Nội dung chính
- Dân làng chung tay nuôi nam sinh đi học
- Quyết định trở lại quê hương
- Điều quan trọng hơn cả vật chất
Hạ Tinh Long, sinh năm 1980 tại một ngôi làng trên cao nguyên Hoàng Thổ, Lâm Phần, Sơn Tây, Trung Quốc. Nơi đây núi non hiểm trở, đất đai cằn cỗi, quanh năm khô hạn. Khi đó, trong làng không có bác sĩ, đường đến trạm y tế xã và bệnh viện huyện lại xa xôi cách trở. Năm Hạ Tinh Long 12 tuổi, ông nội anh qua đời vì không được chữa trị kịp thời. Từ đó, anh âm thầm quyết tâm không để bi kịch tương tự xảy ra.
Năm 1996, sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, Hạ Tinh Long thi đỗ trường y. Tuy nhiên, cha anh lại trăn trở trước khoản học phí hơn 3.000 NDT (khoảng 10,5 triệu đồng). Lúc bấy giờ, thu nhập cả năm của gia đình chỉ hơn 1.000 NDT (khoảng 3,5 triệu đồng). Không muốn cha mẹ lo lắng, Hạ Tinh Long định bỏ học đi làm thuê.
Nghe tin, bà con lối xóm kéo đến nhà Hạ Tinh Long và nói: "Chỗ chúng ta có một người đỗ đại học là không dễ dàng. Con muốn học thì cứ để nó học, học phí chúng ta cùng nhau góp lại."
Những ngày đầu và sự tin tưởng từ người dân
Thế là, người 50 NDT, người 100 NDT, cuối cùng cũng đủ tiền học phí. Ngày nhập học, Hạ Tinh Long nắm chặt số tiền 3.000 NDT học phí, nói với bà con: "Cháu nhất định sẽ quay về báo đáp mọi người."
Suốt thời gian học, Hạ Tinh Long không dám lãng phí một phút giây nào, vì phần lớn tiền học của anh là nhờ bà con gom góp vào hỗ trợ. Sau khi tốt nghiệp, anh đến bệnh viện huyện thực tập. Vì không có tiền thuê nhà, anh ở lại bệnh viện trực đêm. Kết thúc thời gian thực tập, thành tích của Hạ Tinh Long đều xuất sắc. Thầy cô và bạn bè đều mong anh ở lại trường làm việc nhưng anh đều từ chối. Anh nói: "Tôi không thể phụ lòng bà con."
Khi anh báo tin sẽ về làng làm bác sĩ, cả nhà đều phản đối. Hạ Tinh Long phải giải thích từng người một. Thấy anh đã quyết tâm, cha mẹ người thân cũng không nói gì thêm. Thế là Hạ Tinh Long trở về quê, đồng thời anh cũng kết hôn với người bạn gái đã đồng hành suốt nhiều năm qua.
Cha mẹ anh đã dồn hết tiền tiết kiệm để ủng hộ anh. Mùa xuân năm 2000, phòng khám của Hạ Tinh Long được mở. Anh in hơn 4.000 tờ rơi phát cho bà con nhưng mọi người lại không đến, cho rằng anh còn quá trẻ, thiếu kinh nghiệm.
Vượt qua khó khăn, khẳng định y đức bằng hành động
Một đêm nọ, con trai của một cụ già 85 tuổi trong làng tìm đến anh. Hóa ra cụ già đang hấp hối, đã được cấp ba giấy báo bệnh nguy kịch và đang chuẩn bị hậu sự. Con trai cụ già đành liều gọi Hạ Tinh Long đến xem, nói: "Anh xem thử, được thì được, không được thì thôi!".
Hơn mười ngày liền, Hạ Tinh Long túc trực bên cạnh cụ già, quan sát, chẩn đoán, dùng thuốc, cuối cùng đã thành công cứu sống bà cụ. Tiếng lành đồn xa, Hạ Tinh Long nổi tiếng khắp làng. Người dân ở các vùng lân cận tìm đến chữa bệnh nườm nượp.
Để thuận tiện cho bà con, Hạ Tinh Long in danh thiếp phát đến từng nhà. Chỉ cần bà con cần, anh sẵn sàng đến tận nhà khám bệnh bất cứ lúc nào.
Thời gian trôi qua, danh tiếng của Hạ Tinh Long ngày càng vang xa. Thương con vất vả, cha anh mua cho anh một chiếc xe đạp với giá 40 NDT. Nhưng đường núi khó đi, gặp trời mưa vẫn phải đi bộ. Vì vậy, anh bàn với cha vay tiền mua một chiếc xe máy.
Năm 2013, Hạ Tinh Long nhận được điện thoại. Một đứa trẻ ở làng bên cạnh bị sốt co giật. Nhận được điện thoại, anh vội vàng đi khám bệnh. Lúc này trời vừa mới có tuyết, trên đường lại đóng một lớp băng. Khi lên một con dốc, xe máy của Hạ Tinh Long bất ngờ mất lái, ngã xuống. May mắn là anh vẫn kịp đến cứu đứa trẻ.
Ngày hôm sau, lại có người gọi điện báo cụ già bị lên cơn hen suyễn. Lần này, trên đường đi, anh lại bị lăn xuống mương. Khi anh đến nơi, tất cả mọi người đều xúc động không nói nên lời.
Cám dỗ vật chất và món nợ ân tình
Tưởng rằng lần này sẽ được nghỉ ngơi, nhưng nằm được vài ngày, Hạ Tinh Long lại tiếp tục khám chữa bệnh miễn phí. Có ngày anh phải đi khám đến 30 lần!
Làm việc vất vả khiến Hạ Tinh Long mắc nhiều bệnh. Bà con xót thương anh nhưng anh lại nói: "Bệnh nhân như người thân, điện thoại reo là có bệnh, chỉ cần điện thoại reo, tôi phải chạy đua với thời gian."
Năm 2009, con của anh đến tuổi đi học. Để con được học hành tốt hơn, vợ anh tìm được một căn nhà mặt tiền trong thành phố, dự định vừa mở phòng khám vừa chăm sóc con.
Nhưng Hạ Tinh Long biết chuyện liền kiên quyết phản đối. Hai vợ chồng vì chuyện này mà xích mích. Không ngờ, bà con nghe tin liền đến khuyên anh ở lại. Người thì mang tiền, người thì mang đồ đến. Trong đó, có một cụ già cầm một xấp tiền nhàu nát đưa cho anh, nói: "Mấy năm nay hai vợ chồng vất vả rồi. Đây là số tiền khám bệnh bà còn nợ, cuối năm tôi nhất định sẽ trả hết. Tinh Long, con ở lại đi! Con mà đi rồi, chúng ta thật sự không biết làm sao."
Cuối cùng, vợ anh một mình đưa con lên thành phố học, lúc rảnh rỗi cũng về giúp chồng làm những việc lặt vặt.
Năm 2013, Hạ Tinh Long tham gia buổi họp lớp. Bạn bè lâu ngày không gặp đã thay đổi rất nhiều, cuộc sống đều khấm khá. Còn anh ăn mặc giản dị, nhìn lại không có tài sản gì có giá trị. Hơn 20 năm, Hạ Tinh Long phục vụ 24/24 cho hơn 4.000 người dân của 28 ngôi làng lân cận. Anh đã đi hỏng 7 chiếc xe máy, mòn biết bao nhiêu đôi giày, quãng đường khám bệnh lên tới hơn 400.000 km. Chỉ riêng tiền thuốc men anh tự bỏ ra đã hơn 100.000 NDT (khoảng 350 triệu đồng), tổng số tiền khám bệnh miễn phí lên tới hơn 350.000 NDT (khoảng 1,2 tỷ đồng).
Năm 2016, Hạ Tinh Long được bình chọn là một trong mười nhân vật truyền cảm hứng năm 2016 của Trung Quốc. Số tiền học phí trước đây không ai nhắc đến. Còn Hạ Tinh Long luôn cảm thấy, trả tiền thì dễ, nhưng trả ơn thì khó, cách tốt nhất để anh báo đáp lòng tốt của mình là gắn bó với mảnh đất này và dùng kiến thức, khả năng của mình để bảo vệ sức khỏe cho người dân trong làng.
(Theo Sohu, 163)