Pháo tự động AZP-57 cỡ 57 mm đã được Quân đội Nga sử dụng thành công trong khuôn khổ chiến dịch quân sự đặc biệt với tư cách vũ khí chính của tổ hợp pháo phòng không tự hành 2S38 Derivatsiya-PVO.
Loại pháo này được trang bị đạn phân mảnh có khả năng tiêu diệt nhân lực hay phương tiện tấn công đường không một cách hiệu quả. Ngoài ra đạn xuyên giáp cho nó cũng đã được phát triển.
Ví dụ, đạn UBR-281 được chế tạo từ thời Liên Xô có khả năng xuyên thủng lớp giáp dày 96 mm ở cự ly 1 km. Điều này là đủ để tiêu diệt các xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley, Marder và Strf 90 hiện có của Lực lượng Vũ trang Ukraine.
Xe tăng Leopard 1A5 mà Đức cung cấp cho Lực lượng vũ trang Ukraine cũng có thể gặp vấn đề lớn với pháo AZP-57. Giáp phần trước của chúng chỉ dày 70 mm, và hai bên tương đương 45 mm.
Bên cạnh đó, xe tăng Leopard 2 cũng không được bảo vệ nhiều ở khu vực hai bên thân, khi chúng có lớp giáp chỉ dày 60 - 70 mm ở đó, không chỉ có vậy, con số này ở M1 Abrams cũng chỉ là 65 mm.
Ngoài nước Nga, những loại đạn như vậy dành cho pháo AZP-57 còn được sản xuất ở Trung Quốc, cũng như ở Triều Tiên và Iran, tức là nguồn cung ở mức rất dồi dào.
Pháo AZP-57 còn được gắn trên xe trinh sát bọc thép BRM-3K và xe chiến đấu bộ binh BMP-3 với cơ số 80 viên đạn. Súng máy 7,62 mm được sử dụng làm vũ khí phụ. Hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại cho phép tiêu diệt mục tiêu cả ngày lẫn đêm.
Tuy vậy theo nhận xét, việc sử dụng pháo AZP-57 để chống lại xe tăng mang lại quá nhiều rủi ro, bởi đạn 57 mm khó ảnh hưởng tới chiến xa đã lắp giáp phụ hay giáp phản ứng nổ, trong khi vỏ giáp của những loại xe mang chúng lại quá yếu.
Sức mạnh pháo tự động AZP-57 cỡ nòng 57 mm trên tổ hợp pháo phòng không tự hành 2S38 Derivatsiya-PVO.