Tại thành phố Mexico, việc đi bộ trên đường phố hoặc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng dường như trở thành vấn đề có mức độ rủi ro cao hơn bao giờ hết.
Theo dữ liệu được công bố gần đây, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2019 đã có khoảng 70 vụ tấn công bạo lực xảy ra tại thủ đô Mexico City.
Khoảng 2/3 các tên tội phạm đều nhắm vào người đi bộ, trong khi những kẻ còn lại đe dọa hành khách tham gia giao thông công cộng; người lái xe chờ đèn đỏ hoặc bị tắc đường.
Tỷ lệ tội phạm trong thành phố gia tăng nhanh chóng đến mức người dân phải tự sắm cho mình những chiếc điện thoại thông minh giả giống thật để giao nộp cho những tên cướp thay vì những chiếc điện thoại thật.
Những chiếc điện thoại “đóng thế” có giá dao động từ 300 đến 500 peso (khoảng 350.000 đến 590.000 đồng) dường như là bản sao hoàn hảo của những chiếc điện thoại thật.
Chúng được thiết kế giống hệt với thương hiệu của các mẫu điện thoại thông minh phổ biến hiện nay như Iphone hay Samsung Galaxy, có khả năng bắt chước khởi động màn hình y như thật.
Bên trong mỗi chiếc điện thoại giả còn được gắn những miếng kim loại lớn tạo cho chúng có trọng lượng bằng với trọng lượng của một chiếc điện thoại thật.
Axel, một chủ cửa hàng bán lẻ điện thoại, cho xem một chiếc điện thoại hàng giả. Ảnh: AP/Eduardo Verdugo
“Những chiếc điện thoại giả trở thành vật rất hữu ích khi gặp những vụ trộm cướp ở Mexico”, Alex - một người bán điện thoại thông minh giả - chia sẻ.
Những tên cướp thường đe dọa: “Đưa hết điện thoại di động và mọi thứ ra đây”, và dĩ nhiên mọi người lúc đó phải nhanh chóng giao điện thoại cho chúng chỉ trong vài giây.
Thời điểm đó chúng sẽ không thể nhận ra chiến điện thoại cướp được là thật hay giả.
Axel cho biết tất cả những khách hàng của anh đều biết rằng những chiếc điện thoại họ đang mua là hàng giả.
Nhiều người khác còn mua những chiếc nhẫn giá rẻ giống nhẫn thật với hy vọng có thể đánh lừa những tên cướp, mục đích để bảo toàn mạng sống cũng như những chiếc điện thoại thật của mình.
Tuy nhiên, việc giao nộp đồ giả cho những tên cướp khi bị đe dọa cũng đem lại nhiều rủi ro. Nếu những kẻ cướp nhận ra chúng đang bị lừa thì có khả năng cao chúng sẽ đánh đập hoặc thậm chí bắn chết nạn nhân.
Điện thoại thông minh giả xuất hiện được hơn một thập kỷ, nhưng đến một vài năm trở lại đây chúng mới xuất hiện nhiều tại các cửa hàng bán lẻ điện thoại.
Ngày nay, khi nạn cướp giật hoành hành phổ biến ở thủ đô Mexico, người dân thường có xu hướng mua chúng để tránh việc bị mất tài sản và để bảo vệ những dữ liệu giá trị có trong máy điện thoại.
Để đối phó với tình trạng trộm cướp, tuần qua, chính quyền của thành phố Ixtapalpa miền Đông – một trong những thành phố lớn nhất nhưng lại nghèo nhất Mexico - đã đề xuất chương trình để cảnh sát đi trên xe buýt để ngăn chặn những vụ trộm cướp.