Dân Iran không thể hành hương đến Ả Rập Saudi

P.Nghĩa |

Chính phủ Iran và Ả Rập Saudi đã thất bại khi giải quyết tranh cãi về cuộc hành hương Hajj khiến công dân Iran không thể đến thánh địa Mecca vào tháng 9 năm nay.

Bộ trưởng Văn hóa Iran Ali Jannati đổ lỗi cho phía Ả Rập Saudi gây trở ngại trong khi Riyadh nói rằng điều kiện mà Tehran đưa ra không thể chấp nhận.

Theo ông Jannati, kết thúc 2 loạt đàm phán, Ả Rập Saudi đã bỏ qua quyền lợi của người dân Iran, không cho họ tham dự lễ hành hương và “chặn con đường dẫn tới Thánh Allah”.

Ông cũng cáo buộc Riyadh không đáp ứng được các yêu cầu như đảm bảo an toàn và tôn trọng đối với người hành hương Iran. Vì vậy, Bộ trưởng Jannati lấy làm tiếc khi người dân nước này không thể tham dự lễ Hajj vào tháng 9 tới. Năm ngoái, có tới 60.000 người Iran có mặt.

Đài BBC (Anh) cho biết vấn đề thị thực và các chuyến bay đến Ả Rập Saudi được xem là mấu chốt dẫn đến bế tắc trong các cuộc đàm phán vừa kết thúc hôm 27-5.

Bộ Hajj và Umrah của Ả Rập Saudi thông báo Riyadh đồng ý cấp thị thực điện tử cho công dân Iran tại Tehran thông qua đại sứ quán Thụy Sĩ. Bộ cũng chấp thuận vận chuyển người hành hương qua lại giữa các hãng hàng không 2 nước. 

Tuy nhiên, Iran khẳng định không có máy bay nào của nước này được phép vào Ả Rập Saudi.

Jamal Khashoggi, một nhà phân tích chính trị Ả Rập, nói với đài Al Jazeera rằng quyết định hủy bỏ đàm phán của Iran “là một bất ngờ”. “Họ sẽ phải trả lời cho người dân của mình. Ả Rập Saudi đã tỏ ra nhượng bộ đối với những người hành hương Iran” – ông Khashoggi nhận xét.

Trước đó, hồi năm ngoái, hàng trăm người hành hương đã thiệt mạng – bao gồm nhiều công dân Iran - trong vụ giẫm đạp tại lễ hành hương Hajj, ngoại ô thánh địa Mecca. Đây là khu vực do Ả Rập Saudi giám sát,

Nhật báo tiếng Ả Rập al-Diyar hôm 24-9-2015 tiết lộ đoàn xe của con trai Quốc vương Ả Rập Saudi Salman bin Abdulaziz Al Saud có thể là một trong những nguyên nhân chính gây ra vụ giẫm đạp chết người này.

Một tổ chức của cộng đồng người hành hương Iran xác nhận số nạn nhân thiệt mạng là hơn 1.300 người, trong đó có 125 người Iran. Tuy nhiên, Riyadh đưa ra con số thấp hơn, 717 người chết và hơn 900 người bị thương.

Các cuộc đàm phán trở nên phức tạp sau khi Ả Rập Saudi tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran về vụ người biểu tình xông vào đại sứ quán nước này ở thủ đô Tehran tháng 1-2016. Căng thẳng giữa 2 bên dâng cao quanh vụ Riyadh tử hình giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite Nimr al-Nimr.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại