Dạo một vòng quanh các diễn đàn và mạng xã hội tại khu vực Bắc Mỹ ở thời điểm này, bạn sẽ thấy ít nhất 1 trong 2 điều sau: cảnh trời tuyết, và những bức ảnh tung băng đầy huyền ảo như hình dưới.
Trời tuyết thì hẳn rồi, bởi nước Mỹ đang phải hứng chịu một đợt lạnh tàn khốc nhất trong nhiều thập kỷ, do hiện tượng xoáy cực (polar vortex) đẩy không khí lạnh tràn xuống từ Bắc Cực. Nhiệt độ tại nhiều thời điểm được đánh giá là lạnh hơn cả Nam Cực, khi có lúc xuống tới âm 50 độ C.
Nhưng còn những bức hình kỳ ảo giống như trên thì sao? Dành cho những ai chưa biết, bạn sẽ không thể tung tuyết mà tạo ra được các tia nhọn như thế được đâu. Đó thực chất là một thử thách mà cư dân mạng Mỹ đã thi nhau thực hiện những ngày vừa qua, mang tên "Boiling Water Challenge" - hay thử thách nước sôi.
Thử thách này cũng không có gì phức tạp, chỉ cần đứng giữa tiết trời âm hàng chục độ, hất tung một bình nước sôi vào không trung. Nước nóng đóng băng nhanh hơn nước lạnh - hiệu ứng Mpemba- và ngay lập tức điều kỳ diệu sẽ xảy ra.
Tuy nhiên, đằng sau điều kỳ diệu lại là một sự thật đầy nguy hiểm. Rất nhiều trường hợp nước thay vì đóng băng lại rơi thẳng vào da, thậm chí vào đầu người chơi. Theo như bản thông báo của một bệnh viện tại Chicago mới đây, thì đã có rất nhiều nạn nhân phải nhập viện vì bỏng trong giai đoạn này.
"Chúng tôi đã gặp 8 bệnh nhân, và thực sự cảm thấy quái đản khi nhiều người phải cố gắng thực hiện thử thách để rồi nhận tai họa," - trích lời Arthur Sanford, chuyên gia điều trị bỏng từ ĐH Loyola.
Sanford cho biết có 7 bệnh nhân phải điều trị phỏng rộp, còn 1 người phụ nữ phải phẫu thuật vì bỏng quá nặng. Nhưng một điều đáng chú ý hơn là độ tuổi của các nạn nhân: người lớn tuổi nhất là 53, và nạn nhân nhỏ nhất mới chỉ 3 tuổi. Qua tìm hiểu, cháu bé đã đứng gần một người lớn đang thực hiện thử thách.
"Người lớn làm, thanh thiếu niên cũng làm. Và nạn nhân thậm chí có thể là những cháu bé đứng gần đó," - Sanford chia sẻ một cách đầy bức xúc. "Nếu có định làm thì ít nhất hãy đảm bảo không kéo theo nạn nhân nào xung quanh đi."
Hiệu ứng Mpemba: hiện tượng nước nóng đóng băng nhanh hơn nước lạnh. Hiện tại các nhà khoa học chưa có lời giải chuẩn xác cho hiện tượng này, nhưng có khoảng 5 giả thuyết được đưa ra.
gifit1549858742214-1549858756068598057557.gif
Trong đó, lời giải thích được chấp nhận nhiều nhất nằm ở sự tương tác bất thường giữa các phân tử nước. Các phân tử nước liên kết với nhau bằng liên kết điện tích cao, gọi là "liên kết hydro". Chính điều này đã tạo ra độ căng trên bề mặt nước và khiến nó đạt tới điểm sôi nhanh hơn so với các chất lỏng khác.
Sự liên kết hydro cũng quyết định cách các phân tử nước lưu trữ và giải phóng năng lượng. Tỷ lệ năng lượng được giải phóng khác với trạng thái ban đầu của nước và vì thế đoán rằng nước nóng có thể giải phóng năng lượng nhanh hơn khi nó được đặt vào môi trường đóng băng.
"Mọi người cần hiểu rằng thử thách này là hết sức nguy hiểm. Không có cách nào để thực hiện nó một cách an toàn cả," - Sanford cho biết.
Tham khảo: Science Alert