Trong gia đình, anh chị em là những người thân thiết chỉ xếp sau cha mẹ. Trong một gia đình, anh chị em có thể xảy ra tranh cãi, thậm chí có thể đánh nhau là chuyện bình thường, nhưng tình thân máu mủ như một sợi dây vô hình luôn gắn kết họ lại, hàn gắn mâu thuẫn.
Dù vậy, anh chị em có gần gũi đến đâu thì cũng cần phải được cha mẹ giáo dục giữ khoảng cách nhất định về mặt giới tính, nhất là ở tuổi đang lớn.
Đoạn video khiến người mẹ hứng chỉ trích
Tại một gia đình ở Sơn Đông, Trung Quốc, hai chị em đang vui đùa trên giường. Cảnh tượng này được chính người mẹ đăng tải trên mạng xã hội với mục đích khoe gia đình nhiều tiếng cười, nhưng lại bị nhiều người bày tỏ quan điểm: "Là mẹ mà lại để con cái làm như vậy, thật sự không biết cô đang nghĩ gì?"
Bất cứ bậc cha mẹ cũng mong các con của mình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, có lẽ người mẹ trong video này cũng vậy. Tuy nhiên, trong quá trình giáo dục tình cảm ấy, cần phải chú ý đến sự phát triển của trẻ. Khi trẻ lớn lên, việc giáo dục giữ khoảng cách với người khác giới là điều vô cùng quan trọng.
Quan sát trong video, có thể thấy cả hai đứa trẻ đang tuổi trưởng thành. Hai chị em đang ngồi ở mép giường, chị dùng tay nắm cổ em trai và trách mắng em. Chị yêu cầu em phải xin lỗi nhưng em trai không hợp tác. Sau đó, hai chị em vật lộn trên giường như thời còn nhỏ. Vì thế nên người mẹ vẫn đứng bên ngoài xem, cười và bình luận tỏ sự vui vẻ.
Tuy nhiên, vì người mẹ này thích đăng hình ảnh gia đình lên mạng xã hội nên cô cũng phải đối mặt với các quan điểm trái chiều. Nhiều người vào bình luận dưới video bày tỏ lo ngại về việc liệu bà mẹ này có dạy cho con cái về khoảng cách giới tính và cách tự bảo vệ bản thân hay không?
Theo các ý kiến phản đối, hai chị em đã không còn là những đứa nhỏ nữa. Cả hai đang lớn khôn nhưng vẫn giữ thói quen vui đùa giống hệt như vậy là không phù hợp. Một người dùng để lại bình luận: "Hai chị em đã lớn như vậy mà vẫn gần gũi nhau như vậy, có vẻ không ổn."
Trong câu chuyện này, hai chị em trong đoạn video không cảm thấy ngại ngùng hay khó xử, ngược lại, họ vẫn rất gần gũi và tự nhiên với nhau là điều dễ hiểu. Khi trẻ lớn lên, việc tiếp xúc với nhau vẫn cần có sự giáo dục đúng đắn từ phía cha mẹ. Đặc biệt là việc dạy cho trẻ cách giao tiếp và ứng xử với người khác giới...
Khi nào nên giáo dục giới tính cho con?
Khi bàn đến việc dạy con về giới tính, tâm lý chung của nhiều cha mẹ đều e ngại và không biết nên chia sẻ với con như thế nào cho đúng. Thậm chí nhiều người còn cho rằng con còn quá nhỏ, mới học mẫu giáo, không cần dạy hoặc tránh dạy con điều này vì cho rằng độ tuổi như vậy là quá sớm.
Với hơn 40 năm chuyên nghiên cứu về tâm lý trẻ em, Giáo sư Lý Mai Cẩn - hiện đang là Giáo sư Tâm lý học kiêm Phó Giám đốc Ủy ban Chuyên môn Tâm lý Pháp lý của Hiệp hội Tâm lý Trung Quốc. Bà nổi tiếng với những bài học dạy con dành cho các bậc cha mẹ.
Theo Giáo sư Lý Mai Cẩn, giáo dục giới tính cho trẻ nên bắt đầu từ thời điểm trẻ rời khỏi tầm mắt mẹ. Trong cuộc sống sẽ có những trường hợp trẻ không nằm trong tầm kiểm soát của cha mẹ. Trước khi đưa con đi mẫu giáo, cha mẹ phải bắt đầu giáo dục giới tính cho con. Ví dụ, khi mẹ tắm cho con, mẹ nói cho con biết những bộ phận nào của con mà người ngoài không được phép chạm vào.
Trẻ từ 6 – 11 tuổi bắt đầu có những tò mò và đặt các câu hỏi về vấn đề giới tính. Cha mẹ và thầy cô có thể cung cấp thông tin về giới tính cho các con bằng cách đưa kiến thức vào các môn học tại trường hoặc tổ chức các hoạt động ngoại khóa với chủ đề này.
Cha mẹ chính là những người thầy luôn bên cạnh dạy dỗ và dẫn dắt con trẻ, chính vì vậy từng lời nói, hành động và thói quen của cha mẹ có tác động vô cùng lớn tới sự hình thành nhân cách và tính cách của con sau này. Do đó, việc lựa chọn cách giáo dục con cái, trong đó có giáo dục giới tính, sao cho thật phù hợp và đúng đắn là điều vô cùng quan trọng.
Theo Sohu