Khi con cái kết hôn, mỗi ông bố, bà mẹ đều hy vọng sẽ đón tiếp con dâu hay con rể cùng quan viên hai họ trong tiệc cưới hoành tráng nhất có thể. Người không có điều kiện cũng cố gắng vay mượn sao cho rạp cưới thật lung linh, loa đài xập xình từ ngoài ngõ, cỗ cưới không đủ cao lương mỹ vị thì cũng đủ 8 món đầy đủ, bày biện đẹp mắt khiến ai nghĩ đến cũng phải "thòm thèm".
Gia đình nào có điều kiện hơn thì tổ chức ở nhà hàng, bàn hoa trang trọng, đồ ăn chẳng thiếu gì món ngon, của lạ. Thế nhưng, tất cả đều có một điểm chung, sao cho quan khách hài lòng, ngon miệng và vui vẻ nhất từ lúc dự tiệc cho đến khi ra về.
Có lẽ bởi thế mà chủ đề về những mâm cỗ cưới chưa bao giờ hết hot trên khắp các diễn đàn mạng xã hội. Mới đây, trong một group đông thành viên, một tài khoản Facebook đăng tải một đoạn clip ngắn về một đám cưới quê với loạt thức ăn mang đặc trưng nơi đây thu hút sự chú ý. Trong bức ảnh, mâm cỗ cưới này có đủ các món thịt như măng rừng, thịt bò, giò lụa, thịt trâu gác bếp, tôm hấp, thịt gà, xôi...
Mâm cỗ cưới mang đặc trưng vùng Tây Bắc khiến dân mạng xôn xao bình luận
Người thì cho rằng, đây toàn những món ăn ngon, mang đặc trưng vùng miền
Người lại cho rằng, cỗ cưới hơi ít và có phần giản dị quá.
Thế nhưng, mâm cỗ cưới này đã khiến dân mạng "nổ" ra 1 cuộc tranh luận xôn xao. Số đông thì cho rằng, mâm cỗ như thế này đã quá đủ đầy, toàn "cao lương mĩ vị" của núi rừng rồi, nhưng số khác lại cho rằng, cỗ cưới thế này là hơi... đạm bạc:
- "Nhìn cỗ cưới hơi đạm bạc nhỉ, giống mâm cỗ bình thường hơn là đám cưới".
- "Chắc do đặc trưng từng vùng miền, mình thấy cỗ cưới cũng giản dị, hơi ít món".
Tuy nhiên, số đông khác lại phản "dame" cực gắt vì cho rằng:
- "Các bác đòi hỏi ghê, thứ nhất đây là Tây Bắc, thứ 2, mỗi mâm thường chỉ ngồi 6 người, thứ 3, người ta đi phong bì cũng chỉ tầm 150 - 300k là cùng, mỗi nơi, mỗi vùng đều khác nhau".
- "Mình thấy cỗ trên vùng này cũng ngon mà. Đặc biệt là rất nhiều món thịt và các đặc trưng vùng như thịt trâu gác bếp, măng rừng, gà đồi này..., chứ ăn cỗ thành phố toàn mấy đĩa súp, húp vài thìa là hết. Chưa kể, dù cỗ giản dị mộc mạc nhưng mới đúng là đặc trưng của người dân nơi đây".
- "Mình rất thích ăn măng với trâu gác bếp, cơm nếp dẻo và rất ngon là đặc trưng nơi đây mà không phải nơi đâu cũng có, đừng so sánh vì mỗi vùng mỗi khác".
- "1 mâm có 6 người chứ không phải 10 người nên vậy không có ít đâu, với lại toàn đồ tự nhiên, gà đồi, măng núi, nếp nương, bao chất lượng nha! Đừng so sánh mà tội nghiệp. Hơn nữa, đi đám cưới quan trọng là tấm lòng, lời chúc phúc chứ ai trọng miếng ăn đâu".
Có thể thấy, dù không quá sang trọng và hào nhoáng với những chiếc bàn trải khăn trắng tinh, có hoa tươi trang trí, bồi bàn phục vụ tận miệng như trong các nhà hàng, nhưng mâm cỗ cưới ở quê lâu nay vẫn luôn khiến người ta yêu thích.
Mỗi vùng miền lại có những phong tục và đặc sản khác nhau, cỗ cưới ở quê giản dị nhưng món gì cũng có, lại là "cây nhà lá vườn" đảm bảo an toàn, cũng bày biện lịch thiệp, gọn gàng và đầy đặn, hơn thế lại thấm đẫm tình thân thì việc gì phải "sân si" nhiều hay ít, đúng không mọi người?