Nhắc đến Hàn Quốc, người ta sẽ nghĩ ngay đến một đất nước văn minh, phát triển vượt bậc và là niềm tự hào của châu Á.
Văn hóa của Hàn Quốc cũng được phổ cập rộng rãi thông qua tác phẩm điện ảnh cùng làn sóng Hallyu và sự phát triển của nền âm nhạc Kpop. Điều này khiến ai cũng muốn một lần được đặt chân đến đất nước xinh đẹp này.
Vậy nhưng, theo một cuộc khảo sát được đăng tải trên tờ JoongAng Ilbo, trong số 1000 người thuộc độ tuổi từ 19 đến 59 thì có đến 73,3% người thừa nhận đang xem xét khả năng rời bỏ quê hương và đi đến một nơi khác sinh sống.
Kết quả này phần nào phản ánh được một xã hội Hàn Quốc đầy áp lực và mỗi ngày đối với người dân nơi đây đều là 1 cuộc chiến không khoan nhượng.
Vào những năm 1960, Hàn Quốc là một trong những quốc gia nghèo bậc nhất châu Á.
Vậy nhưng, họ chỉ mất khoảng 4 thập kỷ để gây dựng lên một đất nước phát triển vượt bậc về kinh tế, trở thành cường quốc ở châu Á khiến ai cũng phải trầm trồ.
Tất cả thành công đó đều nhờ rất lớn là nỗ lực cải cách giáo dục của chính phủ nước này.
Nhờ giáo dục mà đất nước thoát nghèo ngoạn mục nên giáo dục sẽ luôn được người dân Hàn Quốc ưu tiên hàng đầu nhưng chính điều này đã vô tình tạo nên một xã hội cạnh tranh và áp lực.
Trẻ con Hàn Quốc từ những năm đầu đời đi học đã được bố mẹ định hình sẵn con đường học tập, nhất định phải vào đại học, tốt nhất là 3 trường ở top đầu SKY (Đại học Seoul, Đại học Hàn Quốc và Đại học Yonsei).
Áp lực và sự kỳ vọng của phụ huynh đã vô tình tạo ra gánh nặng cực lớn đặt lên vai bọn trẻ. Chúng xem việc đến trường là để học hỏi thêm kiến thức mới đồng thời lúc nào cũng quan niệm không được thua kém bạn bè về thành tích học tập.
Chính sự cạnh tranh khốc liệt trong môi trường học tập này đã dẫn đến hệ lụy là nạn bạo lực học đường ngày càng tăng cao, theo Tiến sĩ Bae Joo-mi, một chuyên gia tại Viện Tư vấn Thanh niên Hàn Quốc. Các em học sinh xem những người xung quanh là đối thủ, thay vì bạn bè.
Suneung là cuộc chiến của các em học sinh và phụ huynh.
Ngoài giờ học trên lớp, các em còn phải theo học tại các trung tâm bồi dưỡng, điều không quá xa lạ với học sinh lớp 12, phải chuẩn bị cho kỳ thi đại học (hay còn gọi là Suneung) khốc liệt sắp tới.
Suneung được xem là thước đo thành công của giới trẻ Hàn Quốc, tương lai của các em có tươi sáng hay không đều phụ thuộc tất cả vào kỳ thi này.
Chính vậy nên tháng 11 hàng năm, khi Suneung diễn ra, toàn bộ xã hội Hàn Quốc như thể ngừng hoạt động hoàn toàn, tập trung mọi sự chú ý cho kỳ thi này.
Vậy nhưng, đậu đại học chỉ là tấm vé thông hành nhưng chưa chắc đảm bảo công việc tương lai của giới trẻ.
Bằng chứng là Hàn Quốc có đến 1/3 người thất nghiệp từng tốt nghiệp đại học.
Chỉ là sinh viên tốt nghiệp từ 1 trong 3 trường đại học danh giá của SKY mới mong tìm được việc làm tốt tại những tập đoàn hàng đầu như LG, Hyundai, SK, Lotte, Samsung.
Khi tương lai việc làm ngày càng phụ thuộc vào 1 kỳ thi thì áp lực cạnh tranh sẽ càng được đẩy lên mức tối đa.
Dòng chảy của xã hội buộc học sinh phải đỗ đại học bất chấp đó có phải là con đường họ mong muốn hay không. Người Hàn Quốc có truyền thống muốn làm hài lòng bố mẹ hơn là theo đuổi đam mê của riêng mình.
Chính vậy nên họ thường ưu tiên chọn công việc dựa trên mức lương, địa vị và tình trạng ổn định, vừa làm bố mẹ tự hào, vừa được xã hội trọng dụng hơn.
Đối với những người có trình độ học vấn không cao, họ có xu hướng chọn đi đến nơi khác sống để làm công việc lao động tay chân mà không phải chịu đựng ánh mắt khinh miệt của mọi người xung quanh.
Dần dần, người Hàn Quốc hình thành tâm lý ám ảnh bởi sự đánh giá của người khác.
Cách đây không lâu, bộ phim Sky Castle đã "gây bão" màn ảnh Hàn khi bóc trần áp lực học đường, đó là cuộc chiến của học sinh và cả phụ huynh nhưng đổi lấy lại là bi kịch gia đình đầy máu và nước mắt.
Không thể phủ nhận nền giáo dục Hàn Quốc phát triển một cách đáng học hỏi nhưng xã hội nơi đây cũng đang phải gánh chịu những hệ quả không nhỏ, đó là tỷ lệ tự tử ngày càng cao trong khi tỷ lệ sinh con lại giảm hụt đáng lo ngại.
Tự tử là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của phần lớn giới trẻ ở Hàn Quốc. Trưởng thành trong môi trường cô độc và ngày nào cũng phải vùi đầu vào học tập dễ dàng gây ra chứng trầm cảm rồi dẫn đến tự tử.
Trong năm 2016 đã có 13.092 vụ tự tử ở Hàn Quốc, trung bình 37 người một ngày. Theo báo cáo của Cục Thống kê Hàn Quốc vào năm 2018, có đến 45% người thuộc độ tuổi từ 13 đến 24 thừa nhận họ gặp căng thẳng vì luôn phải lo lắng cho công việc tương lai, kết quả học tập và áp lực từ những chuẩn mực cái đẹp.
Cũng trong năm này, Hàn Quốc có đến 27,1% học sinh trung học và phổ thông bị trầm cảm, điều này kéo theo hệ lụy sa ngã vào tệ nạn xã hội như nghiện rượu bia, thuốc lá… và nhất là nghĩ quẩn kết thúc cuộc đời để thoát khỏi mớ bòng bong.
Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc tin rằng gánh nặng tài chính trong việc nuôi dạy con khiến các cặp vợ chồng nước này không có nhu cầu sinh nhiều con, chỉ sinh 1 hoặc thậm chí không muốn có con.
Đây là một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến tỷ lệ sinh ở xứ sở kim chi giảm mạnh, thấp nhất trong 35 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Đất nước Hàn Quốc ngày càng phát triển nhưng sức khỏe tinh thần của người dân nơi đây không được đảm bảo.
Nếu như tình trạng này vẫn tiếp diễn thì giới trẻ xứ kim chi bị dồn đến đường cùng sẽ chọn rời bỏ quê hương mà đi đến đất nước khác.
Dù cuộc sống bấp bênh hơn nhưng họ có thể sống thoải mái và không phải chịu quá nhiều áp lực từ một xã hội chỉ có cạnh tranh và giẫm đạp lẫn nhau để leo lên vị trí cao hơn.