Truyền thông Trung Quốc đưa tin, vào chiều ngày 25/5 vừa qua, một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng đã xảy ra tại khu chợ Thành Bắc, thành phố Hàng Châu.
Một số nhân chứng cho hay, vào khoảng 16h15, ngọn lửa và khói bất ngờ bùng phát ở một gian hàng trên đường Thụ Nhân thuộc khu chợ. Đám cháy nhanh chóng lan sang các gian hàng khác và vượt tầm kiểm soát của người dân.
Hiện trường vụ hỏa hoạn
Sau khi nhận được tin báo, lực lượng cứu hỏa đã ngay lập tức điều động nhiều xe chữa cháy và vòi rồng đến hiện trường. Phải mất 2 tiếng, ngọn lửa mới được dập tắt.
Thông tin ban đầu từ giới chức địa phương cho hay, đám cháy làm thiêu rụi hàng chục lô hàng cùng nhiều tài sản của người dân trong chợ. Rất may vụ cháy không gây thiệt hại nào về người.
Sẽ không có gì đáng nói nếu như những bức hình chụp lại cảnh người dân xung quanh tìm mọi cách để "hóng" diễn biến vụ cháy không xuất hiện trên mạng xã hội Weibo.
Người dân đổ xô lên đỉnh của một tòa nhà cao tầng gần đó để theo dõi vụ cháy.
Từ những hình ảnh trên Weibo, có thể thấy rất nhiều người đã chăm chú theo dõi và không quên chụp hình, "đưa tin" về vụ cháy.
Đáng nói, một số người thậm chí còn liều lĩnh trèo qua lan can để quan sát rõ hơn diễn biến sự việc.
Mặc dù những người này đã được bảo vệ tòa nhà nhắc nhở và yêu cầu rời khỏi khu vực nguy hiểm, tuy nhiên họ vẫn ngoan cố nhất quyết không chịu đi.
Bảo vệ tòa nhà bất lực vì một số người nhất quyết không chịu rời khỏi khu vực nguy hiểm
Những tấm hình trên sau khi đăng tải trên mạng xã hội đã nhận được hàng nghìn lượt bình luận và chia sẻ. Phần lớn các ý kiến đều "ném đá" thói hiếu kỳ, hóng hớt khó bỏ của một bộ phận người dân Trung Quốc.
Một cư dân mạng thẳng thắn thừa nhận: "Đó là thói xấu của nhiều người Trung Quốc, thấy chỗ nào đông là xúm vào xem. Nhiều người chết oan vì hiếu kỳ rồi mà dân ta vẫn chưa chừa sao?".
Có bạn trẻ lại cho rằng mạng xã hội chính là nguyên nhân: "Bây giờ mạng xã hội phát triển, người ta ra đường thấy cái gì hay là phải chụp, phải quay cho bằng được, chỉ để nhằm mục đích đăng lên mạng. Ngày càng nhiều người sống ảo".
Trong khi đó, nhiều người liên tưởng đến tình tiết trong tác phẩm của Lỗ Tấn, một nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc.
Một cư dân mạng mỉa mai: "Những người đang quan sát đám cháy kia ‘người nào người nấy rướn cổ ra như cổ vịt và bị một bàn tay vô hình nắm lấy xách lên’. Bây giờ thì các bạn đã hiểu hàm ý sâu xa trong tác phẩm Thuốc của Lỗ Tấn chưa ạ?"
Câu chuyện rõ ràng xoáy sâu vào thói hiếu kỳ, thích xen vào chuyện người khác của người dân Trung Quốc.
Điều đáng nói là không chỉ ở Trung Quốc, ngay cả ở Việt Nam, thói quen tụ tập hóng chuyện vì hiếu kỳ, tò mò có thể nói dường như đã trở thành "chuyện thường ngày" của rất nhiều người.