Dân mạng dậy sóng tranh cãi bởi "trường hợp của Lan" - 3 năm đi làm chăm chỉ không tăng lương

Trần Trang |

"Sau 3 năm làm việc chăm chỉ, không vi phạm kỷ luật gì, Lan vẫn không được tăng lương hay thăng tiến, trong khi đồng nghiệp mới thì lên như diều. Một hôm, cô ngỡ ngàng nhận ra lý do…"

Câu chuyện về nhân viên xuất sắc và nhân viên mẫn cán

Mới đây, một câu chuyện không quá mới mẻ nhưng khá thú vị về sự phân loại giữa nhân viên xuất sắc và nhân viên mẫn cán đã được chia sẻ lại trên mạng xã hội và thu hút được nhiều tranh luận của dân mạng.

Chuyện kể rằng: “Cô Lan đã làm việc tại công ty gần 3 năm, nhưng mới đây một nhân viên được tuyển dụng vào sau cô lại được thăng chức, còn cô thì không. Thế rồi một ngày, cô Lan tìm đến người sếp để nói chuyện.

“Thưa sếp, tôi đã từng đến trễ, về sớm hay bị kỷ luật bao giờ chưa?”.

Người sếp chỉ đơn giản trả lời: “Không có”.

“Vậy công ty có thành kiến với tôi không?”. Người sếp lúc này hơi sững sờ một lúc rồi trả lời: “Dĩ nhiên là không”

“Tại sao người có trình độ chuyên môn thấp hơn cả tôi lại có thể được trọng dụng, mà tôi thì vẫn phải làm một công việc tầm thường?”

Người sếp im lặng một lúc rồi mỉm cười nói: “Việc của cô chúng ta sẽ đợi một lát sẽ bàn, hiện giờ tôi đang có một việc gấp cần xử lý, nếu không cô hãy giúp tôi xử lý việc này trước đã?”

Ông sếp nói tiếp: “Một khách hàng sẽ đến công ty để kiểm tra tình trạng sản phẩm, cô hãy liên lạc với họ hỏi xem khi nào họ đến?”

“Đây là một nhiệm vụ quan trọng”, bước ra đến cửa cô còn không quên quay lại cười với ông.

Dân mạng dậy sóng tranh cãi bởi trường hợp của Lan - 3 năm đi làm chăm chỉ không tăng lương - Ảnh 1.

Sau 3 năm làm việc chăm chỉ, không phạm lỗi, cô Lan vẫn không được thăng tiến, trong khi đồng nghiệp ít kinh nghiệm hơn đã thăng chức. (Ảnh minh họa)

Sau 15 phút, cô quay trở lại văn phòng của ông chủ.

Sếp hỏi: “Cô đã liên hệ được với họ chưa?”

Cô trả lời: “Đã liên hệ được với họ rồi nhưng họ nói rằng tuần tới mới có thể qua”.

Ông sếp hỏi tiếp: “Cụ thể là vào thứ mấy tuần sau?”

Cô gái ấp úng nói: “Cái này tôi chưa hỏi rõ”.

“Vậy có bao nhiêu người đến?”

“A! Giám đốc không nhắc tôi hỏi điều này?”

“Vậy họ đến đây bằng tàu hỏa hay máy bay?”

“Cái này ngài cũng không nhắc tôi hỏi!”

Sếp đã không nói gì nữa, mà thay vào đó gọi một nhân viên khác có tên Trương Thái vào. Anh Trương Thái vào công ty trễ hơn cô một năm, hiện giờ đã là người đứng đầu của một bộ phận.

Trương Thái đã nhận nhiệm vụ tương tự như của cô. Sau một lúc anh ấy đã quay lại.

Anh Thái cho biết: “Sự việc là như vậy… Họ sẽ đáp máy bay vào 3 giờ chiều ngày thứ sáu tuần sau, khoảng 6 giờ tối sẽ đến đây. Họ có tổng cộng 5 người do trưởng phòng tiêu dùng ông Nam dẫn đầu. Tôi đã báo họ là công ty sẽ cho người ra sân bay để đón”.

“Ngoài ra, họ còn có kế hoạch nghiên cứu 2 ngày tại đây. Cụ thể về lịch trình thì sau khi đến đây hai bên sẽ bàn bạc để biết rõ hơn. Để tạo thuận lợi cho công việc, tôi đề xuất sắp xếp họ ở tại khách sạn quốc tế gần đó, nếu ngài đồng ý, ngày mai tôi sẽ đặt phòng trước”.

“Còn nữa, trong tuần tới dự báo thời tiết có mưa, tôi sẽ giữ liên lạc với họ bất cứ lúc nào. Nếu tình hình thay đổi, tôi sẽ báo cáo lại cho ngài ngay”.

Sau khi anh Thái rời đi, sếp đã quay sang nói với cô gái: “Bây giờ chúng ta hãy nói về câu hỏi của cô”.

“Không cần nữa ạ, tôi đã biết lý do, làm phiền ngài rồi”.”

Dân mạng dậy sóng tranh cãi bởi trường hợp của Lan - 3 năm đi làm chăm chỉ không tăng lương - Ảnh 2.

Câu chuyện được chia sẻ lại trên một trang cá nhân và nhanh chóng thu hút sự chú ý của dân mạng.

Người chia sẻ câu chuyện trên cho rằng, đó là một bài học hay về sự khác biệt giữa các “hạng” nhân viên và quyết định, ai sẽ là người đóng vai trò quan trọng cũng như thăng tiến nhanh trong công việc.

“Mọi người đều bắt đầu từ những điều đơn giản nhất, những việc tưởng như bình thường nhất. Hôm nay bạn tự mình dán những loại nhãn hiệu cho bản thân, có lẽ ngày mai nó sẽ quyết định bạn sẽ được giao cho những trọng trách nhiệm vụ gì.

Mức độ quan tâm về công việc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công việc. Bất kỳ công ty nào cũng cấp bách cần những nhân viên chủ động và có trách nhiệm trong công việc. Những nhân viên xuất sắc thường không bao giờ thụ động chờ đợi người khác sắp xếp cho công việc.

Ngược lại họ sẽ chủ động tìm hiểu những gì họ nên làm, và sau đó tự mình đi hoàn thành tất cả” – đó là triết lý mà người chia sẻ đúc rút qua câu chuyện của mình.

Nhân viên không thăng tiến: nhân viên tồi hay sếp tệ?

Thật thú vị là ngoài những ý kiến đồng ý với sự “phân loại” nhân viên theo thái độ tích cực, chủ động cũng như sự tinh tế trong cách ứng xử với công việc, không ít người cũng thẳng thắn cho rằng, câu chuyện trên cần được hiểu theo những cách khác.

Facebooker Goh Nice cho rằng, đây “Chỉ là lý thuyết để lừa mấy em mới ra trường thôi! Nên hiểu rằng, dù anh đi khắp thế giới thì cũng không bao giờ tìm được sự công bằng. Lý do tăng lương hay xuống lương là cả 1001 lý do, hơn nhau ở chỗ là tuỳ cơ ứng biến”.

Cũng cùng quan điểm này, nick Thành Tâm cho rằng, “Sự thật sẽ khác. Cuộc đời có rất nhiều ngã rẽ.

Câu chuyện này, nếu viết tiếp là chị nhân viên nộp đơn xin nghỉ, nhờ vào kinh nghiệm 3 năm làm việc, gặp công ty khác, gặp được người sếp biết đào sâu khả năng và chị rút từ kinh nghiệm cũ, vị trí của chị sẽ đi xa hơn nữa”.

Còn với nick Lê Thái, người đã ít nhiều có trải nghiệm xã hội, câu chuyện này “cách xa thực tế quá nhiều và đôi khi còn mang tính phiến diện.

Nếu đọc câu chuyện này chỉ để rút ra bài học là: khi sếp bạn yêu cầu bạn làm một việc gì đó thì hãy làm đến nơi đến chốn, rõ ràng và đầy đủ thì nghe vẻ rất hợp lý.

Nhưng dẫn dắt bằng việc một nhân viên làm việc 3 năm chăm chỉ, đến sớm về muộn, công ty không thành kiến, để rồi đánh giá nhân viên đó năng lực không bằng người mới làm thì quả là vô lý.

Vì người mới thì sẽ có sự sáng tạo và năng động nhưng người cũ lại có kinh nghiệm trong công ty. Nếu không được việc thì họ đã không làm đến 3 năm.

Học phải biết chọn lọc, cái hay chưa chắc lại hợp với môi trường chúng ta đang làm việc, nên cần phải tùy cơ ứng biến, thay đổi liên tục để phù hợp với nhu cầu sống”.

Dân mạng dậy sóng tranh cãi bởi trường hợp của Lan - 3 năm đi làm chăm chỉ không tăng lương - Ảnh 3.

Ảnh minh họa được người chia sẻ câu chuyện khéo léo đưa vào, với dụng ý những điều ta nhìn thấy chưa hẳn là sự thật?

Không chỉ bàn về chuyện làm thế nào để là một nhân viên giỏi và thăng tiến, câu chuyện này còn khiến nhiều người suy ngẫm về khái niệm một người lãnh đạo tốt.

Nhiều người cho rằng, điều quan trọng của một nhân viên không phải là theo công ty nào mà là theo người sếp nào, vì một người lãnh đạo tốt sẽ hiểu được ưu khuyết của từng nhân viên, cũng như tạo lực đẩy mạnh mẽ cho các nhân viên phát triển tối đa năng lực, từ đó tạo nên một tập thể vững mạnh.

Facebooker Suri Hoang Anh cho rằng: “Trong câu chuyện này, có thể thấy cô nhân viên không hề biết vấn đề của mình nằm ở đâu cho đến 3 năm sau, cảm thấy quá bức xúc xông vào phòng để hỏi.

Mối quan hệ giữa sếp và nhân viên không phải là mối quan hệ mua bán sức lao động, đó là mối quan hệ hợp tác. Đã tuyển nhân viên vào thì phải có trách nhiệm huấn luyện cho nhân sự về mặt chuyên môn, còn nếu cảm thấy không còn phù hợp thì nên cho nghỉ để không mất thời gian đôi bên chứ không phải là cứ mặc kệ, để cho họ ngồi đó, không hướng dẫn cũng chẳng bảo họ ra đi”.

Dân mạng dậy sóng tranh cãi bởi trường hợp của Lan - 3 năm đi làm chăm chỉ không tăng lương - Ảnh 4.

Không chỉ nghĩ về phận nhân viên, cách lãnh đạo cũng là điều dân mạng đúc rút từ câu chuyện có vẻ đơn giản này.

Cũng cùng quan điểm, nick Đỗ Trung cho rằng, vị giám đốc trên là người không tinh tế. “Làm việc 3 năm tại một vị trí, chưa mắc khuyết điểm hay bị khiển trách nhưng không được nâng lương chỉ vì không làm được tốt như một nhân viên mới xuất sắc.

Nếu ai cũng xử lý như vị giám đốc này thì chắc mấy chị làm thu ngân, văn thư, thư viện chả bao giờ được tăng lương cả. Lương không chỉ có tác dụng bù đắp sức lao động đã bỏ ra mà còn có công dụng khuyến khích người lao động.

Có thể anh không xuất sắc nhưng anh cống hiến, tận tụy, trung thành thì đáng được ghi nhận, ít nhất là bằng một mức lương khá hơn.

Cứ thử ứng xử như thế này, thực tế sẽ cho vị giám đốc này một cuộc đấu đá nội bộ giữa các nhân viên thôi, rồi lại ma cũ bắt nạt ma mới, chia bè kéo phái, cô lập bắt nạt chứ khó mà thúc đẩy cả công ty đi lên”.

Những luồng ý kiến khác nhau về câu chuyện này, đều có lý riêng theo cách của mình.

Và có một bài học quan trọng với tất cả chúng ta, dù đang là nhân viên hay lãnh đạo, đó là cần hiểu mình, hiểu công việc và làm việc hết mình, không chỉ bằng hăng say hay mẫn cán, mà còn cần sự am hiểu, tinh tế cũng như sự cầu toàn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại