Dân làng đập chết sói hoang vì săn trộm gia súc, ngờ đâu là loài quý hiếm lần đầu xuất hiện sau hơn 70 năm

J.D |

Câu chuyện xảy ra vào đầu tháng 6, nhưng bây giờ người nông dân mới biết họ đã làm gì.

Theo như các chuyên gia động vật hoang dã đưa tin, thì mới đây tại Bangladesh đã xảy ra một sự kiện khiến giới khoa học phải đau lòng.

Chuyện xảy ra vào đầu tháng 6/2019 tại một ngôi làng gần rừng Sundarbans - khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới bao phủ cả Ấn Độ lẫn Bangladesh. 

Dân làng khi đó đã bắt gặp một con sói đang tìm cách săn trộm gia súc. Con sói sau đó bị bắt giữ và đánh đến chết - một câu chuyện điển hình cho sự xung đột về lợi ích giữa động vật hoang dã và con người. 

Dân làng đập chết sói hoang vì săn trộm gia súc, ngờ đâu là loài quý hiếm lần đầu xuất hiện sau hơn 70 năm - Ảnh 1.

Tuy nhiên mới đây, khi hình ảnh xác sói được gửi đến các chuyên gia để xét nghiệm cho kết quả thì một sự thật bất ngờ đã lộ ra. 

Hóa ra đó là một con sói xám Ấn Độ - loài sói siêu quý hiếm, đã biến mất tại Bangladesh từ năm 1949 theo thống kê của IUCN. 

Hay nói cách khác, đây là lần "tái ngộ" đầu tiên của loài sói xám Ấn Độ trên mảnh đất Bangladesh, và nó đã kết thúc bằng một bi kịch.

"Qua ảnh, chúng tôi xác nhận rằng đó là một con sói xám Ấn Độ," - trích lời Y.V Jhala từ Viện động vật hoang dã Ấn Độ. 

Dân làng đập chết sói hoang vì săn trộm gia súc, ngờ đâu là loài quý hiếm lần đầu xuất hiện sau hơn 70 năm - Ảnh 2.

Sói xám Ấn Độ - loài vật quý hiếm đã biến mất khỏi Bangladesh nhiều thập kỷ qua.

Được biết hiện có khoảng 3000 cá thể sói xám đang sống tại Ấn Độ, một số là trong môi trường nuôi nhốt. Nhưng ở Bangladesh, chúng đã biến mất từ thập niên 1940, rời khỏi các khoảng rừng phía Bắc và Tây Bắc.

Anwarul Islam - chuyên gia động vật học từ ĐH Dhaka - đã thu thập mẫu ADN để tìm kiếm thêm dấu vết của sói xám tại Bangladesh.

"Người ta nói rằng con sói bị đánh đến chết."- Islam đau lòng nói. "Chúng tôi cần thực hiện một vài khảo sát nữa, để xem liệu chúng có di chuyển theo bầy hay không."

Nhiều loài động vật - bao gồm linh cẩu sọc, hươu đầm lầy... - đã biến mất khỏi Bangladesh trong vài chục năm qua, chủ yếu do tác động của con người.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại