Đàm phán lập Chính phủ liên minh thất bại, điều gì chờ đợi nước Đức?

Hùng Cường |

Đàm phán thành lập chính phủ liên minh đổ vỡ khiến Đức rơi vào khủng hoảng chính trị và có thể phải tổ chức bầu cử trước thời hạn.

Đàm phán để thành lập chính phủ liên minh mới tại Đức giữa đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel với đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh đã kết thúc đêm 19 rạng sáng 20/11 (theo giờ địa phương) trong thất bại nặng nề, khi FDP tuyên bố rút lui khỏi cuộc đàm phán.

Christian Lindner, lãnh đạo đảng FDP nói: "Chúng tôi thà không nắm quyền còn hơn nắm quyền mà điều hành đất nước một cách tệ hại".

Trên thực tế, diễn biến này không phải là điều gì bất ngờ bởi cuộc đàm phán giữa FDP, đảng Xanh và CDU/CSU từ khi bắt đầu đã không suôn sẻ do khác biệt trên nhiều vấn đề then chốt, đặc biệt là chính sách người nhập cư. Trong khi đảng CDU/CSU muốn mở cửa đón thêm 200.000 người là thân nhân của người tị nạn hiện sống ở Đức thì đảng FDP kiên quyết phản đối.

Ngoài ra, các đảng cũng bất đồng về vấn đề môi trường. Trong khi đảng Xanh muốn hạn chế việc sản xuất than và ôtô động cơ đốt trong thì đảng FDP nhấn mạnh tầm quan trọng của hai lĩnh vực sản xuất này để bảo vệ nền công nghiệp và việc làm của người Đức.

Diễn biến mới nhất trên chính trường đã đẩy Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, rơi vào nguy cơ khủng hoảng chính trị và có thể sẽ chấm dứt kỷ nguyên cầm quyền của Thủ tướng Angela Merkel.

Việc các chính đảng tại Đức không đạt được thoả thuận hình thành một liên minh chưa từng có tiền lệ trong lịch sử chính trị nước này cũng có thể dẫn tới cuộc bầu cử mới, điều mà tất cả các bên đều muốn tránh vì lo ngại sẽ có thêm lợi thế cho đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) theo đường lối cực hữu. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu còn có sự lựa chọn nào khác để cứu vãn tình hình hiện nay hay không?

Thuyết phục đảng Dân chủ Xã hội tham gia liên minh

Một trong những kịch bản tốt nhất cho đảng của bà Merkel đó là liên minh với đảng trung tả Dân chủ Xã hội (SPD) – đảng nắm giữ số ghế nhiều thứ 2 tại Quốc hội Đức hiện nay. Tuy nhiên, đây không phải là “cửa sáng” bởi SPD đã từ chối hợp tác để lập chính phủ “đại liên minh” như từng làm trước đó (liên minh giữa hai đảng này đã tồn tại từ năm 2013-2017).

Trong một tuyên bố ngày 20/11, Đảng Dân chủ xã hội (SPD) một lần nữa khẳng định chủ trương không tham gia đàm phán thành lập chính phủ liên minh, bất kể các diễn biến trên chính trường hiện nay.

Trên Twitter, Phó Chủ tịch SPD Ralf Stegner nêu rõ việc đảng Dân chủ Tự do (FDP) từ chối liên minh cùng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Xanh "không làm thay đổi quan điểm của SPD”. Trước đó, Chủ tịch SPD Martin Schulz cũng tuyên bố đảng này đã sẵn sàng cho cuộc bầu cử mới.

Thành lập chính phủ thiểu số

Kịch bản khác là CDU/CSU liên minh riêng với đảng Xanh hoặc đảng Dân chủ Tự do thành lập chính phủ thiểu số, song một chính phủ như vậy sẽ không ổn định và cũng không phải là điều mong muốn của Thủ tướng Merkel.

Theo kịch bản này, Tổng thống Steinmeier trước hết sẽ giải tán Quốc hội liên bang và kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử mới. Bản thân các chính đảng ở Đức cũng không mong muốn xảy ra kịch bản này do lo ngại đảng cánh hữu "Sự lựa chọn vì nước Đức" (AfD) có cơ hội giành thêm ghế tại cơ quan lập pháp Đức.

Nếu có cái bắt tay giữa Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Dân chủ Tự do (FDP), liên minh này sẽ thiếu 29 ghế để chiếm thế đa số trong nghị viện; nếu trong trường hợp CDU/CSU bắt tay với riêng đảng Xanh, họ sẽ thiếu 42 ghế.

Dù mô hình chính phủ thiểu số khá phổ biến ở các nước khác nhưng lại chưa có tiền lệ được áp dụng đối với cấp liên bang ở Đức. Sau cuộc bầu cử liên bang, Thủ tướng Đức từng tuyên bố: “Tôi muốn xây dựng một chính phủ ổn định ở Đức”. Tuy nhiên, SPD lại ngay lập tức bác bỏ khả năng hỗ trợ chính phủ thiểu số của bà Merkel.

Tổ chức một cuộc bầu cử mới

Điều 63 của Hiến pháp Đức quy định về các tình huống giải quyết như sau: Tổng thống Đức trước tiên phải đề cử một người nào đó làm Thủ tướng. Người này sẽ trở thành người đứng đầu chính phủ (Thủ tướng của đa số) nếu được số phiếu ủng hộ quá bán từ các thành viên Quốc hội liên bang.

Nếu đề cử của Tổng thống không nhận được sự ủng hộ của đa số, một cuộc bầu cử lần hai sẽ được tiến hành. Quốc hội Đức sau đó sẽ có hai tuần để đạt được thỏa thuận về một Thủ tướng có sự ủng hộ của đa số phiếu tuyệt đối.

Số lượng phiếu bầu cũng như số lượng các ứng cử viên đều không bị giới hạn. Nếu trong khoảng thời gian hai tuần này, các nghị sĩ trong Quốc hội Đức vẫn chưa thể tìm ra được Thủ tướng mới, vòng bỏ phiếu thứ ba sẽ được khởi động. Trong vòng cuối cùng này, người chiến thắng chỉ cần nhận được đa số phiếu tương đối.

Trong trường hợp ứng viên Thủ tướng chỉ giành được đa số tương đối, Tổng thống có quyền chỉ định người này lãnh đạo một Chính phủ thiểu số hoặc có thể giải tán Quốc hội. Nếu giải tán Quốc hội thì các cuộc bầu cử mới phải được tiến hành trong vòng 60 ngày./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại