“Dân còn khó khăn sao nhiều cán bộ sống xa hoa thế!”

Kim Anh |

Dư luận xã hội đặt câu hỏi: người dân còn khó khăn nhưng sao cuộc sống của nhiều cán bộ xa hoa thế, có người còn giàu lên một cách nhanh chóng...

Chống tham nhũng tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh

Sau nhiều ngày xét xử công khai, phiên tòa xét xử vụ án Mobifone mua 95% cổ phần công ty AVG đã bước vào phần nghị án và sẽ tuyên án vào sáng 28/12. Vụ án trở thành tâm điểm chú ý của dư luận bởi “lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp, các bị can trong một vụ án thừa nhận hành vi nhận hối lộ với số tiền lên tới hàng triệu USD”.

“Dân còn khó khăn sao nhiều cán bộ sống xa hoa thế!” - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn tại phiên tòa sơ thẩm

 

Trong phần luận tội trước khi đưa ra mức án đề nghị đối với bị cáo, đại diện Viện kiểm sát đã nhấn mạnh, việc đưa vụ án ra xét xử tiếp tục là một minh chứng khẳng định quan điểm, quyết tâm của Đảng, Nhà nước và các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác phòng, chống tham nhũng, thực hiện nguyên tắc thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có loại lệ, bất kể đối tượng đó là ai, giữ cương vị nào, nhằm loại trừ các hiện tượng tham nhũng cũng như tội phạm tham nhũng ra khỏi xã hội, qua đó củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Đây là một trong hàng loạt vụ án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đã được đưa ra xét xử công khai, đúng người, đúng tội trong thời gian qua, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Điều đó cũng cho thấy công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, “không chùng xuống”, với cách làm bài bản, quyết liệt, đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn. Những kết quả bước đầu đạt được cũng đã khẳng định quan điểm không có chuyện “hạ cánh an toàn”.

Ghi nhận những kết quả đã đạt được, tại các cuộc tiếp xúc cử tri của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cử tri cũng bày tỏ bức xúc trước thực trạng tham nhũng trong chính cơ quan chống tham nhũng; tham nhũng vặt ở nhiều lĩnh vực, nhất là ở cấp cơ sở chưa được đẩy lùi; còn tình trạng người vi phạm bỏ trốn ra nước ngoài trước khi áp dụng biện pháp ngăn chặn.

Hơn nữa, việc xử lý, thu hồi tài sản bị tham nhũng mặc dù đã được quan tâm hơn nhưng hiệu quả chưa cao; công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức còn hình thức.

Phát biểu tại nghị trường Quốc hội kỳ họp thứ 8, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ĐBQH đoàn Nam Định) đánh giá một số vụ án tham nhũng gần đây đã được cơ quan tố tụng chứng minh được yếu tố tham nhũng, yếu tố chiếm đoạt, hay nói cách khác là chứng minh được hành vi đưa và nhận hối lộ để xử lý nghiêm minh như vụ Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn trong thương vụ Mobifone mua 95% công ty AVG.

“Dân còn khó khăn sao nhiều cán bộ sống xa hoa thế!” - Ảnh 2.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa. (ảnh: Quochoi.vn)


Song, trên thực tế vẫn còn nhiều vụ án lớn mà dư luận nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng, nhưng cơ quan tố tụng không chứng minh được hành vi đưa, nhận hối lộ nên phải xử lý về tội phạm kinh tế. Việc chứng minh này là rất khó vì các đối tượng thường tìm mọi cách che giấu hành vi, không bắt được quả tang.

Do đó, đã đến lúc cần phải rút ra bài học về quản lý kinh tế, phải rà soát lại xem cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật có chỗ nào sơ hở và dễ bị lợi dụng; chấn chỉnh ngay những sai phạm khi đang còn ở trong giai đoạn nguy cơ, không để đến khi sự việc xảy ra nghiêm trọng mới phát hiện và xử lý.

Đấu tranh chống tham nhũng không phải cứ bỏ tù là xong!

Đánh giá cao công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua tiếp tục đạt được những kết quả đáng ghi nhận với nguyên tắc “rõ đến đâu, xử đến đó”, tuy nhiên ông Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Tháp) cho rằng, công tác này chủ yếu xử lý những vụ việc đã rồi mà chưa thực sự chú trọng việc phòng chống từ xa, chấn chỉnh sai phạm từ khi còn ở trong giai đoạn nguy cơ.

“Dân còn khó khăn sao nhiều cán bộ sống xa hoa thế!” - Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa.


Theo ông, mục tiêu cao nhất trong cuộc chiến chống tham nhũng là thu hồi được tiền Nhà nước bị thất thoát, cùng với đó là lên án, xử lý nghiêm người vi phạm. “Đấu tranh phòng chống tham nhũng không phải cứ bỏ tù là xong, còn tài sản hư hao, mất mát thì người dân và Nhà nước phải gánh chịu. Cho nên mục tiêu là phải thu hồi bằng được tài sản tham nhũng mà có, trả lại cho Nhà nước, cho nhân dân để đầu tư công ích, phúc lợi xã hội”.

Theo vị đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Tháp, một trong những biện pháp được coi là quan trọng để phòng, chống tham nhũng hiệu quả là kê khai tài sản để kiểm tra, giám sát những biến động tài sản của cán bộ, công chức nhưng cách làm này dường như không hiệu quả vì còn nặng tính hình thức. Trong khi việc kê khai còn phụ thuộc quá nhiều vào tinh thần tự giác, tự chịu trách nhiệm của người kê khai.

Thực tế cho thấy, hàng năm đều công khai số liệu cán bộ công chức kê khai tài sản nhưng số được xác minh rất ít và số bị phát hiện thiếu trung thực càng ít hơn. Người bị phát hiện kê khai không đúng lại chưa bị xử lý về tài sản mà mới xử lý về mặt Đảng, mặt hành chính.

Trong khi đó, không ít cán bộ giàu lên nhanh chóng một cách bất thường, sở hữu khối tài sản “khủng”, biệt phủ, ô tô đắt tiền… lên tới hàng chục tỷ đồng gây bức xúc trong nhân dân, nhưng không được giải trình thỏa đáng, minh bạch. Những thông tin như vậy không chỉ làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước nói chung mà còn ảnh hưởng tới nhiều cán bộ trong sạch, liêm khiết nói riêng.

“Dư luận xã hội đặt câu hỏi: người dân còn khó khăn nhưng sao cuộc sống của nhiều cán bộ xa hoa thế, có người giàu lên một cách nhanh chóng, có biệt phủ, nhiều bất động sản, đủ thứ phương tiện, nhà cửa, đất đai, xe cộ... 

Những tài sản vật chất này hàng ngày đập vào mắt người dân khiến họ không khỏi nghi ngờ khối tài sản đó có bất minh? Khi có đơn phản ánh, tố cáo của người dân hay có phản ánh của báo chí về anh A, anh B có hành vi tham nhũng, bất chính về tài sản thì cơ quan thanh tra cũng cần tiếp thu, xác minh cho rõ để có câu trả lời rõ ràng trước công luận” – ông Phạm Văn Hòa nêu quan điểm và cho rằng nếu kết quả xác minh không đúng thực tế thì cần phải xử lý nghiêm minh để răn đe. 

Ngoài cán bộ thuộc diện phải kê khai cũng cần quy định thêm người thân như vợ/chồng, con cái… phải được kiểm tra, giám sát sự biến động tài sản.

Chia sẻ với phóng viên VOV.VN, ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phải chua xót: “Sung sướng gì khi nghe tin cán bộ trước đó còn là đảng viên, thậm chí từng giữ vị trí lãnh đạo nhưng sau đó đã bị lãnh án tử hình...Nếu những cán bộ này được kịp thời kiểm tra giám sát, nhắc nhở, xử lý để răn đe thì có thể hậu quả đã không như vậy”.

Theo ông, để hạn chế đến mức thấp nhất tham nhũng có thể xảy ra, yếu tố quan trọng là tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên ở cấp ủy, tổ chức Đảng, để kịp thời phát hiện tiêu cực, vi phạm, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu và xử lý thật nghiêm.

Cũng như chỉ dẫn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018: “Quyền lực luôn có nguy cơ bị "tha hóa", tham nhũng là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực, cho nên phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn. 

Do vậy, phải tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát để bảo đảm quyền lực được vận hành công khai, minh bạch, đúng đắn, không bị "tha hóa"./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại