Đằng sau một số dự án 'Vành đai và Con đường' của Trung Quốc

Hà Linh |

Chính phủ Trung Quốc đã ra sức "phong tỏa" mọi thông tin về một nhà máy lọc dầu từ Myanmar đổ về tỉnh Vân Nam và mạng lưới đường ray xuyên quốc gia nối Trung Quốc với Singapore. Đây được đánh giá là dự án "Vành đai và Con đường" ít được biết đến của Trung Quốc.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), các nhà chức trách tỉnh Vân Nam- nơi chiếm giữ vị trí chiến lược trong nỗ lực ngoại giao kinh tế Trung Quốc- đã che giấu vị trí của một nhà máy lọc dầu ở đoạn cuối đường ống dẫn khí bắt nguồn từ Myanmar và ra lệnh cho truyền thông ngừng nhắc đến "đường ray xuyên Á".

Chính quyền tỉnh Vân Nam đã giấu kín địa điểm của nhà máy lọc dầu mới toanh trị giá 4,27 tỉ USD tọa lạc ở cuối đường ống dẫn dầu dài 2.500km đồng thời coi việc đề cập đến mạng lưới đường ray xuyên quốc gia nối Trung Quốc với Singapore là tối kỵ.

Đằng sau một số dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc - Ảnh 1.

Không hề có biển chỉ dẫn ở cửa nhà máy lọc dầu mới ở Côn Minh. Ảnh: SCMP

Hai dự án này có liên quan với tham vọng "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc, đồng thời làm dấy lên các cuộc biểu tình, tranh cãi và nghi kị tại chính Vân Nam và những quốc gia hàng xóm của Trung Quốc.

Sáng kiến "Vành đai và Con đường" được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố trong tháng 9/2013 với mục đích kết nối Trung Quốc cùng hàng chục quốc gia khác tại châu Á, châu Phi và nhiều địa điểm qua hệ thống hành lang trên bộ và trên biển để xây dựng cơ sở hạ tầng, kết nối tài chính và thương mại.

Nhà máy lọc dầu không được đặt tên

Các tài xế xe taxi tại Côn Minh than phiền rằng phần lớn các trang ứng dụng bản đồ trực tuyến không hề có vị trí của nhà máy lọc dầu mới tại tỉnh. Tài xế Ge Changshui chia sẻ với phóng viên tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng: "Rất dễ để nhìn ra những ống khói nhà máy mới, chọc cao trên bầu trời, từ rất xa. Nhưng cũng dễ dàng lạc đường khi tiếp cận nhà máy lọc dầu trong lần đầu tiên".

Ông Ge nói không hề có biển chỉ đường nhắc đến nhà máy lọc dầu này và thậm chí chẳng có ký hiệu nào ở cửa vào.

Phóng viên tại một tờ báo ở Côn Minh, ông Jay Chen cho biết: "Công chức, sinh viên, lái xe taxi, nhân viên trong cơ quan truyền thông nhà nước đều được căn dặn từ cấp trên của họ rằng không được nói về dự án lọc dầu một cách công khai".

Một số cơ quan thuộc nhà nước như Tân Hoa xã được phép đưa tin về nhà máy lọc dầu này nhưng "không ai nêu ra ý tưởng này trong phòng tin tức bởi họ đều biết đó là điều cấm kỵ để làm các phỏng vấn độc lập ở đó".

Nhà máy lọc dầu mới của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) tại Anning, ngoại ô Côn Minh đã bắt đầu hoạt động thử nghiệm trong tháng này và có khả năng xử lý 13 triệu tấn dầu thô một năm.

Nhà máy này nằm ở cuối đường ống dẫn dầu qua Myanmar dài 1.200km để tránh việc dầu trung chuyển bằng tàu qua Eo biển Malacca. Hiện nay khoảng 80% nguồn dầu vận chuyển cho Trung Quốc đi qua Eo biển Malacca vì vậy Bắc Kinh cần tìm kiếm một giải pháp phòng ngừa để đảm bảo an ninh năng lượng.

Tân Hoa xã đưa tin rằng một đường ống song song khác đã chuyển 13,5 tỉ mét khối khí gas tự nhiên tới Trung Quốc kể từ năm 2013.

Việc xây dựng đường ống dẫn dầu thô được khởi động từ năm 2007 và hoàn thành vào năm 2014 nhưng mãi đến tháng 5/2017 mới bắt đầu khởi động. Theo Tân Hoa xã, những thùng chứa có thể đựng 140.000 tấn dầu thô đã bắt đầu cất tải dầu cho đường ống tại Đảo Made ở Myanmar trong tháng 4.

Hai đường ống dẫn dầu và dẫn khí này có thể đem 22 triệu tấn mét khối dầu thô và 12 tỉ mét khối khí tự nhiên vào lãnh thổ Trung Quốc mỗi năm. Đổi lại, Myanmar sẽ nhận 13,81 triệu USD tiền thuê mỏ và chi phí vận chuyển dầu từ mức 1 USD/tấn. Theo Tân Hoa xã, dựa trên thỏa thuận 30 năm, Myanmar cũng nhận 2 triệu tấn dầu thô và 2,4 tỉ mét khối khí tự nhiên mỗi năm.

Tuy nhiên, xung đột ở miền Bắc Myanmar, bùng phát vào cuối năm 2016, đã đem đến những lo ngại nghiêm trọng về các đường ống này. Xung đột đã làm ngưng tạm thời thương mại xuyên biên giới và khiến hàng nghìn người Myanmar muốn tị nạn tại Trung Quốc. Ông Peng Nian tại Đại học Baptist (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết, nếu xung đột leo thang, dòng dầu và khí đốt qua các đường ống có thể bị ngừng lại.

Hãng thông tấn Reuters vào tháng 10/2016 trích nguồn từ hai nhân vật cấp cao trong ngành công nghiệp Trung Quốc đưa tin, nhà máy lọc dầu đang đối mặt với trì hoãn khởi động sau khi PetroChina- công ty con của CNPC từ chối trả thuế bổ sung cho việc bơm dầu qua Myanmar.

Ít người tại Côn Minh nhận ra rằng nhà máy lọc dầu sẽ sớm hoạt động chính thức mặc dù cách đây 4 năm hàng nghìn người dân đã biểu tình trên đường phố khi đây mới chỉ là dự án trên giấy.

Theo đó, vào năm 2013 người dân địa phương đã phẫn nộ khi biết rằng nhà máy này sản sinh ra paraxylene-được dùng để làm chai nhựa và polyester. Paraxylene được coi sẽ rất độc hại nếu con người hít và nuốt vào cơ thể. Thị trưởng thành phố Côn Minh ở thời điểm đó, ông Li Wenrong đã hứa hẹn chính quyền địa phương sẽ không do dự để loại bỏ dự án paraxylene nếu người dân phản đối.

Tuy nhiên công chúng chưa nhận được không tin xác minh rằng liệu nhà máy lọc dầu mới có gồm cơ sở sản sinh paraxylene hay không và CNPC cũng không hồi đáp thắc mắc về vấn đề này.

Quay trở lại với tài xế lái taxi Ge, ông bộc bạch rằng: “Tôi cảm thấy đau lòng khi những ống khói nhà máy lại tiếp tục xả”.

Một trong những nhân công làm việc tại nhà máy lọc dầu chia sẻ với tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng rằng cơ sở này đang hoạt động thử nghiệm và chưa rõ khi nào sẽ thực sự bắt đầu xử lý dầu để kinh doanh.

Các nhà chức trách đã mời một vài đại diện từ các tổ chức phi chính phủ bảo vệ môi trường và cộng đồng địa phương dự một cuộc họp trong tháng 5, thông báo với họ rằng nhà máy lọc dầu sẽ đi vào sản xuất trong cuối năm 2017 và việc xả thải sẽ được kiểm soát chặt chẽ.

Tuy nhiên, một đại diện của Côn Minh Xanh- một tổ chức phi chính phủ địa phương-cho biết khi được mời đến cuộc họp, những đại diện này không được phép ghi chép gì và phải cam kết không tranh luận cũng như gây lo ngại trong công chúng.

Hệ thống đường ray nhiều khúc mắc

Phóng viên Jay Chen khẳng định một đề tài nhạy cảm khác đang tồn tại ở Vân Nam là “Đường ray xuyên Á”, vỗn đã gây chú ý qua nhiều diễn đàn chính thức, nhưng cách đây hai năm, cơ quan phụ trách truyền thông ra lệnh cho các báo đài địa phương ngừng dùng cụm từ này.

Ông Chen nhận định: “Đó là bởi vì cụm từ này nghe quá bốc đồng về việc bành trướng sang quốc gia khác”.

Dự án về đường ray một tiêu chuẩn khởi đầu từ Côn Minh, trên kế hoạch sẽ chạy qua một số quốc gia và có điểm cuối ở Singapore được coi là một phần quan trọng trong kế hoạch của Bắc Kinh để biến Côn Minh thành trung tâm giao thông.

Hầu hết các quốc gia trong dự án đều có hệ thống đường ray riêng và mang kích cỡ khác nhau. Do vậy, hàng hóa thường phải qua công đoạn chuyển tàu khi được vận chuyển bằng đường sắt qua các quốc gia này.

Đằng sau một số dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc - Ảnh 2.

Đường ray mới tại Côn Minh được khai trương ngày 31/5. Ảnh: Xinhua

Theo Tân Hoa xã, có 13 tuyến đường ray trải dài hơn 2.300km đã được xây dựng tại tỉnh Vân Nam trong năm nay với chi phí hơn 244 tỉ nhân dân tệ. Tuy nhiên tuyến đường qua nhiều quốc gia khác lại không đơn giản như vậy. Dự án này vấp phải tình trạng khó thống nhất vì các vấn đề như giá thành, chia sẻ đầu tư và quyền phát triển.

Nhà nghiên cứu Lee Chih-horng tại Viện Phát triển và chiến lược Longus ở Singapore nhận định rằng các quan chức Trung Quốc không quen tới việc quan tâm đến lo ngại của các quốc gia khác, họ chỉ tập trung vào mở rộng phát triển cơ sở hạ tầng.

Ông Lee Chih-horng nhấn mạnh rằng việc tạm ngưng dự án xuyên biên giới này là minh chứng về những vấn đề tiềm tàng đối với nhà chức trách Trung Quốc tuy nhiên việc bít kín thông tin trước công chúng cũng không phải là lựa chọn tốt.

http://baotintuc.vn/the-gioi/nhung-du-an-vanh-dai-va-con-duong-ma-trung-quoc-lang-tranh-bit-kin-thong-tin-20170812140456269.htm

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại