Đằng sau câu chuyện tính lại GDP khiến thu nhập bình quân đầu người 'nhảy' lên 3.000 USD/năm là gì?

Nam Dương |

"Đánh giá lại quy mô GDP không phải là cách tính mới", Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm khẳng định tại buổi làm việc với một số cơ quan báo chí sáng 16/8. Ông Lâm cũng giải thích một vấn đề liên quan đến việc tính toán lại GDP Việt Nam.

Để đánh giá quy mô GDP, ông Lâm cho biết hiện có 3 phương pháp gồm: phương pháp sản xuất, sử dụng và thu nhập. Trong đó, phương pháp sản xuất và sử dụng được áp dụng theo quý, còn cứ 5 năm một lần, Tổng cục Thống kê sẽ dùng phương pháp thu nhập.

"Chúng tôi vẫn dùng phương pháp cũ để tính toán nhưng có sự rà soát lại", ông Lâm cho biết.

Việc rà soát, đánh giá lại quy mô GDP dựa trên phương pháp luận thống kê Liên Hợp Quốc khuyến nghị, xuất phát từ có nguồn thông tin phản ánh đầy đủ kết quả kinh doanh của nền kinh tế, hoàn toàn không có sự thay đổi phương pháp tính. Ông Lâm nhấn mạnh rằng cách tính GDP Việt Nam đúng theo thông lệ quốc tế.

Mặt khác, đây cũng không phải là lần đầu tiên Tổng cục Thống kê tiến hành đánh giá lại quy mô GDP của Việt Nam. Cụ thể, năm 2013 đơn vị này đã thực hiện đánh giá lại GDP giai đoạn 2008 – 2012, tuy nhiên thời điểm này chỉ tập trung vào một số lĩnh vực như ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, BĐS...

Về phạm vi đánh giá lại GDP, ông Lâm cũng khẳng định rằng trong lần tính toán này, Tổng cục Thống kê không đề cập đến kinh tế ngầm hay kinh tế bất hợp pháp. Điều này khác với những phỏng đoán mà các chuyên gia trong nước đưa ra trước đó. Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết hiện vẫn chưa thu thập được đầy đủ thông tin, con số về hoạt động kinh tế ngầm.

Nhưng ngay cả với khu vực kinh tế chính thức, việc thu thập thông tin cũng không dễ dàng. Chỉ đích danh Vietjet – là hãng hàng không tư nhân hiệu quả, nhưng ông Lâm thừa nhận việc tiếp cận thông tin của cơ quan thống kê rất khó khăn.

"Tổng điều tra kinh tế vừa rồi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Thống kê cũng có báo cáo gửi Bộ GTVT đề nghị nhưng sự phối hợp thông tin của Vietjet cũng không tốt. Chúng tôi phải vào website của họ lấy thông tin và lấy thông tin từ Tổng cục Thuế, số liệu liệu thông tin hành chính của Sở KHĐT mới lấy được thông tin đầy đủ hơn về doanh nghiệp này", ông Lâm cho biết.

Tuy nhiên, cũng trong lần rà soát toàn diện này, Tổng cục Thống kê đã bổ sung được thông tin của hơn 70.000 doanh nghiệp chưa được tính đến trước đó.

Tác động của đánh giá lại quy mô GDP

Ông Nguyễn Bích Lâm đã chỉ ra một số tác động khi đánh giá lại GDP với các chỉ tiêu vĩ mô của nền kinh tế.

Thứ nhất, nó sẽ tạo ra mức tăng đáng kể trong tổng giá trị GDP và GDP bình quân đầu người, từ đó tác động đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong các giai đoạn tiếp theo. Sự gia tăng của GDP bình quân đầu người có thể dẫn đến sự thay đổi trong mô hình tiêu dùng hộ gai đình do ước tính mức sống cao hơn hoặc đạt nhanh hơn đến mức quốc gia có thu nhập trung bình cao.

Thứ hai, việc đánh giá lại quy mô GDP sẽ không tác động đến mục tiêu tăng trưởng GDP trong kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội do tốc độ tăng trưởng kinh tế qua các năm có sự thay đổi rất nhỏ.

Thứ ba, về mặt cơ cấu GDP sẽ bị thay đổi do tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông – lâm – thuỷ sản.

Thứ tư, các chỉ tiêu chất lượng tăng trưởng được cải thiện nhưng mức thay đổi không lớn.

Thứ năm, nó sẽ phản ánh số liệu thấp hơn đối với nhiều chỉ tiêu như thu ngân sách/GDP, thuế/GDP, bội chi ngân sách/GDP, nợ công/GDP… Sự thay đổi có thể cho thấy khả năng mở rộng dư đia cho thu ngân sách và thuế, cũng như chi tiêu và vay Chính phủ. Tuy nhiên, ông Lâm khẳng định khả năng tác động là thấp vì thực tế việc thu ngân sách, thuế cũng như các tỷ lệ thu liên quan được quy định bởi văn bản pháp luật.

Cuối cùng, ông Lâm cho rằng khi quy mô GDP và GDP bình quân đầu người tăng lên có thể làm tăng đóng góp của Việt Nam cho các tổ chức quốc tế mà hiện nay Việt Nam đang là thành viên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại