Đằng sau động thái Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine

Mai Trang |

Điện Kremlin thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 30/9 sẽ tổ chức lễ ký kết thỏa thuận sáp nhập các vùng lãnh thổ mới từ Ukraine. Sau buổi lễ, ông Putin sẽ có bài phát biểu quan trọng và gặp lãnh đạo của 4 khu vực sắp được sáp nhập vào lãnh thổ Nga.

Một người phụ nữ bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về việc sáp nhập Nga ở Donetsk vào ngày 27/9 năm 2022. Ảnh: Getty Images

Một người phụ nữ bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về việc sáp nhập Nga ở Donetsk vào ngày 27/9 năm 2022. Ảnh: Getty Images

Nga sáp nhập 4 khu vực ở Ukraine

Tổng thống Nga đã ký sắc lệnh công nhận độc lập đối với hai vùng miền Nam Ukraine là Kherson và Zaporizhzhia, trước khi diễn ra lễ sáp nhập.

“Tôi ra lệnh công nhận chủ quyền và độc lập nhà nước của các khu vực Zaporizhzhia và Kherson, miền Nam Ukraine”, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết trong sắc lệnh được công bố tối 29/9 (giờ địa phương).

Từ ngày 23-27/9, hai nước cộng hòa nhân dân tự xưng Lugansk và Donetsk, Kherson, Zaporizhzhia của Ukraine đã tổ chức trưng cầu ý dân về việc sáp nhập vào Nga.

Tại Donetsk, hơn 99% cử tri của vùng này ủng hộ kế hoạch sáp nhập vào Nga. Tỷ lệ này ở Lugansk là hơn 98%. Kết quả kiểm phiếu tại tỉnh Kherson, miền Nam Ukraine cho thấy, khoảng 87% cử tri ở đây ủng hộ ý tưởng sáp nhập vào Nga. Tỷ lệ này ở vùng Zaporizhzhia là hơn 93%.

Với việc sáp nhập 4 khu vực ở Ukraine, Nga sẽ giành hơn 90.000 km2 lãnh thổ, tương đương 15% diện tích Ukraine với dân số khoảng 4 triệu người.

Những khu vực ở Ukraine mà Nga sẽ sáp nhập đã nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Moscow. Khu vực Donbass gồm hai nước cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng thân Nga kể từ năm 2014. Tổng thống Putin đã công nhận hai khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine là các quốc gia độc lập ngay trước khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Trong khi đó, Nga giành quyền kiểm soát Kherson và Zaporizhzhia gần như hoàn toàn hoặc một phần vào giai đoạn đầu của cuộc chiến.

Nga muốn gì khi sáp nhập 4 vùng ở Ukraine?

Việc sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine vào Nga đánh dấu sự leo thang căng thẳng trong cuộc xung đột giữa Moscow và Kiev.

Các nhà phân tích cho rằng, động thái này nhằm thể hiện cho phương Tây thấy rằng Nga không có ý định lùi bước khỏi các mục tiêu chính trị và quân sự trong chiến dịch quân sự ở nước láng giềng, bất chấp cuộc phản công của Ukraine ở phía Đông Bắc.

Trong những phát biểu gần đây, Tổng thống Putin và các quan chức Nga khẳng định sẽ bảo vệ lãnh thổ mới sáp nhập, trong đó để ngỏ cả khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân. Các nhà quan sát cho rằng, sự đe dọa này có thể sẽ khiến Ukraine thận trọng hơn và lực lượng Nga có thời gian tập hợp và huấn luyện lực lượng dự bị từ cuộc động viên một phần.

Andranik Migranyan, giáo sư tại Học viện Quan hệ Quốc tế Nhà nước Moscow, cho biết Nga quyết định thực hiện “các bước nghiêm túc và quyết đoán để giành lại thế chủ động” sau một cuộc phản công bất ngờ của Ukraine ở khu vực Đông Bắc.

Ông Migranyan lập luận rằng các cuộc trưng cầu ý dân và quyết định điều động thêm binh sĩ gần đây của Nga là dấu hiệu cho thấy quyết tâm của Moscow.

“Tôi nghĩ quyết định của Tổng thống Putin nhằm thay đổi đáng kể tình hình trên chiến trường và đặt cả phương Tây và Ukraine vào tình thế rất khó khăn”, ông Migranyan nói.

Phản ứng mạnh mẽ trước động thái của Nga

Mỹ, các đồng minh châu Âu và nhiều quốc gia khác phản đối việc Nga đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân và nói rằng việc cho phép một quốc gia giành được lãnh thổ mới bằng vũ lực sẽ tạo ra một tiền lệ gây bất ổn.

Các đồng minh phương Tây của Ukraine cho rằng các cuộc trưng cầu ý dân thể hiện sự ủng hộ gia nhập với Nga là “hành động giả tạo”.

Hai nghị sĩ Mỹ Richard Blumenthal và Lindsey Graham đã soạn dự luật kêu gọi trừng phạt bất kỳ quốc gia nào ủng hộ Nga sáp nhập 4 khu vực ở Ukraine.

“Nga sắp thực hiện kế hoạch sáp nhập. Chúng tôi muốn nói rằng bất kỳ quốc gia nào ủng hộ ông Putin trong hành động hoàn toàn phi pháp này sẽ phải chịu trách nhiệm và sẽ bị Mỹ cắt mọi hỗ trợ về kinh tế, quân sự”, ông Blumenthal nói.

Nhóm G7 cũng lên tiếng chỉ trích các cuộc trưng cầu ý dân là “bất hợp pháp”. “Chúng tôi, giới lãnh đạo các quốc gia G7, lên án mạnh mẽ việc các cuộc trưng cầu ý dân ‘giả’ mà Nga sử dụng làm cái cớ để thay đổi hiện trạng lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine. Những hành động trên rõ ràng vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, cũng như đi ngược lại những nguyên tắc pháp quyền giữa nhiều quốc gia”, thông cáo của giới lãnh đạo nhóm G7 cho biết.

Tổng thống Volodymyr Zelensky đã cảnh báo Nga về một phản ứng “rất gay gắt” của Ukraine nếu Moscow tiến hành sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Kiev, đồng thời cho rằng động thái này đã xóa tan cơ hội nối lại các cuộc đàm phán hòa bình.

Cuộc bỏ phiếu “không có giá trị và không thể thay đổi hiện thực. Sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine sẽ được khôi phục”, ông Zelensky tuyên bố.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo Nga đang “leo thang nguy hiểm" với kế hoạch sáp nhập lãnh thổ của Ukraine, vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc.

“Hiến chương nêu rõ mọi hành động sáp nhập lãnh thổ một quốc gia vào lãnh thổ quốc gia khác, nếu là hệ quả của đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, thì là hành vi vi phạm các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế”, ông Gueterres ngày 29/9 trả lời họp báo tại trụ sở ở New York, Mỹ.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Các nhà lãnh đạo ủy nhiệm của 4 vùng sắp sáp nhập đã tới Moscow và kêu gọi Tổng thống Putin chấp nhận các khu vực của họ là một phần của Nga. Nếu quy trình tuân theo khuôn mẫu được đặt ra vào năm 2014 khi Nga sáp nhập Crimea, ông Putin sẽ đệ trình dự thảo luật lên Quốc hội Nga đề xuất mở rộng biên giới của đất nước.

Sau đó, Tòa án Hiến pháp Nga sẽ xem xét đề xuất. Dự thảo luật về việc công nhận các vùng lãnh thổ mới sáp nhập vào Nga sẽ được trình lên Hạ viện. Nếu được phê duyệt, văn kiện sẽ được chuyển lên Thượng viện xem xét. Nếu được thông qua, Tổng thống Putin sẽ ký luật gia nhập và tuyên bố chủ quyền lãnh thổ mới.

“Luật này sẽ có hiệu lực không sớm hơn so với thời điểm các hiệp ước quốc tế có hiệu lực”, Thượng nghị sỹ Konstantin Kosachev cho biết./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại