Dẫn đến cảnh TQ cạnh tranh ngôi đầu, quyết định cách đây 40 năm có thể khiến Mỹ hối hận

Minh Khôi |

Chính những trí thức hàng đầu từng tiếp cận công nghệ tiên tiến của Mỹ cách đây 40 năm đã góp phần hiện thực hóa tham vọng công nghệ của Trung Quốc.

Kế hoạch đột phá của ông Đặng Tiểu Bình

Vào cuối năm 1978, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã công bố một kế hoạch táo bạo để mở cửa đất nước với phần còn lại của thế giới. Ông Đặng Tiểu Bình tuyên bố, khoa học và công nghệ là lực lượng sản xuất hàng đầu, đồng ý cho phép các tài năng công nghệ của đất nước ra nước ngoài để nghiên cứu với mục đích giúp Trung Quốc bắt kịp các nước khác.

Sau khi nhận được sự đồng ý từ Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, người đã nối lại quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào 1/1/1979, một nhóm các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học và công nghệ đã được lựa chọn để trở thành những công dân Trung Quốc đầu tiên học tập tại Mỹ kể từ khi thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vào năm 1946.

Chiến lược của ông Đặng Tiểu Bình đã được chứng minh là thành công khi hầu hết các trí thức, vào độ tuổi trung niên, trở về để xây dựng quê hương, sau khi nghiên cứu tại các viện hàng đầu của Mỹ.

Dẫn đến cảnh TQ cạnh tranh ngôi đầu, quyết định cách đây 40 năm có thể khiến Mỹ hối hận - Ảnh 1.

Ông Yan Dachun (trái) cùng GS Stanley Corrsin ở trường Đại học Johns Hopkins. Ảnh: SCMP.

Yan Dachun, Liu Baicheng, Ji Fusheng là 3 trí thức trong số đó. Ông Yan, chuyên gia về khí động học đã có công trong việc phát triển máy bay chiến đấu đầu tiên của Trung Quốc; ông Liu, dạy kỹ thuật cơ khí tại Đại học Thanh Hoa còn ông Ji là một kỹ sư của nhà máy chuyên sản xuất thiết bị truyền thông siêu cao tần.

Khi trở về từ các viện nghiên cứu ở Mỹ, họ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển công nghệ cao của Trung Quốc trong vài thập kỷ qua. Ông Liu được mời làm cố vấn cho chiến lược Made in China 2025.

Câu chuyện của những học giả này phản ánh cách thức trao đổi giáo dục - đặc biệt với Mỹ - đã giúp Trung Quốc biến đổi từ một quốc gia nghèo và lạc hậu thành một siêu cường công nghệ trong những thập kỷ qua.

Tuy nhiên, xu hướng này hiện đang đi ngược lại khi chính quyền Trump ngày càng lo ngại về tham vọng công nghệ của Bắc Kinh, áp đặt giới hạn về thị thực cho sinh viên Trung Quốc theo học một số môn khoa học và công nghệ nhất định ở Mỹ.

52 trí thức hàng đầu Trung Quốc "xách valy lên và đi" Mỹ

Bộ Giáo dục Trung Quốc nhanh chóng đưa ra một kế hoạch. Vào tháng 9/1978, khoảng 10.000 ứng cử viên trên toàn quốc đã tham dự một kỳ thi ngoại ngữ. 1/3 trong số đó vượt qua kỳ thi. Sau nhiều lần sát hạch, 52 ứng cử viên hàng đầu đã được lựa chọn.

Thời điểm rất phù hợp. Sau nhiều thập kỷ đóng băng quan hệ, Trung Quốc và Mỹ đã bắt đầu tham gia vào "ngoại giao bóng bàn" vào đầu những năm 1970. Chuyến thăm tháng 4/1971 tới Trung Quốc bởi một nhóm các vận động viên bóng bàn Mỹ đã mở đường cho chuyến công du của Tổng thống Nixon vào năm tiếp theo, đánh đấu chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên của một tổng thống Mỹ đương nhiệm.

Khoảng một năm sau, 2 nước đã thiết lập các văn phòng liên lạc tại thủ đô của nhau. Trong bối cảnh mối quan hệ ấm lên, Bắc Kinh đã cử ông Zhou Peiyuan, sau này là Giám đốc Đại học Bắc Kinh, đến Washington vào tháng 10/1978 để thảo luận về các kế hoạch trao đổi sinh viên.

Cuối năm 1978, 52 nhà khoa học, gồm 46 nam và 6 nữ đã chia tay gia đình bay đến Paris rồi lên một chuyến bay khác đến New York. Mỗi người mang theo một chiếc valy với 2 bộ com lê và một chiếc áo khoác mà chính phủ đã thiết kế riêng.

Tại Mỹ, ngôn ngữ không phải là trở ngại duy nhất. 

Ông Yan đã chứng kiến hàng loạt các áp phích chống ảnh hưởng của Trung Quốc - còn gọi là "cơn bão đỏ" - trong suốt năm đầu tiên tại Đại học Johns Hopkins ở Baltimore. 

Trong thời gian lưu trú tại Baltimore, ông cũng nhận được 2 cuộc gọi từ FBI như là một phần trong việc giám sát các nghiên cứu sinh của chính phủ Mỹ.

Nhưng điều ấn tượng nhất với 3 học giả là khoảng cách lớn giữa các cơ sở nghiên cứu của Mỹ và Trung Quốc. Ji cho biết ông có thể dễ dàng mua được các linh kiện điện tử mà có khi phải mất hàng giờ đạp xe mới thấy ở Bắc Kinh.

Thậm chí, cậu con trai chủ nhà nơi ông Liu ở còn có riêng một chiếc máy tính mà những học giả Trung Quốc mới lần đầu nhìn thấy. 

Để bắt kịp công nghệ, ông Liu đã đăng ký các lớp mã hóa cơ bản với các sinh viên đại học tại Đại học Wisconsin. Trong năm thứ 2 ở Mỹ, ông Liu xin chuyển sang Học viện Công nghệ Massachusetts để nghiên cứu thêm. 

"Bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn tại các phòng thí nghiệm của Mỹ," ông Yan nói.

Dẫn đến cảnh TQ cạnh tranh ngôi đầu, quyết định cách đây 40 năm có thể khiến Mỹ hối hận - Ảnh 3.

Ông Liu Baicheng tại phòng máy của Đại học Wisonsin năm 1979. Ảnh: SCMP.

Với khoản trợ cấp hàng tháng khoảng 400 USD từ chính phủ, các học giả Trung Quốc đã cố gắng tiếp thu tối đa nền giáo dục Mỹ. Ji đã làm việc 6,5 ngày/tuần, chỉ có những buổi chiều chủ nhật để giặt quần áo. Liu "đốt đèn" đến tận nửa đêm tại phòng máy tính ở Wisconsin để thực hiện các bài tập mã hóa của mình.

Trung Quốc cần 30 năm để theo kịp Mỹ

Sức mạnh công nghệ của Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng trong 4 thập kỷ qua. Đất nước hiện đang dẫn đầu thế giới về các công nghệ như viễn thông, năng lượng tái tạo và kỹ thuật cơ sở hạ tầng. Đồng thời, quốc gia này đang bắt kịp ở các lĩnh vực khác bao gồm cả robot và chất bán dẫn. 

Trung Quốc thiếu khả năng sản xuất nhiều linh kiện điện tử quan trọng và vẫn phải dựa vào các nhà cung cấp nước ngoài cho nhiều bộ phận công nghệ cao. Theo kế hoạch Made in China 2025, Bắc Kinh đang nhắm tới mục tiêu có khoảng 70% các thành phần công nghệ chủ yếu được sản xuất trong nước vào năm 2025. 

Trong năm qua, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thực hiện các cuộc gọi thường xuyên cho các nhà khoa học Trung Quốc để phát triển các công nghệ cốt lõi nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu nước ngoài.

Tuy nhiên, mục tiêu đầy tham vọng này đã trở thành điểm mấu chốt trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện nay. Về vấn đề nay, ông Liu đã tỏ ra bực bội. "Có vấn đề gì với việc phát triển công nghệ tiên tiến? Nếu họ có thể làm điều đó, tại sao chúng ta không thể?", ông nói, lưu ý rằng kế hoạch Made in China 2025 được lấy cảm hứng từ chính sách tương tự ở Đức và Mỹ.

Với ông Liu, sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc với tư cách là một "ông lớn" công nghệ khiến ông không thoải mái. "Đừng nói những điều như Đất nước chúng ta thật kỳ diệu hay Chúng ta đang dẫn đầu. Cứ làm việc chăm chỉ. Chúng ta vẫn cần 30 năm để theo kịp Mỹ", ông Liu cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại