Đối với nhân viên văn phòng, đặc biệt ở những vị trí công việc phải thường xuyên ra ngoài gặp khách hàng hoặc đi khảo sát thị trường, di chuyển chung xe với sếp là điều không có gì quá lạ lẫm.
Những tưởng đi xe là một việc rất đỗi bình thường, chẳng có gì đáng chú tâm.
Tuy nhiên, đối với dân công sở Nhật, vẫn có một vài quy tắc ngầm tồn tại xoay quanh việc phân chia vị trí ngồi theo cấp bậc và sự phân công công việc buộc phải nhớ để có thể tạo được ấn tượng với sếp.
1. Vị trí nào, dành cho ai?
Kamiza là vị trí ngồi tốt nhất thường ưu tiên cho khách hàng hoặc sếp. Trong khi đó, Geza là vị trí ngồi dành cho những người có cấp bậc thấp.
Theo ảnh này:
Vị trí số 1 tốt nhất ưu tiên cho khách hàng hoặc sếp.
Vị trí thứ 2 dành cho người có việc cần trao đổi với sếp (nếu khách hàng đã ngồi ở vị trí 1 thì chỗ này dành cho sếp)
Vị trí thứ 3 không thoải mái, dành cho người có cấp bậc thấp hơn.
Riêng vị trí số 4 sẽ dành cho người có vai trò thấp nhất.
Riêng trường hợp đi ô tô 7 chỗ như ảnh này:
Vị trí 1 dành cho sếp hoặc khách hàng.
Vị trí 2 dành cho người có vai trò cao thứ 2 (nếu khách hàng đã ngồi vị trí 1 thì chỗ này dành cho sếp)
Vị trí 3, 4 dành cho nhân viên tiền bối.
Vị trí 5, 6 dành cho hậu bối.
2. Vị trí ghế phụ lái - "hoa tiêu" và thanh toán tiền xe
Như đã nói ở trên, vị trí ghế phụ lái là vị trí thứ 4 dành cho người có cấp bậc thấp nhưng ưu tiên thâm niên trong xe.
Cụ thể, người ngồi ở ghế phụ lái sẽ chỉ đường và trả tiền khi đi xe. Khi bước lên xe, người ngồi ở vị trí này phải hỗ trợ mở cửa cho cấp trên và thông báo điểm đến cho tài xế, sau đó chuẩn bị tiền thanh toán đồng thời không được quên hỏi xin hoá đơn.
Mọi việc đều phải được diễn ra thật nhanh chóng để tránh làm mất thời gian.
3. Sắp xếp hành lý cho cấp trên
Tinh tế hơn, khi đi cùng ô tô với sếp, dân công sở Nhật phải sẵn sàng để hỗ trợ sắp xếp hành lý vào cốp sau, giúp cấp trên có chỗ ngồi thoải mái và đừng quên hỏi xin giúp đỡ trước khi đụng chạm vào đồ vật của người khác.
Dù chỉ là những hành động nhỏ nhặt nhưng nếu để ý và làm theo sẽ tạo được ấn tượng tốt cho sếp về hình ảnh năng động, tháo vát và biết quan tâm đến người khác.
4. Ghi lại tên công ty vận tải và bảng số xe taxi
Đây không phải là một yêu cầu bắt buộc nhưng sẽ là một thói quen tốt rất cần thiết giúp dân công sở Nhật ghi điểm với cấp trên khi chẳng may có sơ xuất xảy ra (chúng ta có thể học theo).
Ví dụ như khi quên đồ, xin hoá đơn đỏ sai thông tin, chúng ta có thể chủ động liên lạc để giải quyết. Điều này sẽ khiến cấp trên luôn yên tâm và tin tưởng giao trách nhiệm.
5. Mong muốn của cấp trên là nguyên tắc ưu tiên hàng đầu
Tuy nhiên, nguyên tắc thì nguyên tắc, dân công sở Nhật vẫn luôn thuộc câu thần chú "mong muốn có cấp trên/khách hàng là ưu tiên hàng đầu".
Chẳng hạn như khách hàng muốn được ngồi ở vị trí khác, họ cần ưu tiên “chiều” theo nguyện vọng của khách hàng.
Dù chỉ là nguyên tắc ngầm nhưng vị trí ngồi trên xe luôn được rạch ròi trong mối quan hệ giữa cấp trên và nhân viên trong môi trường làm việc tại Nhật.
Sếp có quyền thay đổi vị trí khi cần nhưng nhân viên tuyệt đối không cho phép mình nhầm lẫn vị trí của bản thân, trừ trường hợp được yêu cầu từ phía cấp trên.
Đôi khi, chỉ cần nhìn qua cung cách ứng xử của một người khi đi ô tô, chúng ta có thể phần nào đánh giá được năng lực cũng như tinh thần làm việc của họ.
Dù làm cho sếp Nhật hay sếp Việt Nam đi chăng nữa, dân công sở cũng có thể lưu tâm và áp dụng những quy tắc hay ho này để có thể chứng minh được năng lực cũng sự sự tinh tế và khéo léo trong cung cách ứng xử của bản thân.