗ trợ Ukraine
Dù vậy, các quan chức Mỹ vẫn thận trọng cho rằng Nga - quốc gia sở hữu kho hạt nhân lớn nhất thế giới, có thể leo thang xung đột ở Ukraine hoặc nơi khác. Năm ngoái, giữa bối cảnh mối lo ngại gia tăng về việc Nga đang cân nhắc triển khai vũ khí hạt nhân, các quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ đã kín đáo cảnh báo Nga về những hậu quả của động thái này.
Trong khi chính quyền Tổng thống Biden đang đánh giá về các rủi ro trên, giới lãnh đạo Ukraine, trong đó có Tổng thống Zelensky đã công khai thể hiện sự thất vọng. Nhà lãnh đạo Ukraine cho rằng việc trì hoãn cung cấp vũ khí, cũng như cản trở Kiev đạt được khả năng quân sự lớn hơn Nga sẽ chỉ kéo dài xung đột và không thể đưa nó đi đến hồi kết.
Các nghị sĩ đảng Cộng hòa có quan điểm cứng rắn trong Quốc hội Mỹ thì cho rằng mối đe dọa Nga leo thang xung đột thậm chí không cần tính tới. Hạ nghị sĩ bang Texas - Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện nhận định, chính quyền Tổng thống Biden thiếu quyết đoán khi không cung cấp hệ thống tên lửa chiến thuật ATACMS cho Ukraine. Vũ khí với tầm bắn 300km này đứng hàng đầu trong danh sách vũ khí Ukraine muốn nhận từ Mỹ.
"Mỗi lần chính quyền Mỹ trì hoãn việc cung cấp cho Ukraine một hệ thống vũ khí quan trọng, từ Stingers tới HIMARS hay Bradley vì nỗi lo sợ Nga leo thang xung đột, họ lại được chứng minh rằng mình đã hoàn toàn sai", Hạ nghị sĩ Michael McCaul nói.
Trong chính quyền Tổng thống Biden, Lầu Năm Góc được cho là có thái độ thận trọng hơn Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao về việc cung cấp vũ khí tiên tiến hơn cho Ukraine. Dù vậy, theo một quan chức cấp cao Lầu Năm Góc, Bộ Quốc phòng Mỹ tập trung vào việc đáp ứng những gì Ukraine cần. Quan chức này phủ nhận việc các cơ quan khác dường như tìm cách hỗ trợ cho Ukraine nhiều hơn Lầu Năm Góc.
"Tôi nghĩ những người ở Bộ Quốc phòng hiểu rõ điều gì khả thi trong thực tế và cách hỗ trợ tốt nhất cho lực lượng vũ trang Ukraine”.
Theo ông Alexander Gabuev, Giám đốc Trung tâm Nga và Á - Âu thuộc Quỹ Carnegie tại Berlin, "những lằn ranh đỏ tồn tại nhưng bởi vì chúng ta không biết chắc chúng là gì nên đó là điều tạo ra rủi ro"./.