Dự thảo tuyên bố chung dài 38 trang được lưu hành trong các thành viên thuộc nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã để trống đoạn "tình hình địa chính trị". Trong khi đó, 75 đoạn khác đã đạt được đồng thuận, bao gồm biến đổi khí hậu, tiền điện tử và cải cách các ngân hàng phát triển đa phương.
Một nguồn tin nói với hãng Reuters rằng tuyên bố chung có thể đi đến thỏa thuận nhất trí hoặc không. Văn kiện có thể chứa các đoạn nêu quan điểm của từng quốc gia hoặc thể hiện sự đồng tình và bất đồng quan điểm trong cùng một đoạn.
Nguồn thạo tin thứ hai cho biết: "Chúng tôi có thể bỏ qua những khác biệt và đưa ra tuyên bố chung rằng cần có hòa bình và hòa hợp trên toàn thế giới để tất cả thành viên đều đồng ý".
An ninh được thắt chặt trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20. Ảnh: Reuters
Theo nguồn tin cấp cao khác của một trong các nước G20, đoạn văn bản đề cập cuộc xung đột ở Ukraine đã được các nước phương Tây đồng tình và gửi tới Nga để lấy ý kiến.
Quan chức này cho biết Nga có quyền lựa chọn chấp nhận quan điểm của các nước phương Tây hoặc đưa ra quan điểm bất đồng như một phần của tuyên bố. Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, Ấn Độ sẽ phải đưa ra tuyên bố chủ trì, điều này đồng nghĩa với việc G20 lần đầu tiên sau 20 năm được tổ chức sẽ không có tuyên bố chung.
Một nhà ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) cho biết Ấn Độ đang làm rất tốt vai trò nước chủ nhà trong việc tìm kiếm sự thỏa hiệp.
Dự thảo cho thấy nhóm đã đồng ý giải quyết vấn đề nợ ở các nước thu nhập thấp và trung bình "một cách hiệu quả, toàn diện, có hệ thống" nhưng không đưa ra bất kỳ kế hoạch hành động mới nào.
Dự thảo cũng cho thấy các quốc gia cam kết tăng cường và cải cách các ngân hàng phát triển đa phương, đồng thời chấp nhận đề xuất về quy định chặt chẽ hơn đối với tiền điện tử.
Các bên cũng nhất trí rằng thế giới cần tổng cộng 4.000 tỉ USD hằng năm cho tiến trình chuyển đổi năng lượng.
Hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày bắt đầu vào ngày 9-9 tại New Delhi. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều vắng mặt tại hội nghị.
Trung Quốc hôm 8-9 cho biết họ sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên và thúc đẩy đạt được kết quả tích cực tại hội nghị thượng đỉnh này.